Thanh Hóa tích cực chuẩn bị cho vụ tôm xuân hè
Hyện Nông Cống đã chỉ đạo các hộ nuôi thủy sản vùng ngoài đê tôn cao bờ đầm, sửa chữa cống đầu mối, nạo vét kênh mương. Những ao đã thu hoạch, chủ ao, đầm tháo kiệt nước, thu gom rong rêu, cải tạo đáy ao, diệt khuẩn, diệt tạp và ổn định độ PH bằng vôi bột.
Ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nông Cống, cho biết: Bước vào vụ nuôi tôm xuân hè, địa phương đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ phục vụ nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến.
Tăng cường tuyên truyền sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, khắc phục tình trạng dịch bệnh trên tôm, hướng người nuôi tôm áp dụng theo quy trình VietGap. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh ở những vùng nuôi đủ điều kiện, bảo đảm an toàn dịch bệnh, phòng tránh rủi do.
Cùng với đó, phải lựa chọn mua giống ở cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng, đã được các cơ quan kiểm dịch theo đúng chỉ đạo của địa phương.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên những cánh đồng nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ven biển như: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia... các hộ nuôi và các doanh nghiệp đã huy động máy xúc, máy bơm, các phương tiện... cải tạo ao, đầm, nạo vét, tu sửa bờ ao, xử lý môi trường nước, chuẩn bị điều kiện để bước vào vụ nuôi tôm mới.
Đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo hơn 90% tổng diện tích nuôi tôm và sẽ hoàn tất việc cải tạo và tích nước xử lý tạp chất chuẩn bị thả giống giữa tháng 4.
Để cung cấp nguồn giống cho bà con trong vụ tôm xuân hè 2016, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa có kế hoạch sản xuất khoảng 80 triệu con tôm sú. Ngoài ra, trung tâm phối hợp với HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ cung cấp giống tôm thẻ chân trắng theo quy trình an toàn sinh học.
Vụ nuôi tôm xuân hè 2016, toàn tỉnh phấn đấu nuôi với diện tích 4.073 ha với sản lượng 3.700 tấn (trong đó, 1.200 tấn tôm sú, 2.500 tấn tôm chân trắng). Để kế hoạch nuôi tôm của toàn tỉnh đạt kết quả cao và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các huyện, thị xã triển khai đến tổ chức, cá nhân nuôi tôm thực hiện tốt các biện pháp lu lèn hoặc đầm nén để cho nước ở các ao nuôi không rò rỉ ra ngoài, đưa toàn bộ chất thải, tạp chất ra khỏi ao.
Những ao không tháo cạn được nước thì dùng bơm sục đáy để tẩy chất thải sau đó bón vôi, thau rửa 2-3 lần đối với những ao bị nhiễm phèn chua. Ao nuôi phải bảo đảm độ sâu trên 1m đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến và trên 1,5m đối với nuôi thâm canh, bán thâm canh tôm sú, tôm chân trắng.
Đối với ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh đáy ao phải được thiết kế hệ thống thu chất thải để thuận lợi khi xả thải trong quá trình nuôi. Thực hiện công tác kiểm soát chất lượng các vật tư trong nuôi trồng thủy sản.
Tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện vùng nuôi trồng, chất lượng con giống, môi trường, dịch bệnh, chất lượng thức ăn, chất bổ sung thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường, thuốc thú y thủy sản ở tất cả các khâu từ sản xuất đến sử dụng.
Tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi tôm cho người dân; tổ chức cho người nuôi tham quan, học tập mô hình nuôi tôm trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm. Cùng với đó, sở phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao