Thanh long vào chính vụ người mừng, kẻ mếu
Trước sự trồi sụt liên tục của giá bán thanh long vài năm trở lại đây, không ít hộ nông dân đã bị thua lỗ nặng. Riêng năm nay, hạn hán kéo dài đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có thanh long. Đến cuối tháng 5/2016, thời tiết chuyển mưa, cũng bắt đầu thời điểm bệnh đốm nâu bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái của bà con.
Chúng tôi đến Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) vào trung tuần tháng 7. Trải khắp các tuyến đường lớn từ xã Hàm Chính đến thị trấn Ma Lâm, xã Thuận Minh… đâu đâu cũng rực rỡ sắc xanh bạt ngàn của thanh long. Theo quan sát của chúng tôi, có nhiều vườn thanh long đang thời kỳ trổ bông trắng mướt, có vườn lại rực đỏ trái chín, đang độ thu hoạch. Gặp gỡ hộ ông Đào Đình Tuấn ở xã Thuận Minh có 500 trụ thanh long. Ông Tuấn chia sẻ: “Trong vụ thu hoạch này, tôi thu được 25 triệu đồng, nhờ giá bán cao hơn năm ngoái”.
Bên cạnh niềm vui của các hộ gia đình bán được thanh long với giá khá cao, thì vẫn có không ít hộ rất lo lắng vì thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu, trái nhỏ… chỉ bán được với giá từ 2 - 5 ngàn đồng/kg (hàng dạt). Đơn cử, hộ bà Trần Thị Miền (Hàm Thuận Bắc) buồn bã cho biết: “Gia đình tôi trồng trên 200 trụ thanh long. Với giá cao như hiện nay, tôi hy vọng có lãi để trả tiền phân bón. Tuy nhiên do bị đốm nâu, nên cả lứa thu hoạch chỉ lấy được 100 trái bán với giá cao. Số còn lại chỉ bán được 5 ngàn đồng/kg. Lý giải về điều này, bà Miền nói thêm: “Do mới bước vào trồng thanh long được mấy năm nay, tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cả vườn đều bị nhiễm bệnh. Nhìn đống thanh long không bán được mà buồn não ruột”.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến giữa tháng 7/2016, toàn tỉnh có trên 4.300 ha thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó có 82 ha nhiễm nặng. Diện tích nhiễm bệnh so với tuần trước tăng 466 ha… Theo dự báo, trong mùa mưa, bệnh đốm nâu sẽ tiếp tục phát sinh, gia tăng diện tích và mức độ gây hại trên cành, quả thanh long. Do đó, nông dân cần vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh. Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng trong vườn thanh long, hoặc vứt bỏ tại lề đường, bờ sông và kênh rạch vì đây là các ổ nấm giúp mầm bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan gây hại. Mặt khác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly.
Đây chính là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của đốm nâu, nâng cao chất lượng, sản lượng trái thanh long. Có như vậy mới tránh được thực trạng như hiện nay là người mừng, kẻ mếu khi bước vào mùa thanh long chính vụ…
Theo dự báo, trong mùa mưa, bệnh đốm nâu sẽ tiếp tục phát sinh, gia tăng diện tích và mức độ gây hại trên cành, quả thanh long.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao