Thành phần thức ăn và thức ăn chăn nuôi dành cho cá trê - Phần 1
Tờ thông tin này do Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản Khu vực phía Nam (SRAC) đưa ra thông tin về những loại thức ăn và thành phần thức ăn nên được sử dụng cho cá trê.
Thu hoạch cá trê. Ảnh: Đại học Auburn
Một bảng thông tin mới do Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản Khu vực Miền Nam (SRAC) xuất bản, nó giải thích những thông tin quan trọng về những thành phần nào phù hợp để hình thành công thức thức ăn chăn nuôi dành cho cá trê.
Ở miền đông nam Hoa Kỳ, cá trê thường được nuôi trong ao đất ở mật độ tương đối cao. Hệ thống nuôi thâm canh yêu cầu cá được cho ăn một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng mà cung cấp các chất dinh dưỡng và năng lượng ở mức bằng hoặc cao hơn mức cần thiết để tối ưu tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Điều này chủ yếu là do lượng thức ăn tự nhiên trong ao tương đối nhỏ so với tổng nhu cầu dinh dưỡng của cá, ngoại trừ giai đoạn đầu của vòng đời cá (cá con và cá giống nhỏ).
Thức ăn đại diện cho chi phí hay thay đổi nhiều nhất trong sản xuất cá trê. Mặc dù nhu cầu về thức ăn tiết kiệm chi phí hơn là điều rõ ràng, nhưng thức ăn dành cho cá trê bắt buộc phải được chế biến sao cho hiệu quả về mặt chi phí chứ không chỉ ít tốn kém hơn là được. Điều này có thể đạt được bằng cách lựa chọn một cách cẩn thận và pha trộn các loại thức ăn truyền thống và thức ăn thay thế đa dạng mà phù hợp để sử dụng trong thức ăn chăn nuôi dành cho cá trê. Điều quan trọng là sử dụng thức ăn thay thế ít tốn kém hơn mà không làm suy giảm chất lượng dinh dưỡng và chất lượng vật chất của thức ăn, tốc độ tăng trưởng của cá, năng suất chế biến và chất lượng sản phẩm. Trong ấn phẩm này, chúng tôi kiểm tra các thành phần thức ăn khác nhau đang hoặc có thể được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi dành cho cá trê, cũng như các hướng dẫn về công thức chế biến thức ăn và các loại thức ăn khác nhau.
Thành phần thức ăn chăn nuôi
Thức ăn cho cá trê thương phẩm là một hỗn hợp của thức ăn chăn nuôi và các chất bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu và năng lượng tiêu hóa. Để phù hợp, các thành phần trong chế độ ăn phải dễ tiêu hóa, dễ xử lý trong quá trình sản xuất, có khả năng chịu được sự khắc nghiệt của quá trình sản xuất, sẵn có trên cơ sở phù hợp, tiết kiệm và chứa đầy đủ chất dinh dưỡng. Mặc dù tất cả các loại thức ăn chăn nuôi đều chứa năng lượng, protein và các chất dinh dưỡng khác, nhưng chúng thường được phân loại hoặc là thức ăn chăn nuôi giàu protein hoặc là thức ăn chăn nuôi giàu năng lượng. Trong thức ăn chăn nuôi dành cho động vật thì những loại có chứa 20% protein trở lên thường được gọi là thức ăn giàu protein, còn những loại chứa ít hơn 20% protein được gọi là thức ăn giàu năng lượng. Thức ăn protein được phân chia theo nguồn gốc (động vật hoặc thực vật). Có nhiều loại thức ăn có thể phù hợp về mặt dinh dưỡng để sử dụng trong thức ăn chăn nuôi dành cho cá trê, nhưng tương đối ít loại nào có sẵn đúng lúc mà lại có chi phí hợp lý. Mặc dù chúng tôi sẽ xem xét tất cả các loại thức ăn nhưng chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào thức ăn chứa protein, vì protein là phần tốn kém nhất trong thức ăn chăn nuôi cá trê.
Hàm lượng protein
Các nguồn protein chính được sử dụng trong thức ăn dành cho cá trê là các loại bột từ hạt có chứa dầu (chẳng hạn như bột đậu nành và bột hạt bông; cũng có thể sử dụng bột đậu phộng và bột hạt cải). So với protein động vật thì hầu hết protein thực vật (ngoại trừ bột dầu đậu nành) đều thiếu li-zin, đây là một loại axit amin thiết yếu bị hạn chế nhất trong thức ăn của cá trê. Ngoài ra, một số protein thực vật nhất định có chứa các yếu tố kháng dinh dưỡng và độc tố (xem SRAC Ấn phẩm số 5002, Độc tố nấm mốc trong thức ăn chăn nuôi thủy sản). Một số chất kháng dinh dưỡng (chẳng hạn như chất ức chế trypsin) bị bất hoạt bởi nhiệt trong quá trình ép đùn, nhưng những chất khác (chẳng hạn như phytate) không bị ảnh hưởng bởi các phương pháp xử lý nhiệt. Các phương pháp chế biến khác có thể được sử dụng để giảm mức tác động của một số chất kháng dinh dưỡng. Mặc dù có những ngoại lệ, nhưng protein động vật thường được coi là protein có chất lượng cao hơn protein thực vật, chủ yếu vì chúng thường chứa nhiều axit amin không thể thiếu hơn và chúng không chứa các yếu tố kháng dinh dưỡng (xem SRAC Ấn phẩm số 5003, Những nguyên tắc về Dinh dưỡng Cá). Protein động vật đã được sử dụng trong thức ăn dành cho cá trê bao gồm bột cá, bột thịt và xương, bột huyết, hỗn hợp bột thịt và xương/ huyết, bột phụ phẩm gia cầm và bột nội tạng cá trê. Các loại protein động vật này (đặc biệt là bột cá) đắt hơn các loại protein thực vật. Mặc dù đã có nhiều báo cáo mâu thuẫn nhau, nhưng chế độ ăn cân bằng hợp lý với toàn bộ protein thực vật có thể giúp cá trê tăng trưởng tốt trong ao từ giai đoạn cá giống nâng cao đến kích cỡ thị trường. Bột đậu nành (đã tách vỏ, được chiết xuất bằng dung môi) thu được bằng cách nghiền các mảnh còn sót lại sau khi loại bỏ hầu hết dầu từ đậu nành tách vỏ bằng một quy trình chiết xuất dung môi. Nó chứa khoảng 48% protein chất lượng cao và là nguồn protein chủ yếu trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Bột đậu nành chứa thành phần axit amin tốt nhất trong tất cả các nguồn protein thực vật thông thường đồng thời rất ngon miệng và dễ tiêu hóa đối với cá trê. Các yếu tố kháng dinh dưỡng (chẳng hạn như chất ức chế trypsin) bị phá hủy hoặc giảm xuống mức không đáng kể bằng nhiệt được áp dụng trong quá trình chiết xuất. Hàm lượng bột đậu nành lên đến 50% đã được sử dụng trong thức ăn dành cho cá trê thương phẩm mà không gây ra tác dụng bất lợi. Trong những năm gần đây, việc sử dụng bột đậu nành đã giảm đi phần nào do giá thành ngày càng tăng cao. Bột hạt bông (được chiết xuất bằng dung môi) thu được bằng cách nghiền mịn các mảnh còn sót lại sau khi loại bỏ hầu hết dầu ra khỏi hạt bông bằng quy trình chiết xuất dung môi. Nó thường chứa khoảng 41% protein, nhưng không được chứa ít hơn 36%. Nó khá ngon miệng đối với cá trê. Bột hạt bông chứa các axit gossypol và cyclopropenoic tự do, mà các axit này có thể gây độc khi ở nồng độ cao; tuy nhiên, trong bột hạt bông thông thường thì các hợp chất này thường thấp hơn mức độc hại. Bột hạt bông thường được sử dụng trong thức ăn dành cho cá trê ở hàm lượng từ 10 đến 15%, nhưng hàm lượng tăng lên đến 30% kết hợp với các chất bổ sung li-zin có thể được sử dụng để thay thế một phần bột đậu nành trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Bã rượu khô (DDGS) là sản phẩm thu được sau khi loại bỏ rượu etylic bằng cách chưng cất từ quá trình lên men ngũ cốc hoặc hỗn hợp ngũ cốc. Sản phẩm chủ yếu ở Hoa Kỳ là bã rượu khô được chiết xuất từ ngô. Sản phẩm chứa khoảng 27% protein và rất ngon miệng đối với cá trê. Bởi vì dầu có giá trị cao hơn nên một số bã rượu khô được chiết xuất bằng dung môi để loại bỏ một phần dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của con người và sản xuất dầu diesel sinh học. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng bã rượu khô lên đến 40% kết hợp với chất bổ sung li-zin có thể được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê mà không gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cá. Tuy nhiên, bã rượu khô được chiết xuất từ ngô vàng chứa một lượng tương đối cao các sắc tố màu vàng (chủ yếu là lutein và zeaxanthin) có thể tích tụ lại trong sản phẩm cá trê và khiến người tiêu dùng thông thường không chấp nhận được. Hàm lượng từ 10 đến 20% có thể được sử dụng miễn là các sắc tố vàng trong khẩu phần ăn hoàn chỉnh không vượt quá khoảng 7 ppm. Bột đậu phộng (được chiết xuất cơ học hoặc chiết xuất bằng dung môi) là sản phẩm nghiền của đậu phộng vỏ bao gồm nhân và vỏ (xơ) hoặc dầu còn sót lại trong quá trình chiết xuất cơ học hoặc chiết xuất bằng dung môi thông thường. Nó chứa khoảng 45 đến 47% protein và không được chứa nhiều hơn 7% chất xơ thô. Bột đậu phộng rất ngon miệng đối với cá trê và không chứa yếu tố kháng dinh dưỡng nào được biết đến, nhưng nó dễ bị nhiễm nấm mốc sản sinh ra độc tố vi nấm (aflatoxin). Nó hiếm khi được sử dụng vì tính sẵn có không thường xuyên. Bột canola - bột cải dầu (được chiết xuất bằng dung môi) bao gồm bột hạt cải thu được sau khi loại bỏ hầu hết dầu (bằng cơ chế chiết xuất cơ học hoặc chiết xuất bằng dung môi) ra khỏi toàn bộ hạt cải dầu. Canola ám chỉ các loại hạt cải dầu được nhân giống đặc biệt để chứa hàm lượng glucosinolate và axit erucic độc hại thấp hơn nhiều. Bột canola chứa khoảng 38% protein. Có thể sử dụng tới 25% bột canola để thay thế một phần bột đậu nành trong thức ăn chăn nuôi. Nó hiếm khi được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê vì nó thường không tiết kiệm chi phí và nguồn cung hạn chế. Bột cá là các mô không phải da và mạch máu khô ráo, sạch sẽ của cá nguyên con hoặc cá cắt khúc chưa bị phân hủy. Đôi khi một phần dầu đã được chiết xuất. Bột cá là từ thường dùng để chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ biển và bột cá phổ biến nhất được sử dụng ở Mỹ là bột cá mòi dầu (menhaden meal). Bột cá chứa 60 đến 80% protein có chất lượng tuyệt vời mà lại rất ngon miệng đối với cá trê. Nó cũng giàu năng lượng, axit béo thiết yếu và khoáng chất. Nó đã được sử dụng ở hàm lượng lên đến 60% trong thức ăn chăn nuôi cá trê con, lên đến 15% trong thức ăn dành cho cá giống và lên đến 12% trong thức ăn dành cho cá lớn. Do giá thành cao nên ít (nếu có) bột cá được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê thương phẩm ngoại trừ thức ăn dành cho cá con. Bột thịt lợn và xương là sản phẩm được kết xuất từ thịt lợn, không bao gồm máu, lông, móng, da vụn, phân hoặc các chất chứa trong dạ dày (ngoại trừ một lượng có thể xảy ra không thể tránh khỏi trong quy trình chế biến hiệu quả). Nó chứa khoảng 52% protein thô. Chất lượng protein của loại bột này kém hơn so với bột cá nguyên con vì nó chứa ít li-zin hơn. Mặc dù nó là một nguồn khoáng chất tốt nhưng hàm lượng tro trong nó cao có thể hạn chế khả năng sử dụng vì có thể gây mất cân bằng khoáng chất. Hàm lượng tối đa của bột thịt và xương được khuyến nghị sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê là 15% khẩu phần ăn. Hỗn hợp bột thịt và xương/ huyết lợn là hỗn hợp của bột thịt và xương và bột huyết thu được từ quá trình chế biến thịt lợn. Hai thành phần được trộn lại với nhau để bắt chước thành phần dinh dưỡng của bột cá mòi dầu (ít nhất là về hàm lượng li-zin). Sản phẩm pha trộn cung cấp từ 60 đến 65% protein (một nguồn protein tuyệt vời cho thức ăn chăn nuôi cá trê) và thường được sử dụng thay thế cho bột cá. Bột phụ phẩm của gia cầm bao gồm các bộ phận sạch được kết xuất từ thân thịt gia cầm đã giết mổ, chẳng hạn như cổ, chân, trứng non và ruột. Hỗn hợp này không bao gồm lông vũ, ngoại trừ một lượng như vậy có thể xảy ra không thể tránh khỏi trong các quy trình chế biến hiệu quả. Bột phụ phẩm gia cầm cấp thức ăn chăn nuôi chứa khoảng 60% protein và là một sản phẩm tuyệt vời để sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Tuy nhiên, nó không được cung cấp thường xuyên với chi phí hợp lý trên một đơn vị protein. Lông gia cầm thủy phân là sản phẩm thu được từ quá trình xử lý nén ép lông vũ sạch, chưa bị phân hủy của gia cầm đã giết mổ. Nó không chứa chất phụ gia. Ít nhất 75% protein thô của nó phải được tiêu hóa theo phương pháp tiêu hóa bằng pepsin (en-zim có trong dịch vị). Nó chứa hàm lương protein cao (85%) nhưng lại thiếu một số axit amin thiết yếu, đặc biệt là li-zin. Lông gia cầm thủy phân hiếm khi được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê vì hàm lượng axit amin thiết yếu thấp và không mang lại cảm giác ngon miệng cho cá trê.
Hàm lượng năng lượng
Thức ăn chứa năng lượng được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê thương phẩm chủ yếu là ngũ cốc (ngô và lúa mì) và các phụ phẩm từ ngũ cốc (thức ăn gluten ngô, bột mầm ngô, cám mì y và cám gạo), mỡ động vật và dầu cá. Theo truyền thống, ngô được sử dụng làm nguồn năng lượng chính trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Ngô cải thiện sự giãn nở của các viên thức ăn chăn nuôi trong quá trình ép đùn, tạo ra viên thức ăn nổi. Do giá ngô gần đây tăng mạnh nên ngô ít được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê hơn. Tuy nhiên, tối thiểu 15% ngô nên được bao gồm trong thức ăn chăn nuôi để đảm bảo độ nở và độ nổi thích hợp của viên thức ăn. Lúa mì là nguồn cung cấp năng lượng tốt cho cá trê và là chất kết dính dạng viên tốt, nhưng nhìn chung bột mì có giá thành đắt hơn ngô và nó hiếm khi được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Tuy nhiên, các phụ phẩm từ lúa mì như cám mì y lại thường được sử dụng. Cám mì y bao gồm các hạt phân tử mịn của cám lúa mì, hạt ngắn, mầm, bột mì và một số thành phần bỏ đi từ quá trình xay xát lúa mì. Tùy thuộc vào chi phí mà cám mì y thường được sử dụng để thay thế ngô và/ hoặc lúa mì trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Nó có thể được sử dụng lên đến 25% hàm lượng của chế độ ăn. Thức ăn gluten ngô là phần ngô có vỏ còn lại sau khi chiết xuất phần lớn tinh bột, gluten và mầm trong quá trình xay xát ướt tinh bột ngô hoặc xi-rô. Nó thường chứa 21% protein thô (nó được gọi là thức ăn chứa năng lượng ở đây vì nó chủ yếu được sử dụng để thay thế thức ăn chứa năng lượng có thành phần từ ngô và cám mì y trong khẩu phần ăn của cá trê). Thức ăn gluten ngô thường có giá thành cạnh tranh so với ngô và cám mì y. Thức ăn chăn nuôi cá trê có thể chứa tới 30% là thức ăn gluten ngô mà không gây ra tác dụng bất lợi nào. Không giống như bột gluten ngô giàu protein, thức ăn gluten ngô chứa một hàm lượng sắc tố màu vàng tương tự như trong hạt ngô. Thức ăn gluten ngô khó tiêu hóa hơn hạt ngô. Bột mầm ngô là mầm ngô xay, bao gồm mầm ngô với các phần khác của hạt ngô lấy từ phần dầu đã được loại bỏ. Sản phẩm thu được từ quy trình xay xát khô để sản xuất bột ngô, ngô nhừ, cháo ngô và các sản phẩm làm từ ngô khác hoặc sản phẩm thu được bằng quy trình xay xát ướt để sản xuất tinh bột ngô, xi-rô, v.v. Sản phẩm này chứa từ 18 đến 20% protein. Nó chứa ít sắc tố màu vàng hơn thức ăn gluten ngô và ngô. Nó có thể được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê ở hàm lượng lên đến khoảng 35% khẩu phần ăn. Năng lượng dễ tiêu hóa của bột mầm ngô thấp hơn so với ngô hạt. Cám gạo là lớp cám và mầm của hạt lúa, chỉ có một lượng vụn vỏ và vụn gạo như vậy là không thể tránh khỏi trong quá trình xay xát gạo ăn thông thường. Nó chứa hàm lượng chất béo cao mà điều này hạn chế việc sử dụng cám gạo trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Vì hàm lượng chất béo cao và có một enzim lipaza hoạt tính mạnh nên cám gạo bị oxy hóa nhanh chóng và trở nên ôi thiu trong điều kiện bảo quản bình thường. Cám gạo có thể được giữ ổn định bằng cách xử lý nhiệt và áp suất để khử hoạt tính của enzim lipaza. Không được sử dụng quá 5% cám gạo toàn chất béo trong thức ăn chăn nuôi cá trê. Cám gạo được chiết xuất từ dung môi và cám gạo ổn định có thể được sử dụng ở hàm lượng cao hơn (lên đến 15%). Cám gạo hiếm khi được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê vì nó không có sẵn thường xuyên và vì một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết rằng cám gạo có tính mài mòn cao đối với thiết bị chế biến thức ăn. Chất béo và dầu từ động thực vật là những nguồn tập trung năng lượng cao và chứa các axit béo thiết yếu và các vitamin tan trong chất béo. Dầu và mỡ động vật được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cá trê bao gồm dầu nội tạng cá trê, dầu cá mòi dầu và mỡ gia cầm. Dầu thực vật cũng có thể được sử dụng nhưng nói chung là chúng quá đắt đỏ. Chất béo/ dầu bổ sung thường được phun vào thức ăn viên thành phẩm với tỷ lệ từ 1 đến 2%, chủ yếu là để giảm bụi thức ăn hoặc “phần hạt mịn”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao