Thành Phố Trên Sông
Đài đưa tin áp thấp nhiệt đới ngoài khơi biển Đông cũng là lúc cuộc hẹn về làng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) làm phóng sự đến giờ xuất phát. Gió thổi ù cả tai. Cái mùi tanh tanh của rong, của đất bùn và không gian im ắng khu vực cửa sông cho tôi biết mình đã bỏ lại sau lưng thành phố biển đang rất nhộn nhịp vào thời điểm 3 giờ chiều.
Cửa hàng nổi
Gửi xe máy ở nhà anh Dũng, một người dân nuôi cá lồng bè có nhà ngay sát chân cầu Chà Và, đi qua một bãi cát bủn lổm nhổm đá chúng tôi xuống tới bến. Trên bờ, một chiếc xe Daihsu vừa đậu lại, đã có 2-3 thanh niên nhanh chóng chuyển số cá mồi xuống ghe. Căn nhà nổi có 2 chân gá vào bờ kè dưới chân cầu Chà Và, 2 chân còn lại chống xuống lòng sông cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán. Anh Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cũng đã kịp mua một túi nặng những chai nước suối, nước ngọt, mì gói, nước tương ở cửa hàng nổi bên sông này.
Tò mò ngó nghiêng cái cửa hàng độc đáo trên sông mới thấy, nó cũng đủ đầy mọi thứ như các cửa hàng tạp hóa trên bờ. Từng quầy kệ bày bán các loại gạo, nếp, đậu, bánh ngọt, thuốc lá, cà phê, nước giải khát, dầu tắm, dầu gội, nước mắm, dầu ăn, gia vị… Đặc biệt là cửa hàng này có bán rất nhiều thùng phuy và can nhựa lớn nhỏ. Anh Ky, chủ cửa hàng cho hay, người dân ở làng bè dùng phuy để làm bệ nổi cho lồng bè. Can nhựa thì đựng nước uống, đựng dầu chạy máy. Một số người còn cắt phuy nhựa ra rộng cá tươi sống khi đưa từ bè về bán cho nậu vựa. Một số loại bao tải loại 50 kg thì dùng để đựng thức ăn cho cá hoặc chứa hàu vỏ vào mùa thu hoạch cũng bán rất chạy. Thấy mọi người săm soi giá dán trên một số mặt hàng, anh Ky cười hiền: “Ở đây bán cũng bằng với giá ở chợ thôi. Vì đường đi thuận tiện rồi, chở hàng ra có tốn tiền vận chuyển mấy đâu. Mà người dưới làng bè cũng bà con không hà, bán mắc bị la chết!”.
Trong số những chiếc ghe máy đang lạch tạch xuôi dòng, có một chiếc tách nhóm chạy thẳng vào bờ kè đá. Cập bờ trong tiếng máy phành phạch, lái ghe là cậu bé chưa đầy 20 tuổi nhảy phóc lên bờ. Chẳng nói chẳng rằng, cậu nhanh nhẹn xách dùm túi máy ảnh, chân máy quay phim, ba lô của anh em phóng viên. Xuống ghe, mọi người hơi bị chựng lại vì nhìn quanh không thấy có một chiếc áo phao nào! Nhưng chẳng còn cách nào khác là nghe theo lời vỗ về hài hước của Bình, cán bộ Phòng Nuôi trồng: “Mọi người cứ yên tâm đi, em Đen đây – tên cậu bé – coi nhỏ nhỏ mà có võ đó. Đen lái ghe 2-3 năm nay rồi, an toàn lắm, các anh chị không phải lo gì. Xuống sông rồi thì tất cả, từ nhà cửa, người ghe… đều phải nổi hết thôi!”.
Nhà nổi
Đen chỉ tủm tỉm cười, cho máy nổ giòn giã và lượn ghe một vòng như biểu diễn. Mới dăm phút đã ra giữa dòng, rồi chạy riết về phía mé trái cầu Chà Và. Những ngôi nhà lúp xúp trên sông trải dài trước mắt mọi người như một lời chào mời hấp dẫn.
Nằm san sát nhau, nhà lồng bè trên sông cũng tạo thành các “dãy phố”, chia sông nước thành các trục giao thông ngang dọc và cũng có những ngả rẽ y như phố trên đất liền. Nhìn từ trên cầu xuống thì các dãy nhà nằm rất trật tự, cứ hơn chục nhà lại có một lối rẽ nhỏ, ghe tàu chạy phải ngó chừng các ngả rẽ, để ý luồng lạch để tránh va vào lưới và các khu vực cắm cọc tôn nuôi hàu.
Khi đi qua “con phố chính”, Đen cố tình lái ghe chạy gần các dãy nhà bè mặt tiền “đường lớn” để mọi người cùng quan sát cách bố trí nhà ở, khu lồng nuôi cá cùng các hoạt động đang diễn ra ở các nhà lồng bè. Thiết kế nhà lồng ở đây đều giống nhau và chia thành hai phần: Nhà bè để ở và lồng bè để nuôi cá. Thường thì khu nhà ở có thể làm rất vững chãi (cột gỗ, sàn ván; cửa nhôm kính; vách, trần lợp bằng tôn lạnh sơn xám nhạt trông rất thanh nhã) hoặc sơ sài (sàn tre, vach cót, mái tranh xộc xệch), nhưng đều đặt ở vị trí phía sau. Còn phía trước nhà, hình dung như khu vực sân, cổng – mặt tiền khu “giáp với đường”, là những nhà lồng bè hình những ô vuông vức, đều tăm tắp như ô bàn cờ. Cách bố trí này theo như giải thích của những người dân làng bè là, để tiện việc theo dõi chăm sóc, cho cá ăn, làm vệ sinh khu xay cá, hoặc chuẩn bị cho công việc thu hoạch cá thương phẩm… Trên những “con phố” chúng tôi đi qua, mọi người đều mải mê công việc. Chỗ thì cho cá ăn, tắm cá. Chỗ thì vá lưới, giặt lưới, chia lại các ô nhà lồng bè để giãn mật độ cá đang tuổi lớn. Không hoàn toàn làm bằng thủ công, một số nhà cũng đã có máy xay cá, máy xịt rửa lưới, máy trộn thức ăn cho cá. Nhà này cách nhà kia chừng 10m, nhìn thấy và nghe nói đều rõ mồn một. Thậm chí các nhà còn í ới gọi nhau, hỏi chuyện “tối nay ăn gì”, “hộc cá hôm qua cân được nhiêu ký, bán được nhiêu tiền một ký?”. Vật dụng sinh hoạt trên nhà nổi cũng không thiếu món gì so với đất liền. Cũng ti vi coi thời sư, radio nghe thời tiết, nghe nhạc, cũng điện thoại di động liên lạc với đất liền thường xuyên, bếp gas nấu ăn, tủ lạnh trữ thức ăn, làm đá uống…
Đặc biệt là, tất cả nhà bè trên sông đều có ghe, tùy túi tiền mà sắm, cũng giống như chiếc xe (xe máy hoặc xe đạp) trên bờ vậy. Đen góp chuyện: “Ghe bị hư hỏng, hay cột hờ hững để ghe trôi đi là coi như bị… cụt chân vậy, hổng biết lấy gì mà đi. Ghe tàu ở sông được dùng vào rất nhiều việc: Chở người ra vào bè và bến, đi chợ mua rau xanh, cá mồi, chở gạo, gas, nước uống, chở lưới mới ra thay lưới cũ”. Chiếc ghe máy đóng mới cũng 40-50 triệu đồng, mua lại ghe cũ thì chừng 15-20 triệu đồng. Cũng có chiếc, như loại ghe te, chừng 5 triệu đồng/chiếc, chèo 2 mái bằng tay hoặc cũng có thể đạp bằng chân. Nhìn thì dễ vậy, nhưng khi tôi nghịch ngợm nhảy lên ghe đạp thử thì hỡi ơi, nó quay mòng mòng, may mà không bị lật úp. Theo lời của Đen thì, ghe là một tài sản không nhỏ và là phương tiện tối cần thiết cho nhà bè. Bên hông mỗi nhà bè đều có cây trụ gỗ cao, cắm sâu vào lòng sông, là nơi neo đậu ghe. Ngày thường thì sao cũng được. Còn ngày mưa gió thì ngoài việc neo mũi ghe vào nhà bè, người ta còn chằng kéo dây vào trụ chính gần nhất của bè để giữ an toàn tài sản. Ngay cả việc neo đậu cũng không thật dễ dàng, nước cứ lô xô, chằng giữ không cẩn thận thì chuyện trôi ghe cũng rất dễ xảy ra. Anh Thi nói: “Tuy là ai cũng biết rằng, lưu thông trên sông cũng phải hiểu đúng, làm đúng luật thì mới an toàn. Nhưng cũng có nhiều người dân chưa coi trọng.
Và cơ hội trời cho
Nắng chiều vẫn dìu dịu trên sông và trời vẫn đầy gió. Giọng Thi hào hứng: “Cả cái xóm này chạy dài từ cầu Chà Và chạy về hướng Tây dài gần 2 km; rồi ngược lên thượng nguồn sông Chà Và phía bên kia mé cầu, dài khoảng 2 km. Có cả thảy 115 hộ, doanh nghiệp nuôi tôm, cá, hàu theo dạng lồng bè, cho thu hoạch trung bình mỗi năm gần 3 ngàn tấn thủy hải sản các loại”.
Tôi khua tay trong làn nước xanh màu rong tảo, cảm nhận được cái mát lạnh và sự vỗ về của dòng chảy khi chiếc ghe bươn mình đi tới. Nhớ là bài địa lý lớp 10 có nói rằng, thông thường thì vùng hạ lưu sông đổ ra biển có mật độ phù du sinh vật cao, là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật thủy sinh phong phú, được coi là bãi cung cấp thức ăn phong phú, giàu dinh dưỡng giúp cho thủy sản nước lợ như hàu, vẹm, sò huyết, cá, tôm… sinh trưởng tốt. Tôi quay sang hỏi Thi: “Nhưng ở sông Chà Và mình thì có gì khác hơn không anh?”. Thi trả lời không chần chừ: “Khác chớ! Bởi vậy mới nói, vùng cửa sông Chà Và này là cơ hội trời cho bà con mình làm ăn đây”. Theo nghiên cứu của Sở NN&PTNT, vùng cửa sông Chà Và có được lợi thế về khí hậu và chế độ thủy triều cho việc nuôi trồng thủy sản. Khí hậu ở đây ôn hòa, độ ẩm cao, địa hình ẩn bên rừng đước và khuất dãy núi Nứa (Long Sơn) nên tương đối kín gió, thích hợp với các loại cá biển thường ngược vào sông để đẻ trứng theo mùa như cá mú, cá chình, cá chẽm… Thủy triều của sông Chà Và mang đầy đủ đặc tính của thủy triều biển Đông, có chế độ bán nhật triều không đều, khiến cho dòng chảy được liên tục, tạo nên sự trao đổi chất lượng nước của sông với biển.
Đặc biệt, sông Chà Và không tiếp nhận các nguồn nước ngọt khác, vì vậy có độ pH ổn định, thường dao động trong khoảng 7.4 – 7.9 và có độ mặn ổn định theo mùa mưa nắng, rất phù hợp với việc nuôi các loại cá nước lợ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao