Thanh tra toàn diện thủy sản nuôi thách thức và cơ hội
Từ ngày 24/9 – 17/10, Cơ quan thực thi các chính sách của Liên minh Châu Âu (EU) về an toàn sức khỏe và thực phẩm (DG-SANTE) sẽ sang Việt Nam để thanh tra việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU.
Đoàn thanh tra của DG-SANTE sẽ thanh tra tất cả các khâu liên quan đến ATTP thủy sản nuôi, từ cấp phép lưu hành thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản… đến quá trình chế biến ở các nhà máy.
Chủ động giám sát
Quảng Ngãi hiện có 15 doanh nghiệp xuất khẩu sang EU và một số thị trường lớn các sản phẩm thủy sản đông lạnh và chế biến, như: Cá phi lê, cá nguyên con, tôm nguyên con, tôm tẩm bột chiên sơ, mực khô, cá khô… Sản lượng xuất khẩu gần 10 nghìn tấn/năm, kim ngạch đạt trên 26,4 triệu USD/năm. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, để từng bước gia tăng giá trị các sản phẩm thủy sản xuất khẩu nói chung, thủy sản nuôi nói riêng, ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn với dịch bệnh. Qua đó, đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP, nhất là dư lượng kháng sinh và hóa chất.
Đơn cử như tại vùng nuôi thủy sản kết hợp Đồng Min, xã Bình Dương (Bình Sơn), mô hình nuôi tôm an toàn với dịch bệnh, kết hợp giữa các đối tượng nuôi đã được triển khai thực hiện từ năm 2020. Đến nay, có 43 hộ dân áp dụng, với diện tích gần 20ha. Ông Trần Văn Trung, ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương cho biết, từ năm 2021 đến nay, tôi áp dụng mô hình nuôi tôm trải bạt và kết hợp các đối tượng tôm, cua, cá với mật độ phù hợp, để vừa hạn chế dịch bệnh trên tôm, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Tôi cũng sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi; sử dụng các loại thức ăn, thuốc đúng liều lượng và thời gian cách ly trước khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng tôm nuôi.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo các quy định về ATTP, nhất là dư lượng kháng sinh và hóa chất. Từ cuối năm 2020 – 2023, các cơ quan, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở NN&PTNT đã thẩm định, phân loại 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản; tổ chức 10 cuộc thanh tra chuyên ngành về ATTP đối với 103 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh và lấy 184 mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu liên quan đến ATTP.
Qua đó, phát hiện 15/184 mẫu không đáp ứng quy định về ATTP, chủ yếu là vượt mức kim loại nặng và vi sinh vật… Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở vi phạm về quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng, ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa…
Vừa qua, vào tháng 5/2024, Thanh tra Sở NN&PTNT đã phát hiện 2/3 mẫu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng. Đó là, mẫu thức ăn bổ sung thủy sản Gold C do Công ty TNHH Thủy sản Toàn Cầu sản xuất và mẫu thức ăn bổ sung thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản Sago-Calphos, do Công ty TNHH Sagophar sản xuất.
Vì mục tiêu chung
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, EU không chỉ là thị trường lớn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt khoảng 5,3 tỷ USD, mà còn có giá trị tham chiếu với nhiều thị trường khác. Nếu kết quả thanh tra tiêu cực sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng như nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của nước ta nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Ngược lại, nếu kết quả thanh tra tích cực sẽ củng cố vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, thời gian qua, Sở chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan, từ đăng ký các cơ sở cung ứng, bảo quản, sơ chế đến sản phẩm cuối cùng.
Nhiều hộ dân ở xã Bình Dương (Bình Sơn) áp dụng mô hình nuôi thủy sản kết hợp góp phần hạn chế dịch bệnh. Trong ảnh: Ông Trần Văn Trung, ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương, nuôi tôm kết hợp với cua, cá
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là, hầu hết các cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng các điều kiện về ATTP. Theo đó, toàn tỉnh có 2.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhưng chỉ có 1 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và 467 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP. Ngoài ra, phần lớn cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa được cấp mã số cơ sở nuôi, nên doanh nghiệp gặp khó trong việc cung cấp hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nuôi theo quy định của đối tác nhập khẩu.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông thông tin, hầu hết các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ. Đó là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện; chưa có quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản… Do đó, chỉ có 97/1.600 cơ sở nuôi tôm nước lợ tại các xã Bình Dương, Bình Đông (Bình Sơn); Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa)… được cơ quan chức năng cấp mã số cơ sở nuôi.
Vì vậy, song song với đẩy mạnh tuyên truyền và tích cực thực hiện thủ tục cấp mã số cơ sở nuôi, Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra danh mục, nhãn mác, thành phần thuốc thú y và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các cửa hàng bán lẻ. Qua đó, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là sử dụng các sản phẩm không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc không nằm trong danh mục được phép lưu hành theo quy định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao