Mô hình kinh tế Thành tựu và thách thức ngành thủy lợi

Thành tựu và thách thức ngành thủy lợi

Publish date Tuesday. September 1st, 2015

Thành tựu và thách thức ngành thủy lợi

Bác Hồ kính yêu trong hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc năm 1961 đã nói: “Việt Nam ta có 2 tiếng Tổ quốc, Tổ quốc là Đất nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giầu nước mạnh. Nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

I.

Lời dạy của Bác đã dẫn dắt ngành Thủy lợi kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân và Bộ NN-PTNT giao cho.

Năm 1945, đất nước vừa độc lập, trước muôn vàn khó khăn, Chính phủ đã ban hành các sắc lệnh về bảo vệ đê điều, hộ đê phòng lụt; bảo vệ quản lý hệ thống nông giang, mở rộng diện tích tưới.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cho tiền tuyến”, thủy lợi được coi là biện pháp hàng đầu để bảo vệ và phát triển SX nông nghiệp.

Từ năm 1952, thực dân Pháp đã phá hoại các công trình thủy lợi: Đập Thác Huống, Cầu Sơn, cống Liên Mạc, Trung Lương, Nam Đàn, hệ thống thủy lợi Đồng Cam… Đứng trước thách thức, nhân dân ta kiên trì làm thủy lợi nhỏ, khôi phục dần những công trình bị phá hoại, góp phần vào chiến thắng năm 1954.

Miền Bắc được giải phóng, thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong phục hồi, phát triển kinh tế, làm hậu phương cho kháng chiến miền Nam.

Phục hồi các công trình lớn bị hư hỏng, phát triển mạnh tiểu thủy nông, tăng cường củng cố đê điều, như: Khai thông cống Liên Mạc, xây lại cống Trung Lương, khởi công xây dựng thủy điện Thác Bà, Bàn Thạch, các hồ Đại Lải, Suối Hai, trạm bơm Trịnh Xá, Đan Hoài, Nam Nghệ An, khởi công xây dựng hệ thống Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê.

Đến năm 1957, vụ chiêm tưới 603.816 ha, vụ mùa 685.512 ha. Năm 1959 xúc tiến kế hoạch trị thủy và khai thác sông Hồng. Giai đoạn 1961 - 1975, tập trung hoàn chỉnh thủy nông, quy hoạch bậc thang các lưu vực sông.

Nhiều công trình thủy lợi (CTTL), hệ thống công trình thủy lợi (HTTL) lớn được tập trung đầu tư giai đoạn này như: Hồ Núi Cốc, các cống Long Tửu, Phủ Lý, Neo, Bá Thủy, trạm bơm Như Quỳnh, La Khê, Nam sông Mã, Cốc Thành, Cổ Đam, Hữu Bị, hệ thống thủy lợi Nậm Rốm, các khu chậm lũ, phân lũ Tam Nông - Thanh Thủy, khu Vân Cốc, cải tạo Đập Đáy, khởi công hồ Kẻ Gỗ.

Năm 1970, các công trình Đồng Mô - Ngải Sơn, các bậc thang sông Lô, sông Đà cũng được triển khai nghiên cứu.

Từ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, công tác thủy lợi ưu tiên cho miền Nam. Trong năm 1975, bốn đoàn quy hoạch và hai đoàn thiết kế đã được điều động vào miền Nam, tập trung nghiên cứu quy hoạch và phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Năm 1976, ta đã tái khởi động đàm phán với WB để đầu tư xây dựng thủy lợi Dầu Tiếng. Quy hoạch năm 1977 tập trung cung cấp ngọt, cải thiện tiêu nước, tiến tới hạn chế ngập lụt và tiêu chua.

Quy hoạch giai đoạn 1980 - 1985, phát triển bờ bao chống lũ đầu mùa và lũ tháng Tám, cải tạo phèn để khai thác vùng Đồng Tháp Mười. Đã đề xuất và bước đầu đầu tư các công trình vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Gò Công, bán đảo Cà Mau…

Đến năm 1980, vùng ĐBSCL đã đắp được 14 hệ thống đê ngăn mặn cho 650.000 ha, phục hồi và đào mới 75 trục kênh chính dẫn nước tưới cho 450.000 ha, tiêu úng, xổ phèn cho 300.000 ha, tăng diện tích gieo cấy vụ ĐX từ 190.000 ha năm 1976 lên 420.000 ha năm 1980.

Ở miền Bắc và miền Trung triển khai đầu tư các công trình hồ Yên Lập, Xạ Hương, Kẻ Gỗ, Sông Mực, Phú Ninh, Liệt Sơn, Núi Một, Đá Bàn, Dầu Tiếng, hệ thống tiêu Diễn - Yên - Quỳnh.

Thời kỳ đổi mới, tiếp tục triển khai các dự án trên toàn quốc, giai đoạn 1986 - 1995 đã hình thành mạng lưới CTTL để tưới, tiêu vùng Đồng Tháp Mười.

Đã xây dựng quy hoạch các lưu vực sông Nam Thạch Hãn, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Kone; xây dựng các công trình lớn như hồ sông Rác, Iayun Hạ, Easup Hạ, xây dựng hệ thống Thạch Nham; củng cố hoàn thiện các hệ thống Bắc Nam Hà, Nam Thái Bình, Bắc Thái Bình, Sông Nhuệ, Diễn - Yên - Quỳnh, Nam - Hưng - Nghi.

Trong giai đoạn này, thực hiện chiến lược chủ động phòng chống lụt bão đã phát triển đê biển duyên hải miền Trung, đê biển Nam bộ.

Toàn bộ hệ thống đê sông phía Bắc trên các hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Cả và một phần đê biển ở Bắc bộ và khu 4 cũ được quan tâm đầu tư nhiều hơn trước.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), với vốn trái phiếu Chính phủ, ODA nhiều HTTL lớn đã được đầu tư, xây dựng nhằm sử dụng đa mục tiêu: Mở rộng diện tích tưới tiêu, nâng cao mức đảm bảo phòng chống lũ, tạo nguồn nước cho các đô thị, khu công nghiệp…

Ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đầu tư nhiều HTTL lớn phục vụ đa mục tiêu, như các hệ thống công trình Cửa Đạt, Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Bản Mồng, Tả Trạch, cống Đò Điểm, cải tạo hệ thống cấp nước sông Tích, nâng cấp các hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải, Bắc Nghệ An, Bắc Đuống, Nam Thái Bình, hệ thống công trình sông Đáy…

Đầu tư xây dựng nhiều trạm bơm tiêu lớn, một số công trình tiêu biểu như: Hệ thống công trình đầu mối thủy lợi Cửa Đạt có chiều cao 119m được thiết kế, thi công theo công nghệ đập đá đổ bê tông bản mặt, hồ có dung tích 1,45 tỷ m3 với nhiệm vụ giảm lũ cho hạ du, tưới 87.000 ha, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 2,5 triệu dân, cấp nước với lưu lượng 8 m3/s cho SX công nghiệp, phát điện với công suất lắp máy 97 MW; hồ Tả Trạch phục vụ chống lũ cho TP Huế, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, tưới, đẩy mặn, cải thiện môi trường, nuôi trồng thủy sản, phát điện.

Để bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả khai thác các hồ chứa, năm 2003 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước. Đến nay, cả nước đã đầu tư gần 12.000 tỷ đồng để sửa chữa 633 hồ chứa các loại, trong đó tập trung chủ yếu để sửa chữa các hồ chứa lớn như Cấm Sơn, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Yên Lập, Vực Mấu...

Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống công trình có quy mô lớn như: Các công trình hồ Nước Trong, Định Bình - Vân Phong, Ia Mlá, Ia Mơr, Krông Pách Thượng, Ea Súp…

Từ năm 2008 trở lại đây, đã xây dựng thêm 40 CTTL, nâng diện tích tưới thiết kế lên hơn 287.030 ha, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Công trình hồ Định Bình được thi công bằng công nghệ bê tông trọng lực đầm lăn đầu tiên ở Việt Nam, có nhiệm vụ chống lũ, cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, phát điện và kết hợp du lịch.

Ở Nam bộ, nhiều công trình có quy mô lớn đã được xây dựng: Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (mở rộng HTTL Dầu Tiếng), hệ thống công trình sông Ray (Bà Rịa - Vũng Tàu), ở đồng bằng sông Cửu Long cải tạo và xây dựng khép kín các công trình Ô Môn - Xà No, kênh Nguyễn Văn Tiếp, hệ thống Phước Hòa, đê Bờ Hữu sông Sài Gòn, kênh Hà Giang, kênh Phước Xuyên - Hai Tám, kênh nối sông Tiền - sông Hậu… và đang khẩn trương triển khai dự án chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh - là một hệ thống công trình lớn, phức tạp chưa từng được xây dựng ở nước ta.

Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL ngày càng được đầu tư lớn, hoàn thiện hơn

II.

Qua 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý ngành thủy lợi dần được hoàn chỉnh với việc ban hành Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện. Hiện Chính phủ đang triển khai xây dựng Luật Thủy lợi.

Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi, phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương không ngừng được hoàn thiện, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Ở Trung ương, đã thành lập Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ NN-PTNT, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Ở cấp tỉnh, có 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Chi cục Thủy lợi (hoặc Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão), thành lập Phòng NN-PTNT hoặc Phòng Kinh tế ở cấp huyện.

Bộ máy phòng chống thiên tai có Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp tỉnh, huyện, xã. Nhìn chung, các cơ quan quản lý Nhà nước về thủy lợi đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tổ chức quản lý CTTL: Cả nước hiện có 96 tổ chức quản lý khai thác CTTL là doanh nghiệp trực thuộc cấp tỉnh, 3 doanh nghiệp trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Về quản lý các CTTL nhỏ và hệ thống kênh mương nội đồng, cả nước có 16.238 tổ chức dùng nước, bao gồm các loại hình Hợp tác xã, Tổ chức hợp tác và Ban quản lý thủy nông.

Công tác quản lý khai thác CTTL đang từng bước đi vào nền nếp, phục vụ tốt SX, dân sinh; tại một số địa phương đã chủ động đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả các CTTL, như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội, Thanh Hoá, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang…

Từ chỗ, cả nước chỉ có 13 hệ thống thủy lợi năm 1945, đến nay cả nước đã xây dựng được hàng ngàn HTTL với 6.886 hồ chứa nước, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới, tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, 25.960 km đê và bờ bao các loại.

Thủy lợi đã góp phần quan trọng để tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Các HTTL đã đảm bảo tưới cho 7,3 triệu ha đất gieo trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp.

Thủy lợi đã góp phần quan trọng để tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu

HTTL đã góp phần quan trọng trong phòng chống lũ, chống úng, ngập cho khu vực đô thị và nông thôn, chống hạn, xâm nhập mặn. Hệ thống các hồ chứa trên toàn quốc, trong đó có nhiều hồ chứa lớn (Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng…) đóng vai trò quan trọng cho phòng chống lũ các lưu vực sông.

Hệ thống các trục tiêu, các trạm bơm điện quy mô lớn đã được đầu tư, xây dựng đảm bảo chống ngập, úng cho các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn.

Công tác phòng, chống thiên tai đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; đã giảm đáng kể thiệt hại về người; công tác phòng chống thiên tai đã huy động được nhiều nguồn lực; Việt Nam đã tham gia tích cực hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai cấp khu vực và thế giới.

III. 

Những thành tựu có được, trước hết là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, sự phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành thủy lợi, Bộ Thủy lợi nay là Bộ NN-PTNT.

Giai đoạn hiện nay, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành là Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo triển khai thực hiện:

1. Rà soát, hoàn thiện Chiến lược phát triển thủy lợi, Chiến lược phòng chống thiên tai; xây dựng Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó:

(a) Áp dụng các nguyên tắc cơ bản quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tăng cường phối hợp liên ngành;

(b) Tăng cường sự tham gia của khu vực tư, của cộng đồng và người dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường trong dịch vụ nước cùng với tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận tốt hơn dịch vụ nước; tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai.

2. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu thủy lợi, Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác HTTL, với các nhiệm vụ: Tăng cường củng cố thủy nông cơ sở bao gồm cả kết cấu hạ tầng và tổ chức quản lý khai thác.

Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và phát triển của Ngành, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Bộ NN-PTNT, sự tham gia của người dân, ngành thủy lợi chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng các chính sách tạo động lực để người dân, tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước tham gia tổ chức quản lý, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi…

Củng cố các tổ chức thủy nông cơ sở, tăng cường quản lý khai thác có sự tham gia (PIM), đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên quản lý vận hành CTTL.

- Tiếp tục đổi mới quản lý khai thác HTTL: Hiện đại hóa hệ thống, tiếp tục củng cố cơ sở hạ tầng, ưu tiên sửa chữa nâng cấp, mở rộng kênh mương; từng bước thực hiện đấu thầu quản lý khai thác HTTL; tăng cường năng lực cho tổ chức quản lý khai thác CTTL.

- Triển khai trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến - tiết kiệm nước; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình trình diễn.

- Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Duyên hải miền Trung, gắn với bảo vệ đê biển và rừng ngập mặn.

3. Xây dựng Chương trình an toàn đập: Rà soát, sửa đổi Nghị định 72 về an toàn đập và vùng hạ du đập, trong đó quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương trong quản lý an toàn đập; chú ý xây dựng các kịch bản phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du trong trường hợp xả lũ khẩn cấp và vỡ đập, xây dựng kế hoạch kiểm định an toàn đập, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn đập; nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao an toàn đập: Từng bước nâng cao năng lực cảnh báo sớm và vận hành hồ đập theo thời gian thực; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hồ chứa.

Xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn bao gồm các giải pháp phi công trình và các giải pháp công trình, xây dựng tài chính bền vững cho quản lý vận hành đập; đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác bảo đảm an toàn đập.

Bảo vệ đê bao trong mùa mưa lũ ở ĐBSCL

4. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, ưu tiên vốn đầu tư để hoàn chỉnh các hệ thống CTTL lớn; hoàn thiện hệ thống kênh, mương để phát huy hiệu quả của hệ thống; nâng cấp các hệ thống CTTL; chống ngập cho các đô thị, thành phố lớn; ưu tiên đầu tư, xây dựng CTTL cho vùng khô hạn, vùng sâu, vùng xa, ưu tiên xây dựng CTTL phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

5. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thực hiện Chiến lược Phòng chống thiên tai, Luật Phòng, chống thiên tai: Bộ đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia và hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp.

 Cùng với các giải pháp công trình, đã ưu tiên các giải pháp phi công trình: Nâng cao năng lực của hệ thống phòng chống thiên tai, phát huy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm; thúc đẩy sự kết hợp liên ngành, liên vùng; quan tâm phòng chống thiên tai ở các giai đoạn trước, trong và sau thiên tai.

6. Thúc đẩy hợp tác công tư, khuyến khích khu vực tư nhân, cộng đồng và người dân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống CTTL, cấp nước sạch nông thôn.

 Một số dự án đã thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân như đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành trạm bơm điện quy mô nhỏ vùng đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống nước sạch nông thôn; mô hình thí điểm huy động tư nhân nạo vét kênh rạch đang được thực hiện ở đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng, trình Chính phủ để ban hành chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư xây dựng hồ chứa quy mô nhỏ, xây dựng hạ tầng thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến và tiết kiệm nước.

7. Thích ứng với biến đổi khí hậu: Trước các thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, tác động của phát triển thượng nguồn và ngay tại vùng đồng bằng, trong những năm gần đây, Bộ đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và quá trình phát triển tới khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long; rà soát điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, quy hoạch lũ, quy hoạch đê biển trong điều kiện biến đổi khí hậu; nghiên cứu các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển. Nhiều nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, ODA đang được huy động nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

8. Chống ngập cho các đô thị: Quy hoạch chống ngập cho các đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ… được lập, được nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế, trong nước quan tâm đánh giá, phản biện; sau đó, đã tạo được sự đồng thuận cao, và được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Vấn đề chống ngập TP Hồ Chí Minh đang được giải quyết gắn với chỉnh trang đô thị và xử lý nước thải, tiêu thoát nước nội đô; nhiều trạm bơm quy mô lớn để tiêu nước cho TP Hà Nội được xây dựng đã đi vào vận hành; giải pháp chống ngập cho TP Cần Thơ giai đoạn 1 bắt đầu được thực hiện.

9. Giải pháp cấp nước cho vùng khô hạn khu vực miền Trung, Tây Nguyên: Cùng với các HTCTTL quy mô lớn đã được xây dựng như hồ Nước Trong - nâng cấp hệ thống Thạch Nham, hệ thống thủy lợi Định Bình - Vân Phong, các hồ chứa Hoa Sơn, Tà Rục (Khánh Hòa), Tà Pao, Phan Rí - Phan Thiết (Bình Thuận), các hồ chứa lớn cho Tây Nguyên như EaSúp, Krông Buk Hạ, Krông Pách Thượng, IaMơr, ĐăkLông Thượng…

Trong giai đoạn tới nhiều hồ chứa và hệ thống thủy lợi cho vùng khô hạn đang chuẩn bị khởi công: Hồ Đồng Mít (Bình Định); hồ Mỹ Lâm (Phú Yên); hồ Đồng Điền, hồ Sông Chò (Khánh Hòa), hồ sông Cái và hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận), hồ sông Lũy và hệ thống kênh liên kết các nguồn nước ở Bình Thuận cùng với nhiều công trình hồ chứa lớn ở Tây Nguyên như Hồ EaThul, Krông Năng, EaH’Leo... sẽ góp phần đảm bảo nguồn nước cho khu vực khô hạn miền Trung, Tây Nguyên.

10. Cấp nước sạch nông thôn: Năm 2015 kết thúc Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 3 (NTP3 giai đoạn 2011 - 2015).

 Nhiệm vụ giai đoạn tới là áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào nước sạch nông thôn, huy động cộng đồng tham gia xây dựng, quản lý hệ thống cấp nước quy mô nhỏ, đặc biệt hệ thống nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; thúc đẩy áp dụng công nghệ xử lý nước phân tán hộ gia đình.

Cùng với nguồn vốn của Chính phủ, sự tham gia của khu vực tư nhân, dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (WB, DFAD, UNICEF…) Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ đạt được mục tiêu được đặt ra.

11. Nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về Nông nghiệp và PTNT thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó hướng dẫn các địa phương thành lập Chi cục Thủy lợi thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, nước sạch nông thôn.

Chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Chương trình đào tạo cán bộ làm công tác quản lý khai thác CTTL cũng đang được khẩn trương thực hiện.

Để thực hiện những chương trình, dự án, kế hoạch trên là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được xây dựng lộ trình phù hợp trong đó việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hoàn thiện chính sách, pháp luật thủy lợi phù hợp với nền quản trị nước hiện tại, đồng bộ và đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống là giải pháp hết sức quan trọng.


Cao thủ nuôi heo Cao thủ nuôi heo Tổng kết dạy nghề nông nghiệp Tổng kết dạy nghề nông nghiệp