Tin thủy sản Tháo gỡ khó khăn ngành cá tra

Tháo gỡ khó khăn ngành cá tra

Author Thu Hiền, publish date Monday. April 4th, 2016

Tháo gỡ khó khăn ngành cá tra

Trong đó, kim ngạch thị trường Mỹ đạt 315 triệu USD (giảm 6,3% so với cùng kỳ 2014); kim ngạch thị trường EU đạt 285 triệu USD (giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2014); kim ngạch thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đạt 161 triệu USD (tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2014).

Sản xuất cá tra khó khăn chồng chất

Bên cạnh việc sụt giảm về diện tích và giá trị xuất khẩu, thị trường xuất khẩu cá tra trong năm 2015 cũng có nhiều biến động dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng của các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, trong khối EU, dự báo trong những năm tới nguồn cung cá tuyết sẽ tiếp tục tăng, điều này sẽ làm ảnh huởng đến vị trí của cá tra trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, một số quốc gia đang khuyến khích phát triển nuôi cá da trơn như: Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN sẽ làm hạn chế nhu cầu nhập khẩu và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa.

Bước sang 2016, giá cá tra tại thị trường trong nước đã tăng nhẹ trở lại, tuy nhiên vẫn thấp hơn giá thành sản xuất của nông dân ĐBSCL từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nhiều nhà máy chế biến cá tra phải làm gia công, người nuôi không dám mở rộng diện tích. Hơn bao giờ hết, các nhà máy chế biến và người nuôi cá cần liên kết sản xuất để hạn chế rủi ro.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), với mức giá 19.000 - 20.000 đồng/kg, nông dân ĐBSCL đang lỗ từ 1.500 - 3.000 đồng/kg. Đây cũng là nỗi lo của nhiều nông dân nuôi cá ở ĐBSCL, khi giá cá khó có thể vượt qua ngưỡng 23.000 đồng/kg trong vài tháng tới. Giữa tháng 3/2016, giá cá đã đạt ngưỡng 20.000 đồng/kg, tăng hơn hồi đầu tháng 3/2016 khoảng 2.000 đồng/kg. Mặc dù tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, người nuôi cá tra vẫn tiếp tục thua lỗ.

Thực tế, những người nuôi cá ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp (3 địa phương có diện tích nuôi lớn nhất, chủ yếu dọc theo triền sông Hậu và sông Tiền), còn bám trụ lại nghề nuôi cá tra đến nay đều là những người giỏi tay nghề, có thâm niên và nuôi cá rất bài bản. Theo nhận định của nhiều người nuôi cá tra, nghề nuôi cá tra hiện tại gần như bão hòa, số người nuôi mới rất ít. Những người nuôi cá tra còn theo đuổi được đến nay đều hy vọng giá cá tra tiếp tục tăng để có một cơ hội gỡ gạc lại thua lỗ. Thêm vào đó, nếu nghỉ nuôi, ngân hàng sẽ siết nợ, lại càng thêm khó khăn. Vì đa số dân nuôi cá tra hiện nay có số nợ ở ngân hàng hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay, tỷ lệ tự nuôi cá nguyên liệu đã hình thành. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến đã tự lập vùng nuôi để cung cấp 70% nguyên liệu, phần còn lại do người dân cung cấp. Người nuôi cá cũng đã ý thức được mức độ rủi ro nên liên kết khá chặt với các nhà máy để bán cá. Với tình hình hiện nay, nông dân nuôi cá rất khó tái đầu tư mở rộng vùng nuôi, chủ yếu sản xuất cầm cự để chờ thời cơ.

Tập trung cải thiện chất lượng và thương mại

Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác định, trong giai đoạn 2016 - 2019, ngành sẽ tập trung thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá. Trọng tâm là tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường để hoạt động cải thiện ngành hàng mang tính bền vững. Phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua việc cải thiện hệ thống sản xuất và chất lượng sản phẩm hình ảnh cá tra Việt Nam đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây là điều mà các chuyên gia về cá tra đã khuyến cáo lâu nay.

Đồng thời, đã đến lúc người nuôi và doanh nghiệp phải tuân thủ “luật chơi”, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong nghề nuôi cá tra, để đáp ứng yêu cầu các thị trường. Trong khi áp lực từ các rào cản thương mại được đặt ra và gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu như thuế chống bán phá giá và Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ càng gia tăng.

Hiện nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang băn khoăn việc có nên sửa Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra hay không. Một lãnh đạo trong Hiệp hội đánh giá: Việc sửa đổi Nghị định 36 đang gặp khó. Nếu sửa sẽ có điểm yếu là thừa nhận bước lùi về chất lượng, bởi vì trong Nghị định 36 sửa đổi để trình Chính phủ là sẽ lùi thời gian thực hiện tiêu chuẩn VietGAP cho vùng nuôi đến hết năm 2016. Có thể nói, đây là vấn đề có tác động rất lớn đến vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Cũng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra, ngày 16/2/2016, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ tại Sunnylands bang California, Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Tổng thống Barack Obama để trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ, trong đó Thủ tướng đã dành gần 10 phút để nói chuyện về Luật Nông trại. Đây là vấn đề mà chính phủ và các cơ quan chức năng đang nghiêm túc xem xét thương thuyết để có những biện pháp cần thiết để từng bước ổn định vùng nuôi cá tra ĐBSCL.

Hiện tại giá nguyên liệu cá tra ở mức thấp, nông dân đã “treo ao”, khó tái sản xuất, không loại trừ nguy cơ thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành cá tra An Giang, nông dân cần thận trọng với thông tin dự báo từ doanh nghiệp đưa ra về khả năng thiếu nguyên liệu. Nếu mở rộng và nuôi mới cá tra, người nuôi phải liên kết gắn với địa chỉ doanh nghiệp cụ thể (có hợp đồng mua cá) để tránh rủi ro. Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh và thực hiện đề án xếp hạng doanh nghiệp ngành cá để thúc đẩy hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp, nhằm từng bước nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thương trường. Đồng thời, hoàn thiện đề án và thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc ngành hàng cá tra, tiếp tục triển khai thực hiện các nghiên cứu làm cơ sở nền tảng cho việc phát triển bền vững ngành hàng.


Cần đơn giản thủ tục vốn vay NĐ 67 Cần đơn giản thủ tục vốn vay NĐ… Kiếm tiền tỷ từ nuôi cá chép giòn Kiếm tiền tỷ từ nuôi cá chép giòn