Thầy Thuốc Của Thủy Sản
Đôi tay ông Khoa vừa nhẹ nhàng vớt nước đã pha thuốc tắm cho bầy cá trước khi đưa vào thả, ông vừa giảng giải với chúng tôi: "Khi tắm thuốc cho cá cần sục khí, nếu thấy cá có hiện tượng khác thường như đớp khí ở mặt nước, cá quẫy hỗn loạn hay nhảy lên khỏi dụng cụ chứa thì phải vớt cá ra ngay". Vui tính và cởi mở ông chẳng có ý giữ bí mật bài thuốc quý mà ông mất nhiều công sức tìm tòi, thử nghiệm.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 1981, ông Khoa làm việc tại Trại cá giống Phi Mô (nay là Trung tâm Giống thuỷ sản cấp 1). Thời gian làm việc tại đây đã giúp ông tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi thả thuỷ sản. "Đi tham quan ở một số tỉnh, thấy nhiều nông dân trở thành triệu phú từ nuôi trồng thuỷ sản, tôi nghĩ mình có thể học làm theo. Vậy là năm 1987, tôi dốc toàn bộ vốn liếng và đi vay thêm để nhận thầu 2,1 ha ao hồ trũng bỏ hoang của xã để thả cá"- ông Khoa hào hứng kể lại. Tuy vậy, điều ông không ngờ đến là cá bị bệnh chết nhiều khiến vụ đó gia đình ông thiệt hại gần 20 triệu đồng. Mang khoản nợ lớn, đã có lúc ông chán nản, định bỏ cuộc.
Nhưng rồi được sự động viên của gia đình, ông kiên trì bắt tay làm lại từ đầu. Từ đây ông nhận thấy yếu tố phòng bệnh quyết định sự thành công hay thất bại của việc nuôi cá. Thấy rằng loại thuốc Ryfamycin 300 thường dùng bôi vào rốn trẻ sơ sinh để chống nhiễm khuẩn nên ông có ý tưởng dùng kháng sinh tắm cho cá. Lần đầu làm thử đạt kết quả tốt, nhưng ông còn cho rằng mình ngẫu nhiên gặp may. Chỉ đến khi nhiều vụ tiếp theo áp dụng đều cho kết quả tương tự ông mới tin rằng mình đã thành công. Với công thức hoà tan 4 kg thuốc viên vào 25 lít nước và lấy dung dịch đó tắm cho cá trước khi nuôi thả sẽ giúp cá sống khoẻ mạnh, không mắc bệnh, tăng trưởng nhanh. Từ đó, mô hình nuôi cá của gia đình ông Khoa luôn đạt hiệu quả cao, cho thu nhập mỗi năm gần một trăm triệu đồng.
Năm 2003, qua phương tiện thông tin đại chúng và tham quan thực tế, ông Khoa thấy ba ba tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao nên ông mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng xây ao nuôi với số lượng 2.500 con. Sau hai năm, mỗi con ba ba đạt từ 1-1,5 kg, giá bán 300 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 50 triệu đồng. Ông Khoa khẳng định: "Nuôi ba ba bên cạnh yếu tố bảo đảm đủ dinh dưỡng thì phòng bệnh là khâu cốt lõi. Nếu ba ba mắc bệnh coi như trắng tay nên tôi thường xuyên theo dõi từng biểu hiện của chúng và quyết tìm phương pháp phòng bệnh hiệu quả".
Trong quá trình vận chuyển và chăn nuôi, ba ba thường bị chết hoặc kém ăn. Không chịu bó tay, người cựu chiến binh này lại vắt óc nghĩ cách phòng chống. Và ông lại thành công khi dùng dung dịch thuốc kháng sinh Ryfamycin 300 tắm cho ba ba khoảng 30-40 phút trước khi thả nuôi hoặc vận chuyển. Phương pháp này hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh vào cơ thể vật nuôi, làm cho các vết thương mau lành và ba ba không cắn nhau khi vận chuyển. Lúc đầu nghe phương pháp lạ lùng này, nhiều người không tin.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì mọi người lại tìm đến ông học hỏi vì họ được chứng kiến thực tế khi cùng chuyến đi mua ba ba giống, ba ba của họ đều chết, riêng ba ba của gia đình ông khoẻ mạnh, tăng trưởng nhanh. Cách làm này đã góp phần mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ, đặc sản trên địa bàn và được trao giải Ba Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao