Theo tàu đánh bắt cá cơm
Mưu sinh lúc nửa đêm
10 giờ đêm, tôi đến bến tàu nơi đang neo đậu chiếc tàu của anh Đinh Văn Bảy (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) theo lời hẹn.
Tuy 2 giờ sáng công việc đánh bắt cá mới bắt đầu nhưng lúc này, anh Bảy cùng các bạn tàu đã hoàn tất khâu chuẩn bị các dụng cụ cho chuyến đi biển.
Thả các tấm lưới xuống khu vực có cá
Hơn 2 giờ sáng, khi trời còn tối mịt, anh Bảy nổ máy cho tàu rời bến. Xung quanh, hơn chục chiếc tàu khác cũng sửa soạn ra khơi, tiếng động cơ rền vang cả một khúc sông.
Sau hơn 1 giờ rưỡi di chuyển ra đến khu vực biển gần đảo yến Hòn Nội, cách bờ khoảng 15 hải lý, anh Bảy tắt động cơ, thả tàu trôi. Một bạn tàu là anh Lê Ngọc Mẫn (xã Phước Đồng) lấy một cây cột bằng thép dài khoảng 5m, một đầu có gắn chip điện tử thả xuống nước, neo cố định theo thành tàu.
Trong khoang lái, anh Bảy bật màn hình điện tử lên để dò cá; khi có cá, trên màn hình sẽ có các vạch màu hiện lên.
Thấy màn hình của máy hiển thị tần số hoạt động cao, chứng tỏ khu vực này có nhiều cá, anh Bảy liền hô thả lưới, lập tức anh Mẫn cùng một bạn tàu khác chạy ra trước tàu, thả các tấm lưới lớn xuống biển.
Một người khác ở trên nóc tàu chiếu đèn xuống cho mọi người làm việc, còn anh Bảy điều khiển tàu chạy vòng quanh khu vực theo hình tròn để các bạn tàu thả lưới.
Các tấm lưới có bề ngang 5 sải tay, dài 33 sải được thả xuống biển ở độ sâu khoảng 24 - 25m, đánh dấu bằng cách cột vào các can nhựa thả nổi bằng dây thừng, khi kéo lưới chỉ cần kéo can nhựa lên. Gần tàu của anh Bảy, tàu cá của anh Phan Văn Dũng (xã Phước Đồng) cũng đang khẩn trương thả lưới.
Việc thả lưới kết thúc lúc hơn 4 giờ sáng.
Châm điếu thuốc nghỉ xả hơi, anh Bảy chia sẻ, thả lưới xong là lúc rảnh rỗi hiếm hoi của mọi người, vì khi thả hết lưới, phải đợi đến “giờ hoàng đạo” mới có thể kéo lên được.
“Trước 5 giờ sáng, cá cơm còn bơi lơ lửng giữa dòng nước nên không thể kéo được, thấy động, cá sẽ bơi ra khỏi lưới rất nhanh. Lúc mặt trời vừa lên, cá sẽ bơi sát xuống đáy, gần chạm mặt lưới là lúc kéo lưới lên.
Việc kéo lưới cần canh đúng thời điểm, chỉ lệch một chút là về tay không, nên cần nhiều kinh nghiệm” - anh Bảy nói.
Hơn 5 giờ, nhìn về phía đông trời vừa hửng sáng, anh Bảy gọi các bạn tàu chuẩn bị kéo lưới. Anh Đinh Văn Sâm (xã Phước Đồng) có nhiệm vụ lặn xuống gỡ những mảnh lưới bị vướng vào các rạn san hô.
“Mỗi lần gỡ lưới, tôi lặn sâu hơn 20m, phải ở dưới đó cho đến khi lưới được kéo lên hết” - anh Sâm cho biết.
Từng tấm lưới được kéo lên, tiếng ken két của lưới khi cọ xát vào ròng rọc hòa cùng tiếng cười nói của mọi người lúc làm việc. Những con cá cơm dính vào lưới, ánh bạc lên dưới nắng sớm. Nhìn các tấm lưới, anh Bảy dự đoán:
“Hôm nay không được nhiều lắm, chỉ khoảng 70 - 80kg, trừ hết chi phí lãi được khoảng hơn 400.000 đồng”.
Khi lưới được kéo lên hết, tàu chạy vào bờ, mọi người tranh thủ nấu đồ ăn sáng ngay trên tàu. Vào đến bờ, từng tấm lưới còn dính đầy cá cơm lần lượt được kéo lên.
Vừa kéo, mọi người vừa dùng những thanh gỗ bọc vải hoặc cao su đập vào lưới cho cá rơi xuống, ở dưới được hứng bởi tấm lưới khác lớn hơn. Sau đó họ dùng thúng, rổ lớn múc cá chuyển lên bờ...
Còn nhiều bấp bênh
Theo những người làm nghề đánh bắt cá cơm, nghề này không quá nặng nhọc, nhưng thu nhập bấp bênh.
Cá cơm là loài hoạt động thất thường, nên việc đánh bắt không mấy thuận lợi. Cạnh tàu anh Bảy, tàu của anh Dũng cũng chỉ đánh bắt được gần 1 tạ cá. Anh Dũng bộc bạch:
“Công việc đánh bắt cá cơm thất thường, thu nhập chỉ đủ ăn.
Có bữa chỉ được hơn 20kg, lỗ vốn nhưng tôi vẫn phải đi, vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình”.
Anh Nguyễn Văn Em, chủ một tàu đánh bắt cá cơm khác cũng chia sẻ, làm nghề này có ngày về tay trắng là chuyện bình thường, nhưng vì mưu sinh, mọi người vẫn cố gắng bám biển.
Mùa cá cơm thường bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 8 dương lịch, nhưng không phải cứ vào mùa là sẽ có nhiều cá.
“Đánh bắt cá cơm như chúng tôi chỉ biết theo ngày, có khi đang vào mùa, nhưng thời tiết thay đổi, cá lại đi mất, còn lúc trái mùa nhưng thời tiết tốt, lại được nhiều. Mỗi chuyến đi biển, chúng tôi đánh bắt được trung bình 3 đến 4 tạ cá, người làm công như tôi kiếm được hơn 200.000 đồng.
Những ngày may mắn thì được hơn 1 tấn, nhưng có khi chỉ được 50kg, trừ chi phí, mỗi người được hơn 30.000 đồng” - anh Mẫn bộc bạch.
Theo anh Bảy, ở khu vực của các tàu đánh bắt cá cơm còn có các tàu lớn đi đánh bắt thủy hải sản với loại lưới có mắt lưới nhỏ hơn, dày hơn so với lưới đánh bắt cá cơm.
Những tàu đánh bắt cá cơm khi thấy các tàu này thả lưới thường phải đi ra khu vực khác, vì lưới cá cơm dễ bị rách khi vướng vào lưới của tàu lớn.
“Trước kia tôi làm nghề lặn biển, thu nhập cao hơn, nhưng nghề này nguy hiểm, điều kiện sức khỏe không đảm bảo nên tôi chuyển sang đánh bắt cá cơm đã hơn 15 năm.
Có hôm lưới của tàu tôi đang thả, các tàu đó đến thả chồng lên, tôi thấy mà không kịp phản ứng.
Hậu quả lưới của tôi rách hết, về người ta bồi thường không được bao nhiêu, tôi lại mất trắng một ngày đi biển” - anh Bảy nhắc lại kỷ niệm nhớ đời lúc mới vào nghề.
Trong câu chuyện với chúng tôi, trăn trở lớn nhất của những người làm nghề đánh bắt cá cơm là giá đầu ra cho sản phẩm.
Cá cơm khi đánh bắt về thường bán cho các cơ sở hấp cá, làm mắm, số còn lại đem ra chợ bán. Với gần 30 tàu đánh bắt cá cơm hoạt động liên tục ở khu vực Hòn Rớ, khối lượng cá cung cấp cho các cơ sở này khá nhiều, nên mặt bằng giá bị hạ thấp so với giá thông thường. “
Ngày trước, cá xuất cho các cơ sở chế biến có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn hơn 12.000 đồng/kg, đem ra chợ bán may lắm được hơn 17.000 đồng/kg.
Tôi cũng không biết vì sao giá lại thấp như vậy, nhưng vẫn phải xuất cho các cơ sở, vì đây là nguồn tiêu thụ chính, nếu không cũng không biết bán cho ai. 4 miệng ăn trong gia đình tôi trông chờ vào nguồn này.
Chỉ mong cá được giá hơn để những người làm nghề như chúng tôi có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống” - vừa cân cá bán cho thương lái, chị Phụng (vợ anh Bảy) tâm sự.
Gần trưa, mẻ cá cuối cùng đã bán xong, những chiếc ô tô chở đầy cá cơm nổ máy, chở cá về các cơ sở chế biến. Không kịp nghỉ ngơi, những ngư dân lại cùng ngồi vá lưới, sẵn sàng cho chuyến biển tiếp theo.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao