Mô hình kinh tế Thị trường cà phê nội địa tiềm năng bị bỏ ngỏ

Thị trường cà phê nội địa tiềm năng bị bỏ ngỏ

Publish date Friday. September 25th, 2015

Thị trường cà phê nội địa tiềm năng bị bỏ ngỏ

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn cà phê, đạt 3,6 tỷ USD, nhưng cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô. Thế giới không có mấy người tiêu dùng biết đến tên tuổi cà phê Việt. 

Tin vui gần đây cho ngành cà phê, là cà phê xuất xứ Việt Nam mang nhãn hiệu Da Lat Blend đã được "người khổng lồ" Starbucks quyết định đưa vào bán tại 21.500 cửa hàng tại 56 quốc gia. Theo đó, giá 1 gói cà phê 250g được bán với giá 12,5 USD, tương đương hơn 1,1 triệu đồng/kg. 

Đây là một mức giá rất cao so với giá cà phê nội địa đang sụt giảm ở mức chưa đến 35.000 đồng/kg như hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là một dấu hiệu đáng để "ăn mừng" quá sớm, vì cà phê đưa vào Starbucks là sản phẩm đã được chế biến sâu và nguyên liệu là hạt cà phê Arabica.

Nhu cầu thị trường nội địa gia tăng

Điểm yếu chính của ngành cà phê Việt Nam chính là không phát triển được cà phê chế biến sâu, tỷ lệ này hiện mới chiếm khoảng 7 - 8% tổng sản lượng cà phê của cả nước.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng trong khi chưa phát triển được cà phê chế biến sâu, thay vì tiếp tục xuất khẩu cà phê thô cho thị trường nước ngoài trước áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các nhà kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê nên quan tâm đến thị trường trong nước. Đây hoàn toàn là "mảnh đất" tiềm năng chưa được khai thác hết. 

Những năm gần đây, sự phát triển của các hàng quán cà phê, hệ thống cung ứng cà phê, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tiêu thụ cà phê trong nước tăng nhanh (với 2/3 là cà phê bột rang xay, 1/3 là cà phê hòa tan). 

Cần quan tâm hơn đến khẩu vị và phong cách uống của từng phân khúc thị trường

Theo nghiên cứu của IAM về thói quen sử dụng cà phê, 65% người tiêu dùng có sử dụng cà phê Việt Nam uống cà phê 7 lần/tuần, nghiêng về nam giới (59%). Riêng cà phê hòa tan, có 21% người tiêu dùng sử dụng từ 3 - 4 lần trong tuần và hơi nghiêng về nhóm người tiêu dùng nữ (52%). Tỷ lệ sử dụng cà phê tại nhà và bên ngoài là ngang nhau 49/50%. Thời gian uống cà phê phổ biến nhất là từ 7 - 8 giờ sáng. Ở Việt Nam, có thể thấy quán cà phê xuất hiện khắp nơi tại mọi con phố, trong từng ngóc ngách mang lại nhiều tiện lợi cho người uống cà phê. 

Một nghiên cứu khác của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) chỉ ra rằng bình quân một người Việt Nam tiêu thụ chỉ khoảng 0,5 kg cà phê/năm. Con số này rất thấp so với các nước sản xuất lớn như Brazil (5 - 6 kg/người/năm), hoặc các nước tiêu thụ cà phê nhiều như các nước Bắc Âu (10 kg/người/năm).

Cà phê được tiêu thụ phổ biến ở thành thị. Mức tiêu thụ bình quân của người thành thị gấp 2 lần so với khu vực nông thôn, cả về lượng và giá trị tiêu thụ. Khu vực nông thôn có lượng và giá trị tiêu thụ bình quân thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ về cà phê đang tăng nhanh cả về lượng và giá trị. Do đó, nông thôn sẽ là thị trường tiềm năng cho việc tiêu thụ cà phê hiện nay.

Thị trường nông thôn nhiều tiềm năng

Điều tra tần suất uống cà phê tại Hà Nội và Tp.HCM cho thấy có 48% người không bao giờ uống cà phê, 52% người có uống cà phê.

Các đối tượng có uống cà phê thì uống khá thường xuyên và người Tp.HCM uống đều hơn so với người Hà Nội. Dùng cà phê nhiều nhất là nhóm ở độ tuổi trung niên từ 35 - 50 tuổi là 0,45kg/người/năm và người già trên 50 tuổi là 0,43 kg/người/năm.

Tại Tp.HCM, người tiêu dùng có thói quen tiêu thụ cà phê nhiều hơn so với ở Hà Nội. Người Hà Nội uống cà phê nhiều hơn vào mùa đông và trong các dịp lễ Tết. Trong khi người tiêu dùng Tp.HCM thường uống như nhau giữa các mùa. Lượng cà phê tiêu thụ của người tiêu dùng Tp.HCM khoảng 1,3 kg/người/năm, cao hơn gấp 3 lần so với người tiêu dùng Hà Nội, chỉ khoảng 0,43 kg/người/năm.

Người tiêu dùng Hà Nội thích các loại cà phê hòa tan có pha với sữa uống nóng. Trong khi đó, người tiêu dùng Tp.HCM thích các loại cà phê đen pha với đá.

Theo báo cáo tổng quan về ngành cà phê Việt Nam của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ra ngày 19/5/2015, tiêu thụ cà phê trong nước tiếp tục khởi sắc. Niên vụ 2014/2015, tiêu thụ nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,08 triệu bao, hay 125,000 tấn, tăng 4% so với niên vụ trước.

Thống kê của Nielson Việt Nam cho thấy đang có 20 nhà sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam và tiêu thụ cà phê hòa tan tại Việt Nam, tăng 5% trong năm 2014. Vinacafe Biên Hòa chiếm 41% thị phần, nhiều nhất với mạng lưới hơn 140.000 chi nhánh, đại lý phân phối rộng khắp.

Nestle đứng thứ hai, với 26% thị phần. Trung Nguyên đứng thứ ba, với 16% thị phần. Trần Quang đứng thứ tư, với 15% thị phần. Số còn lại chỉ chiếm 2%. USDA dự báo việc mở rộng khu vực bán lẻ cà phê sẽ góp phần gia tăng tiêu thụ nội địa trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia IPSARD, đầu tư mở rộng thị trường nội địa sẽ là giải pháp rất cần thiết cho ngành cà phê Việt Nam trong cả hiện tại và tương lai.

Nhà nước cần xây dựng đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho tiêu thụ cà phê nội địa thông qua các hình thức truyền thông, lễ hội cà phê phù hợp với từng vùng miền trong nước, kiểm soát chặt chất lượng cà phê, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ chế biến cà phê nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về phía các doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược kinh doanh thâm nhập vào thị trường nông thôn, giới trẻ, thực hiện chiến lược hạ giá thành và giá bán lẻ nhằm nâng cao doanh thu, quan tâm hơn đến khẩu vị và phong cách uống của phân khúc thị trường những người có thu nhập thấp. 


Thông tin về cây trồng chuyển gen vẫn chưa rõ ràngThông tin về cây trồng chuyển gen vẫn chưa rõ ràng Thông tin về cây trồng chuyển gen vẫn…  Đông đúc cò lúa Đông đúc cò lúa