Thị trường cà phê tháng 6/2019: Tăng 600 đồng/kg so với tháng trước
Trong tuần đầu tiên của tháng 6/2019, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã sụt giảm mạnh, xu hướng suy yếu kéo dài sang cả tuần kế tiếp, với nhu cầu chậm lại. Nửa cuối tháng, giá hồi phục trở lại 1.000 đồng/kg do nguồn cung suy yếu, khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Tính chung cả tháng 6/2019, giá cà phê đã tăng 600 đồng/kg so với tháng trước tính tới thời điểm 28/6/2019.
Trong khi đó, thị trường cà phê thế giới tuần đầu tháng về mức thấp hơn 10 năm sau đó hồi phục trở lại ở nửa cuối tháng 6 do thông tin hỗ trợ từ những lo ngại về thời tiết lạnh tại Brazil. Thị trường đã có thông tin dự báo khoảng 10 ngày tới sẽ có một khối khí lạnh đi vào miền Nam Brazil và có khả năng gây ra sương giá trên một số vùng trồng cà phê chủ chốt. Ý kiến của các nhà quan sát thị trường cho rằng, các nhà giao dịch đã tỏ ra lo ngại quá mức khi hầu như sương giá trên các vùng trồng cà phê chỉ còn trong quá khứ với hơn 23 năm đã trôi qua.Ngoài ra thị trường cà phê thế giới tăng còn bởi hiện thượng bán tháo USD để mua vàng của Nga và Trung Quốc. Giá cà phê giao dịch trên sàn BMF ở São Paolo bất ngờ tăng vọt đã kéo giá cà phê trên các sàn quốc tế tăng theo. Bên cạnh đó còn là thông tin về sản lượng Brazil năm nay sẽ không đạt như kỳ vọng.
Đồng real Brazil tăng so với đồng USD đã ngặn chặn sức bán đầu cơ giúp giá cà phê kỳ hạn không giảm sâu. Thông tin các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị đưa ra chính sách tiên tệ mới, sau khi Fed công bố chưa cắt giảm lãi suất USD kỳ này, cũng góp phần tác động tích cực đáng kể lên hầu hết các thị trường hàng hóa phái sinh.
Sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ cà phê 2018/19 ước tính đạt 168,05 triệu bao, tương ứng với mức tăng 1,5% so với sản lượng của niên vụ cà phê 2017/18. Về tiêu thụ, ước tính toàn thế giới sẽ có mức tăng trưởng 2%, lên đạt 164,64 triệu bao. Mặc dù mức tiêu thụ của thế giới đã tăng trung bình 2,2% trong 5 niên vụ cà phê gần đây, nhưng sản lượng toàn cầu sẽ cao hơn 3,41 triệu bao trong niên vụ cà phê 2018/19, cũng là niên vụ thứ hai liên tiếp thế giới dư thừa cà phê.
Trong 7 tháng đầu niên vụ cà phê 2018/19, xuất khẩu toàn cầu đạt 74,01 triệu bao, tăng 4,4% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước là 70,89 triệu. Theo đó, xuất khẩu cà phê arabica natural của Brazil đã tăng 18,5%, lên đạt 24,86 triệu bao và cà phê arabica chế biến ướt của Colombia tăng 8%, lên đạt 9,07 triệu bao. Trong khi xuất khẩu cà phê robusta giảm 0,3%, xuống chỉ đạt 26,09 triệu bao, cũng như các loại cà phê khác giảm 8,9% so với xuất khẩu 13,97 triệu bao trong 7 tháng đầu của niên vụ cà phê trước.
Dữ liệu trên đây được trích từ báo cáo thương mại cà phê tháng 5 năm 2019 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Báo cáo này cũng được tham khảo ý kiến đầy đủ tại Hiệp hội Nghiên cứu Cà phê, được điều phối bởi Café Embrapa ở Brazil. Theo ICO, dựa theo xuất xứ của cà phê, các nhóm cà phê được chia thành các loại Soft Colombia, Other Soft, Brazil Natural và Robusta. Ngoài ra, niên vụ cà phê được tính chung từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau.
Theo dữ liệu công bố trong báo cáo thương mại cà phê tháng 5 này, xuất khẩu cà phê thế giới trong tháng 4 đạt tổng cộng 10,73 triệu bao, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, xuất khẩu cà phê arabica natural của Brazil tăng 17,7% lên đạt 3,14 triệu bao, xuất khẩu cà phê Colombia Milds đạt 1,11 triệu bao, tăng 2,1% và xuất khẩu cà phê robusta đạt 3,91 triệu bao, tăng 0,5%. Mặt khác, xuất khẩu Other Soft giảm 1,6%, xuống chỉ đạt 2,57 triệu bao.
Đối với cà phê Brazil, báo cáo thương mại cà phê tháng 5 năm 2019 nhấn mạnh trong 7 tháng đầu của niên vụ cà phê 2018/19, xuất khẩu cà phê tăng 26,3%, đạt tổng cộng 24,26 triệu bao. Trong tổng số này, cà phê hạt arabica đạt 2,52 triệu bao và cà phê hạt robusta chỉ khoảng 197 nghìn bao. Đạt được hiệu suất này là do thu hoạch niên vụ 2018/19, sản lượng của Brazil tăng 18,5%, lên 62,5 triệu bao, theo ước tính của ICO.
Trong bối cảnh chung về sản xuất và xuất khẩu cà phê thế giới, báo cáo ICO nhấn mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 năm 2019 ước tính đạt 2,4 triệu bao, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong 7 tháng đầu của niên vụ cà phê 2018/19, ước tính Việt Nam đã xuất khẩu 16,15 triệu bao, thấp hơn 5% so với cùng kỳ của niên vụ cà phê trước đó. ICO cũng ước tính trong niên vụ cà phê 2018/19, sản lượng của Việt Nam sẽ giảm 3,4%, trong khi kỳ vọng sản lượng sẽ đạt 29,5 triệu bao. Sự sụt giảm sản lượng này được cho là do ảnh hưởng thời tiết khô hạn và giá cà phê thấp đã khiến nông dân trồng cà phê cắt giảm đầu tư vào vụ mùa.
Tương tự như vậy với Colombia, ICO thông báo trong tháng 4 năm 2019 nước này đã xuất khẩu 967 nghìn bao, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong 7 tháng đầu của niên vụ cà phê 2018/19, Colombia đã xuất khẩu đạt tổng cộng 8,11 triệu bao, tăng 6,2% so với cùng kỳ của niên vụ cà phê 2017/18. ICO cũng ước tính kể từ đầu niên vụ cà phê hiện tại đến tháng 4, chiếm 46,5% hàng xuất khẩu của Colombia được dành cho Hoa Kỳ, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 7,5% và Đức với 7,4%. Về tổng sản lượng thu hoạch trong niên vụ cà phê 2018/19, ước tính Colombia sẽ đạt khoảng 14,2 triệu bao, tăng 2,7% so với thu hoạch của niên vụ cà phê trước đó.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao