Tin nông nghiệp Thị trường cần nhưng nông sản sạch vẫn sập, vì sao?

Thị trường cần nhưng nông sản sạch vẫn sập, vì sao?

Author Huỳnh Xây, publish date Friday. August 25th, 2017

Thị trường cần nhưng nông sản sạch vẫn sập, vì sao?

Trung tâm Xúc tiến đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm TP.Cần Thơ vừa phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo “Kết nối cung cầu nông sản sạch, an toàn 2017” nhằm đưa ra các giải pháp kết nối cung – cầu nông sản sạch, an toàn đến với người tiêu dùng.

Nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ở TP.Cần Thơ cần nông sản sạch, an toàn.  Ảnh: Huỳnh Xây

Sản phẩm nghèo nàn, thiếu đa dạng

Theo ông Trần Thế Như Hiệp – đại diện Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ, một kết quả nghiên cứu về chuỗi cung ứng rau an toàn (RAT) trên địa bàn thành phố cho thấy: Địa phương tập trung sản xuất RAT nhiều nhất là huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Ô Môn, Thốt Nốt, Bình Thủy. Qua đó, RAT đã gia tăng năng suất (306kg/ha với dưa leo, 8.823kg với đậu,...), hộ dân tăng thu nhập  38-45 triệu đồng/ha/vụ.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng  phải nhìn nhận thực tế là các sản phẩm RAT không đa dạng, chỉ có hẹ, dưa leo, khổ qua, rau muống, rau mùi.

Cũng theo ông Hiệp, do sản phẩm ít đa dạng nên người dân chưa mạnh dạn áp các biện pháp kỹ thuật mới (thủy canh, giá thể, sinh học…) vào sản xuất và sơ chế đóng gói. Tình trạng này khiến người dùng hoài nghi.

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói thêm: “Ở khu vực đô thị, người dân tận dụng khoảng trống trước sân, sau nhà, sân thượng để trồng rau an toàn. Trong khi sản phẩm nông sản sạch, an toàn của người nông dân lại không bán được. Thực trạng này là do các tác nhân trong chuỗi thiếu tin tưởng lẫn nhau và hoài nghi về chất lượng sản phẩm”.

Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc không đa dạng sản phẩm trong sản xuất là do đầu ra không ổn định, người tiêu dùng chưa có thói quen nên thờ ơ với những lợi ích, giá trị của nông sản sạch, an toàn mang lại. Người tiêu dùng có tâm lý so sánh về giá giữa rau sạch, an toàn với rau thông thường trong khi đó chi phí đầu tư cho sản phẩm sạch, an toàn là rất cao.

Thị trường rất cần

Hiện nay, TP.Cần Thơ có khoảng 3.800ha rau màu sản xuất theo RAT. Trong đó, có 252ha dưa leo, 254 ha bầu, bí và mướp, 174ha rau muống, 85ha hành tỏi, 71ha cải bắp, 59ha cà chua và 2.896ha các loại rau khác. Các loại rau màu trên cho năng suất bình quân trên 100 tạ/ha, riêng cà chua chỉ đạt khoảng 48 tạ/ha. Tổng sản lượng rau màu sản xuất theo RAT cung cấp ra thị trường là trên 43.900 tấn/năm.

Theo ông Phạm Nhật Trường - Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Hệ thống siêu thị Co.opmart, theo xu hướng tiêu dùng, người dân cần đầu tư kỹ thuật cao để sản xuất ra các sản phẩm mới, “độc”, lạ, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm đặc sản. Hiện nay, các hệ thống siêu thị đều rất cần những sản phẩm này.

Để người tiêu dùng nhận thức tốt hơn, tin tưởng hơn đối với nông sản sạch, an toàn, ông Trường cho rằng, ngành chức năng TP.Cần Thơ cần tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của địa phương, tổ chức nhiều hoạt động tham quan vùng sản xuất, hội thảo giới thiệu…

Để tránh tình trạng cung và cầu không gặp nhau, ông Hiệp kiến nghị xây dựng trang website thương mại điện tử nông sản sạch, an toàn. Trang website này chào hàng, người mua đặt hàng và giao dịch. Người dân có thể sử dụng thiết bị di động để thực hiện các giao dịch với bên mua.

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho biết: “Một trong những định hướng tới đây của Sở là phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và một số bên có liên quan xây dựng mạng lưới thương mại điện tử và tổ chức phiên chợ nông sản sạch, nông sản an toàn hàng tuần… để hình thành dần thói quen tiêu dùng của người dân”. /.


Hướng dẫn trồng và chăm sóc cây chanh cho quả sai trĩu quanh năm Hướng dẫn trồng và chăm sóc cây chanh… Lạ đời nông dân trồng đủ loại hoa, để mời côn trùng đến vườn tiêu Lạ đời nông dân trồng đủ loại hoa,…