Thống kê nông sản Thị trường lúa gạo ngày 23/3: Giá ổn định

Thị trường lúa gạo ngày 23/3: Giá ổn định

Author Thu Nga, publish date Wednesday. March 24th, 2021

Thị trường lúa gạo ngày 23/3: Giá ổn định

Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hôm nay ổn định.

Giá gạo nguyên liệu IR ổn định 9.700 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm IR 5 ở mức 11.200 đồng/kg; giá tấm 1 IR 504 ở 9.200 đồng/kg; giá cám vàng ở 6.800 đồng/kg.

Tại An Giang giá lúa gạo hôm nay ổn định. Giá lúa IR 50404 ở 6.600-6.700 đồng/kg; giá lúa OM 9577 6.650; lúa OM 9582 6.650 đồng/kg; giá lúa Đài Thơm 8 6.600-6.800 đồng/kg; lúa OM 18 6.600-6.800 đồng/kg.

Giá gạo thường 11.000- 11.500 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 16.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 20.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 16.200 đồng/kg; gạo Nhật 24.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg.

Hiện tại các thương nhân xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh thu mua lúa Đông xuân để tạm trữ và phục vụ xuất khẩu.

Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu tiếp tục đi ngang và giữ ở mức cao. Cụ thể loại 5% tấm ở mức 513-517 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 483-487 USD/tấn, gạo Jasmine và 100% tiếp tục ổn định, lần lượt có giá 563-567 USD/tấn và 433-437 USD/tấn.

Tiếp tục duy trì, mở rộng liên kết tiêu thụ lúa tại tỉnh Vĩnh Long

“Liên kết tiêu thụ lúa là hướng đi hoàn toàn phù hợp. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích trong thời gian tới”- ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long khẳng định như vậy tại cuộc họp sơ kết thực hiện liên kết và tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Công ty Lộc Trời) vụ Đông Xuân 2020- 2021.

Hiệu quả bước đầu

Vụ Đông Xuân 2020- 2021, Công ty Lộc Trời đầu tư giống, phân thuốc bảo vệ thực vật từ đầu đến cuối vụ không tính lãi. Giống lúa cam kết thu mua là OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8... Công ty cử cán bộ tư vấn kỹ thuật hỗ trợ tư vấn kỹ thuật. Cuối vụ, thu mua lúa của bà con nông dân. Những giống ký hợp đồng giá thỏa thuận, sau khi thống nhất xong công ty cộng thêm 50 đ/kg lúa. Chốt giá từ 7- 15 ngày trước thu hoạch, thu mua lúa tươi, cân lúa tại điểm tập kết.

Theo đó, Vụ Đông Xuân 2020- 2021, nông dân tự nguyện đăng ký thực hiện liên kết 876,5ha (Tam Bình: 333,8ha, Vũng Liêm: 345ha, Long Hồ: 197,74ha). Giá lúa chốt bán dao động từ 6.650- 6.920 đ/kg (tùy thời gian, giống, địa điểm).

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, vụ Đông Xuân thời tiết thuận lợi, sâu bệnh hại ít, năng suất cao, giá lúa ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi. Thời gian thu hoạch lúa do người dân chủ động, công ty thu mua cân lúa đúng thời điểm, lúa không bị hao hụt. Theo đánh giá của các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) thì vụ Đông Xuân này, vật tư nông nghiệp được phía Công ty Lộc Trời giao đến tay bà con đảm bảo chất lượng; cán bộ kỹ thuật, nhân viên “3 cùng” của công ty theo sát đồng ruộng và đưa ra hướng xử lý dịch hại hiệu quả.

Ông Bùi Văn Diệu- Tổ trưởng Tổ hợp tác ở xã Long An (Long Hồ) cho biết, nông dân hài lòng về chất lượng phân thuốc của công ty. Nhân viên công ty giải đáp những thắc mắc, thông tin kịp thời cho bà con khi có yêu cầu. Giá bán trong mô hình khá cao so bên ngoài mô hình, còn hỗ trợ chi phí vận chuyển, bốc vác xuống ghe… Từ những hiệu quả bước đầu, ông bày tỏ mong muốn tổ hợp tác tiếp tục được ký kết tiêu thụ lúa.

Là HTX liên kết với Công ty Lộc Trời khoảng 140 công trong vụ Đông Xuân này, theo ông Trần Thanh Tùng- HTX Long Phước (Long Hồ), nhìn chung liên kết có hiệu quả. Bà con nông dân thống nhất cao trong chuyện giá cả hài hòa. Về ngày giờ cắt, bà con có thể chủ động, cân kéo, trừ bì… cũng hài lòng.

Tiếp tục duy trì, mở rộng liên kết

Theo ông Lê Văn Chiến- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, đây là lần liên kết diện tích khá lớn so trước đây. Phía huyện chỉ đạo rất quyết liệt. Ngay từ tháng 9/2020, phòng đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND huyện mời các ban ngành, đoàn thể, Thường trực Huyện ủy để triển khai cho 11 xã, tới nông dân về việc liên kết tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân 2021.

Ông Võ Thanh Phong- Giám đốc Khu vực Vùng 2 cây lúa (Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời)- cho biết, theo nguyên tắc chia sẻ ban đầu, công ty mời bà con nông dân lại để chốt giá. Theo đó, công ty sẽ đưa ra giá để bà con tham khảo và bà con chọn bán cho công ty hay cho thương lái bên ngoài để được giá tốt nhất. Vụ Đông Xuân 2020- 2021, mục tiêu này đạt khá tốt.

Thuận lợi của mô hình là nông dân ủng hộ và nhiệt tình tự nguyện đăng ký tham gia liên kết. Tuy nhiên, cũng còn khó khăn là chưa tập hợp được đông đảo bà con nông dân trong các cuộc họp quan trọng như triển khai hợp tác sản xuất, họp trao đổi kỹ thuật đầu vụ, giữa vụ, đòng trổ, chốt giá… Vụ Hè Thu 2021, Công ty Lộc Trời có kế hoạch tiếp tục liên kết hơn 800ha tại tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể, củng cố và nâng chất quy mô của những tổ hợp tác, HTX.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT đánh giá, việc liên kết tiêu thụ bước đầu mang lại hiệu quả cho sản xuất lúa như: tác động tích cực về giá lúa; việc áp dụng khoa học kỹ thuật giúp giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, thực hành các tổ hợp tác tiến tới xây dựng HTX, hỗ trợ cho các địa phương xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần đó, ông Nguyễn Văn Liêm khẳng định: “Liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng đi hoàn toàn phù hợp. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng trong thời gian tới”.

Để liên kết đạt hiệu quả tốt trong vụ Hè Thu 2021, ông Nguyễn Văn Liêm đề nghị phía Công ty Lộc Trời triển khai sớm để thuận tiện cho bà con nông dân tham gia mô hình. Ông cũng lưu ý, vụ Hè Thu có thể có mưa bão, ngay lúc thu hoạch đông ken thì trong dân không có phương tiện sấy, trữ nên công ty cần chuẩn bị nguồn lực, phương tiện thu mua lúa kịp thời.


Thị trường ngũ cốc thế giới ngày 23/03/2021 Ngô phục hồi do nhu cầu của Trung Quốc tăng cao Thị trường ngũ cốc thế giới ngày 23/03/2021… Thị trường ngũ cốc thế giới ngày 22/03/2021: Giá lúa mì giảm phiên thứ 4 liên tiếp Thị trường ngũ cốc thế giới ngày 22/03/2021:…