Thị trường rau quả và trái cây tuần qua: Giá rau xanh giảm, trái cây bị đẩy lên cao
Tuần thứ hai trở lại làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, thị trường rau xanh, củ quả giá đã giảm trở lại. Trong khi trái cây bị đẩy lên cao gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường do nhu cầu tăng mạnh cho mâm cúng ngày rằm tháng Giêng (19/2/2019).
Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Nhổn, chợ Dịch Vọng, chợ Mai Dịch, chợ Phùng Khoan… các mặt hàng rau xanh đồng loạt giảm giá mạnh.
Cụ thể, giá các mặt hàng rau củ quả hiện chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với trước Tết. Giá rau cần 3.000 - 4.000 đồng/bó, cải ngọt 8.000 đồng/kg, cải chíp chỉ 7.000/kg, bắp cải từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, khoai tây 8.000 - 10.000 đồng/kg, rau cải cúc 2.000 đồng/bó, súp lơ có giá từ 6.000 - 8.000 đồng/cây, cà chua từ 10.000 - 12.000 đồng/kg…
Theo các tiểu thương chia sẻ, giá rau, củ giảm do lượng cung dồi dào, trong khi không có sự gia tăng đột biến về nhu cầu.
Mặc dù ngoài thị trường giá rau xanh giảm mạnh, song theo khảo sát tại các siêu thị, giá rau, củ, quả sản xuất theo hướng hữu cơ và rau an toàn vẫn tương đối ổn định. Tâm lý các bà nội trợ hiện nay muốn mua rau sạch hoặc rau trong siêu thị để yên tâm về chất lượng, vì thế về lâu dài việc canh tác rau theo hướng an toàn sẽ là hướng đi hiệu quả và ổn định cho bà con nông dân.
Cụ thể, như tại Big C cà rốt Hải Dương được niêm yết ở mức giá 6.900 đồng/kg; bắp cải trắng (bắc) 8.900 đồng/kg….
Tỉnh Hải Dương là một trong những nông sản nổi tiếng trong cả nước. Diện tích cà rốt của Hải Dương là 1.500 ha, năng suất bình quân đạt 352 tạ/ha, tổng sản lượng 53.000 tấn/năm.
Cây cà rốt được người dân trồng tập trung chủ yếu tại huyện Cẩm Giàng (550 ha), huyện Nam Sách (650 ha), thị xã Chí Linh (180 ha). Thời gian gieo trồng cà rốt đông xuân từ tháng 9, tháng 10 hàng năm và thu hoạch từ trung tuần tháng 1 đến hết tháng 4 năm sau.
Cà rốt hiện nay đã được trồng chuyên canh thành vùng hàng hóa tập trung và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Cà rốt của Hải Dương được cấp giấy chứng nhận VietGap đều có chất lượng cao, đảm bảo sạch, an toàn, mẫu mã đẹp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, cà rốt được các công ty, doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn huyện Cẩm Giàng chủ yếu được thu mua vận chuyển về để sơ chế, bảo quản chế biến và đưa đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, 50% sản lượng thu mua được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và các nước châu Âu.
Trên thị trường trái cây – một trong những mặt hàng không thể thiếu trong ngày rằm tháng Giêng, giá bị đẩy lên cao so với ngày thường, song người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giá nhiều loại trái cây cúng như xoài, quýt đường, bưởi, thanh long, dưa hấu… đã tăng giá bình quân từ 2 đến 3 lần so với ngày thường.
Theo giới tiểu thương, nguyên nhân do tại các chợ đầu mối nhiều tiểu thương vẫn còn chưa buôn bán lại, thêm vào đó nguồn cung hoa tươi cũng như trái cây từ các tỉnh đổ về thành phố đang khan hiếm, dẫn tới giá cả tại Tp.Hồ Chí Minh bị đẩy lên cao.
Theo đó, mãng cầu đã tăng từ 45.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg, giá bưởi năm roi cũng đang ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg, thanh long 60.000 - 70.000 đồng/kg, măng cụt 130.000 - 150.000 đồng/kg…
Đối với trái thanh long, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thanh long ở tỉnh Bình Thuận vẫn giữ ở mức ổn định từ 16.000 – 18.000 đồng/kg. Hiện giá đã nhích lên 19.000 đồng/kg. Riêng hàng đẹp xuất cảng Pò Chải (trên 80% hàng cồ) có giá trên 20.000 đồng/kg.
Mặc dù giá trái cây tăng cao, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua vì theo quan niệm “Cúng cả năm không bằng ngày cúng rằm tháng Giêng”. Ngoài ra, ai cũng nghĩ một mâm cúng ngày rằm tháng Giêng tươm tất, đầy đủ thì gia chủ cả năm làm ăn thuận lợi, thịnh vượng, phát tài.
Những tháng đầu năm 2019, ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam liên tiếp đón nhận những thông tin vui khi xoài Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu sang Mỹ.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay xoài của Việt Nam đã hoàn thành tất cả các thủ tục để được phép xuất khẩu sang Mỹ thông qua kế hoạch và xử lý bằng chiếu xạ được ký kết. Để xuất khẩu quả xoài tươi vào Mỹ, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu chính sau: Vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS cấp mã số để quản lý và truy suất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý với liều tối thiểu 400Gy; được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Ngoài ra, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng một số yêu cầu khác đã được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS thống nhất.
Được biết, hàng năm, Mỹ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại các bang Florida, Hawaii và một lượng nhỏ tại California và Texas.
Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng xoài nội địa của Mỹ.
Theo thống kê, diện tích trồng xoài của cả nước khoảng 87.000 ha, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu thì còn khiêm tốn và nằm ngoài tốp 10 nước xuất khẩu xoài.
Cùng với trái xoài, vú sữa cũng đã xuất khẩu sang Mỹ. Hiện tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu thu mua và xuất khẩu sang Mỹ 300 tấn trái vú sữa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cao gấp 3 lần so với năm trước.
Đây là năm thứ hai tỉnh Tiêng Giang được Mỹ cấp phép nhập khẩu trái vú sữa tươi. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 100 tấn trái vú sữa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm đúng tiêu chuẩn ngành chuyên môn phía Hoa Kỳ yêu cầu.
Hiện các doanh nghiệp thu mua vú sữa xuất khẩu tại vườn với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn giá thu mua thị trường từ 7.000 - 10.000 đồng/kg
Tỉnh Tiền Giang có khoảng 450 ha vú sữa với sản lượng 4.000 - 4.500 tấn/mỗi năm, tập trung tại các huyện vùng ngập lũ là: Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè; trong đó, trên 100 ha được ngành chuyên môn thẩm định và cấp mã code truy nguyên nguồn gốc trong chương trình “nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao