Tin nông nghiệp Thị trường rộng mở cho nuôi lươn thịt

Thị trường rộng mở cho nuôi lươn thịt

Author Trần Anh, publish date Thursday. September 12th, 2019

Thị trường rộng mở cho nuôi lươn thịt

Hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, do đó, các mô hình nông nghiệp thông minh tiết kiệm diện tích mà vẫn hiệu quả luôn rất được quan tâm. Mô hình nuôi lươn theo chuỗi liên kết đang khẳng định điều đó.

Giá lươn trung bình ở chợ đầu mối giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg

Nhiều chuyển biến

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 27 hộ nuôi lươn; với tổng số bể 778 bể/27 hộ nuôi (tương đương tổng diện tích nuôi 9.336 m2), trong đó diện tích mỗi bể nuôi biến động từ 4 - 8 m2, tính trung bình khoảng 6 m2/bể, cao 0,8 - 1 m, đa phần đều chuyển đổi từ chuồng nuôi heo, nuôi gà... Phần lớn diện tích nuôi tập trung tại huyện Củ Chi (xã Tân Phú Trung, An Nhơn Tây và Tân Thông Hội) khoảng 8.772 m2 tương đơn 94%, phần còn lại là tập trung tại các huyện Hoóc Môn, Bình Chánh và quận 12 với diện tích nuôi và tỷ trọng lần lượt là 360 m2 (3,9%), 120 m2 (1,3%), 84 m2 (0,9%).

Hiện nay, nguồn lươn thịt tại thị trường TP Hồ Chí Minh đều do chợ Bình Điền làm đầu mối cung ứng chủ lực. Trong đó, lươn thịt nhập chủ yếu từ các tỉnh như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh chiếm 97%; còn khoảng 3% có nguồn gốc nuôi tại thành phố (tương đương khoảng 194,5 tấn/năm). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ nguồn lươn thịt thương phẩm tại TP Hồ Chí Minh chiếm 40%, tương đương 2.304 tấn/năm. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nuôi lươn đem hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi heo, gà trên cùng một diện tích; khi heo bị dịch, có thể xem lươn là vật nuôi thay thế rất đáng chú ý.

Lươn thịt nuôi tại TP Hồ Chí Minh hiện chỉ đáp ứng được 3% tổng nhu cầu của thành phố, do đó thị trường rất rộng mở đối với người chăn nuôi lươn. Nuôi lươn còn có thể xuất khẩu đi nhiều nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là con giống; trước đây, lươn giống chủ yếu được bắt từ tự nhiên tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, gần đây có thêm lươn giống nhập từ Campuchia nhưng chỉ có theo mùa vụ, trong khi cả nước nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng chưa có những nghiên cứu và cơ sở nhân giống để cung cấp phục vụ sản xuất. Cùng đó, kinh nghiệm nuôi lươn cũng chưa có nhiều, phong trào chỉ khởi xướng từ những năm 2000.

Cơ hội xuất khẩu lớn

Thịt lươn được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là loại thực phẩm dễ tiêu hóa, đầy đủ dưỡng chất, phù hợp cho nhiều đối tượng sử dụng nên nhu cầu tiêu thụ lươn thịt ở nhiều quốc gia ngày càng tăng. Theo thống kê của Trademap.org CPTPP, các thị trường tiêu dùng nhiều thịt lươn hàng năm đều phải nhập khẩu số lượng lớn, điển hình như Hàn Quốc, nhập khẩu hơn 196 triệu USD, Hồng Kông (Trung Quốc) nhập khẩu hơn 170 triệu USD. Đáng chú ý, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 nước có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu lươn nhiều nhất thế giới, năm 2018 Việt Nam đã nhập khẩu 9,8 triệu USD lươn thịt từ Trung Quốc, Indonesia và Ma rốc.

Ông Võ Chí Cường, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố và các tỉnh thành lân cận hoàn toàn có thể phát triển ngành công nghiệp nuôi lươn, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.

Tuy vậy, đại diện Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho rằng, hiện khó khăn về con giống nên rất khó phát triển nghệ nuôi lươn, nhất là nuôi xuất khẩu; bên cạnh đó, để ngành nuôi lươn mang lại hiệu quả cao góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn và đảm bảo môi trường cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, cần có nguồn lươn giống tốt và nguồn thức ăn công nghiệp phù hợp chuyên cho lươn. Việc xử lý nguồn nước thải trong nuôi lươn theo hướng tuần hoàn hoặc tái sử dụng cho sản xuất nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành và các đơn vị nghiên cứu của thành phố. Người nuôi ở ngoại thành đều cho rằng các cơ quan khuyến nông cần thống nhất mô hình, nhân rộng mô hình nuôi lươn, bởi người dân chủ yếu theo kinh nghiệm, người này hướng dẫn người khác. Mà cần phải tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý tốt vùng nuôi; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Các doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ về giống và tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi để bà con yên tâm mở rộng sản xuất lươn.

Hiện giá lươn trung bình ở chợ đầu mối giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg; với diện tích bể nuôi 1.000 m2, có thể đạt lợi nhuận hơn 400 - 530 triệu đồng/năm. Trong bối cảnh rất nhiều hộ ở Củ Chi, Hoóc Môn ngừng nuôi lợn vì lo ngại dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ đã sử dụng trang trại lợn để nuôi lươn không bùn và mang lại hiệu quả khả quan.


Kinh nghiệm nuôi ngan Pháp thương phẩm hiệu quả cao Kinh nghiệm nuôi ngan Pháp thương phẩm hiệu… Cà chua, mướp đắng chung giàn Cà chua, mướp đắng chung giàn