Thị trường trái cây những ngày cuối năm Mậu Tuất
Giá thanh long và chuối xanh tăng cao, giảm thiểu xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết, thời điểm này giá thanh long tại vườn ở Bình Thuận bất ngờ tăng cao nhờ thị trường nội địa tiêu thụ mạnh, nhiều cơ sở không đủ nguồn cung.
Đầu tuần, hầu hết các vựa thanh long xuất khẩu quy mô lớn ở tỉnh Bình Thuận đã đóng cửa nghỉ Tết. Tuy nhiên, các cơ sở thu mua nhỏ lẻ cung ứng cho thị trường nội địa lại hoạt động mạnh hơn ngày thường. Thanh long cắt tại vườn được xe tải liên tục chở về các cơ sở đóng hàng nội địa dọc Quốc lộ 1 ở Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc để kịp đóng hàng chuyển đi các chợ đầu mối trong nước.
Chủ một cơ sở mua hàng nội địa ở Hàm Thuận Bắc cho biết, thanh long thị trường nội địa chủ yếu được vận chuyển chủ yếu qua các chuyến xe khách Bắc Nam. Cuối lứa chong đèn vụ Tết này sản lượng ít do ảnh hưởng thời tiết xấu, nên nguồn hàng trong những ngày cận Tết rất khan hiếm. Do đó, giá mua tại vườn được đẩy lên cao hơn so tuần trước từ 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Tuần trước, giá cũng chỉ trong khoảng 13.000 – 15.000 đồng/kg, nhưng những ngày cận Tết giá nâng lên từ 20.000 – 21.000 đồng/kg vì ở phía Bắc tiêu thụ tăng mạnh.
Theo các nhà vườn trồng thanh long ở Bình Thuận, sản xuất thanh long chong đèn nghịch vụ tốn kém nhiều chi phí so với vụ mùa. Do vậy, một kg thanh long trong vụ nghịch phải có giá từ 15.000 đồng trở lên, nông dân mới có lãi. Với giá bán từ 20.000 -21.000 đồng/kg như hiện nay, các chủ vườn đang có thanh long thu hoạch thu về lãi cao.
Cùng với thanh long, chuối xanh giá cũng bị đẩy lên trên 300.000 đồng/nải nhưng vẫn hút người mua.
Theo Tri thức trẻ, chuối xanh là món đồ quan trọng, không thể thiếu trong mâm ngũ quả. Những ngày cận Tết giá bán chuối xanh, đặc biệt là chuối tiêu xanh tại các chợ nội thành Hà Nội đã tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.
Từ ngày 23 đến ngày 27 tháng Chạp âm lịch là thời điểm nhu cầu mua sắm, bày biện mâm ngũ quả thắp hương ngày Tết tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều loại hoa quả như chuối xanh, bưởi, phật thủ, thanh long… liên tục bị đẩy giá cao gấp nhiều lần ngày thường. Tại chợ Nhổn, chợ Nghĩa Tân, chợ Mai Dịch, chợ Mễ Trì, chợ Phùng Khoang cho thấy, giá chuối xanh bị đẩy lên gấp 10 lần so với ngày thường. Nếu như ngày thường, chuối được rao bán với giá 20.000-30.000 đồng một nải thì nay đội lên 200.000-300.000 đồng.
Còn đắt nhất là các nải chuối lẻ, tức là số lượng quả trên một nải là số lẻ 15, 17, 19 quả. Những người bán hàng giải thích nải lẻ đắt vì hiếm, và nhiều người chuộng dùng các số lẻ trên bàn thờ cúng Tết. Các nải chuối xanh quả lẻ, có râu dài đẹp mắt có giá bán cao hơn nhiều lần loại chuối xanh quả chẵn, bởi theo quan niệm truyền thống, thắp hương các loại quả có số lượng lẻ sẽ mang đến may mắn cho cả năm.
Một nải chuối xanh quả lẻ có giá bán từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng/nải, tùy theo kích thước quả. Tại chợ Nhổn, chợ NghĩaTân, chợ Mai Dịch…, những nải chuối xanh quả lẻ, loại to, quả đều, gồm từ 19 đến 21 quả được người bán nói giá từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/nải.
Đây là mức giá làm nhiều người tiêu dùng chóng mặt vì vào ngày rằm, mùng một bình thường, một nải chuối xanh loại đẹp cũng chỉ có giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng.
Một điểm chung của những hàng chuối Tết là người bán hiếm khi giảm giá, kể cả khi khách chỉ mặc cả giảm chút ít.
Không chỉ chuối, giá các loại hoa quả chuyên dùng để cúng Tết tăng giá khá mạnh những ngày gần đây.
Trước việc Trung Quốc tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu, để giảm thiểu rủi ro xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu dưa hấu chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc.
Theo Bộ Công Thương, diện tích trồng dưa hấu tại Trung Quốc hiện nay đạt khoảng 2 triệu ha, chiếm tỉ trọng 10% tổng diện tích trồng cây ăn quả, rau màu của cả nước. Sản lượng bình quân khoảng 73 - 75 triệu tấn/năm.
Hiện nay có 22/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc có diện tích canh tác dưa hấu. Đáng chú ý, các điểm sản xuất nhỏ lẻ nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng đang được thay thế bằng những vùng trồng lớn, có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Các chuyên gia nước này coi đây là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại; vừa có thể áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong sản xuất, giúp tăng năng suất và sản lượng; vừa đảm bảo chất lượng và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc kéo dài từ cuối tháng 4 đến khoảng tháng 9 hàng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam. Do đó, thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Về thói quen tiêu dùng, dưa hấu tươi tại Trung Quốc thường được dùng làm thức ăn tráng miệng hoặc ép làm nước quả. Trước đây, người Trung Quốc thường ưa dùng dưa hấu trong mùa hè để thanh nhiệt giải độc.
Tuy nhiên, do điều kiện sinh hoạt ngày càng được nâng cao, nhu cầu ngày càng đa dạng và có xu hướng thích sử dụng dưa hấu vào dịp Tết Nguyên đán do dưa hấu có màu đỏ, màu của sự may mắn theo quan niệm của người dân địa phương.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng thường lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3 - 4kg/quả.Chủng loại được người tiêu dùng Trung Quốc ưa dùng là Hắc mỹ nhân.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, lượng dưa hấu nhập khẩu từ năm 2014 đến đầu năm 2018 bình quân đạt khoảng trên 200.000 tấn/năm với kim ngạch đạt khoảng 30 triệu USD, song có xu hướng giảm.
Theo đó, năm 2017, quốc gia này nhập khẩu 188.320 tấn dưa hấu, đạt 31,86 triệu USD, giảm 7,78% về lượng và 2,81% về kim ngạch. Hiện nay, ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu dưa hấu từ Malaysia và Mianma.
Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng, trong đó có dưa hấu.
Các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu cũng cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.
Ngoài ra, theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh, Hải quan Quảng Tây gần đây đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấ bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm từ tháng 5/2019. Trước đây, Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng rơm rong.
Về quy định truy xuất nguồn gốc, kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu.
Thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng,cơ sở đóng gói…Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.
Đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm. Nhưng nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải “Danh sách các vườn trồng 8 loại trái cây” (gồm chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, xoài, dưa hấu, chuối và dứa) và “Danh sách các cơ sở đóng gói của Việt Nam” được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc trên hệ thống thông tin của cơ quan này.
Các quy định tương tự như của Trung Quốc cũng đã và đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân xuất khẩu nông sản, trái cây Việt Nam, bao gồm cả bạn hàng của họ là các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện.
Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc.
Điều này nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc.
Trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong Danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn cụ thể.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao