Thời vụ và kỹ thuật chăm sóc lúa Japonica vụ mùa
Việc bố trí thời vụ và hướng dẫn kỹ thuật đối với các giống lúa Japonica nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết bất thuận trong vụ mùa.
Cấy lúa cần đảm bảo mật độ, thông thoáng. Ảnh: NNVN.
Để đảm thắng lợi trong sản xuất lúa Japonica (lúa Nhật) Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc trong vụ mùa như sau:
I. Thời vụ:
Các giống lúa Japonica có nguồn gốc từ vùng ôn đới, nên ưa lạnh. Do vậy trong vụ Mùa nên gieo cấy trà lúa mùa muộn để lúa trỗ vào thời điểm thời tiết mát mẻ: Gieo mạ từ 15 – 25/6, cấy xong trước ngày 15/7.
II. Kỹ thuật cấy:
Cấy khi tuổi mạ đạt từ 12 – 15 ngày, mật độ 30 - 35 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm, cấy nông tay, thẳng hàng để cây lúa nhận được nhiều ánh sáng nhất, đẻ nhánh, quang hợp tốt và dễ dàng chăm sóc.
III. Chăm sóc lúa:
1. Bón phân
- Bón lót trước cấy: 40 – 50 kg phân hữu cơ vi sinh + 20 kg lân supe Lâm Thao + 30% lượng đạm urê (tương đương 1,5 – 2kg/sào Bắc bộ).
- Bón thúc để nhánh sớm: Sau cấy chỉ 4 - 5 ngày, cây lúa bén rễ hồi xanh và bắt đầu ra lá mới, sau 7 - 10 ngày đã bắt đầu đẻ nhánh nên cây lúa có nhu cầu sớm về dinh dưỡng để đẻ nhánh; mặt khác các nhánh đẻ sớm vào thời điểm này sẽ tạo thành những dảnh hữu hiệu, làm tăng số bông/khóm. Cụ thể:
Thông thường sau cấy khoảng 4 - 5 ngày tiến hành bón phân thúc đẻ nhánh: Đối với chân vàn, nếu bón phân đơn thì bón 60% lượng lượng đạm urê + 30% lượng Kaliclorua tương đương (3 – 3,5kg đạm urê/sào + 1,5 – 2 kg Kali/sào), với chân ruộng trũng cần giảm lượng phân và chân cao có thể tăng thêm lượng phân cho phù hợp; kết hợp với sục bùn, làm cỏ với tác dụng: Trộn vùi phân với bùn, hạn chế mất phân do bốc hơi (nắng nóng) hay rửa trôi; sục bùn còn hạn chế cỏ dại, kích thích sự ra rễ và đẻ nhánh của lúa. Nếu ruộng chủ động tưới tiêu, sau bón phân từ 7- 10 ngày nên rút cạn nước, chỉ để ruộng vừa đủ ẩm nhằm kích thích rễ lúa mọc dài, lan rộng và cắm sâu vào đất.
Với lúa gieo sạ: Bà con nông dân cần tiến hành dặm tỉa khi cây đạt 2-3 lá để đảm bảo mật độ, kết hợp bón thúc đẻ nhánh như trên và tiến hành điều tiết nước như trên.
- Bón thúc đòng: Khi lúa đứng cái, làm đòng (bóc đòng non dài 0,2cm): 10% lượng đạm urê + 70 lượng Kaliclorua (tương đương (0,5kg đạm urê/sào + 3,5 – 4,5kg kali/sào).
2. Điều tiết nước
a. Giữ nước
- Lần 1: Từ khi cấy đến sau khi bón thúc đẻ nhánh 3 -4 ngày, giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 1 - 2 cm.
- Lần 2: Từ khi lúa phân hoá đòng (đứng cái) đến khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước thu hoạch khoảng 15 ngày. Giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 3 cm.
b. Rút nước
- Lần 1: Sau khi bón phân thúc đẻ nhánh 3- 4 ngày đến khi lúa phân hóa đòng (đứng cái). Rút kiệt nước, để ruộng cạn liên tục ở mức độ đi vào ruộng chỉ hơi lún đất không bị lấm chân.
- Lần 2: Từ khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước khi thu hoạch 15 ngày đến khi thu hoạch, rút can nước trên ruộng.
(Những nơi chủ động tưới nước nên giữ cho ruộng đủ ẩm, không cần giữ nước trên mặt ruộng)
3. Phòng tránh bệnh nghẹt rễ sinh lý, ngộ độc hữu cơ vụ mùa:
Hiện phần lớn rơm rạ sau thu hoạch vụ xuân đều để lại ruộng, nếu không xử lý tốt sẽ làm lúa bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ chậm phát triển thậm chí bị chết.
Để giảm thiểu mối nguy hại này, sau gieo cấy cần bổ sung vào đất lúc cày bừa ngả một trong những chế phẩm sau: Vôi tả (20 kg/sào), chế phẩm vi sinh AT-YTB, Pennat P, chế phẩm Tricodecma hoặc phân bón vi sinh đa chủng Azotobacterin, lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.
Môi trường dễ gây ngộ độc hữu cơ là yếm khí vì vậy ruộng lúa non cần phải được tưới nước và để lộ ruộng xen kẽ. Cụ thể:
- Đối với lúa cấy: Cần thường xuyên giữ mức nước từ 1 - 2 cm từ khi cấy đến sau khi bón thúc đẻ nhánh 3 – 4 ngày, sau đó rút nước để lộ ruộng nhằm tăng cường oxy lưu thông và giảm axit độc sản sinh do rơm rạ phân hủy. Nếu lúa chậm bén rễ hồi xanh và có triệu chứng của ngộ độc hữu cơ (lá vàng, rễ thâm đen, cây ngừng phát triển) thì cần tháo cạn nước ruộng, bón thêm vôi tả hoặc lân bột (10 – 15kg/sào) và sục bùn cho oxy lưu thông vào đất, kết hợp sử dụng các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho cây lúa như: DANA 08 - Siêu lân pha 25 ml/bình 16 lít nước, SOGAN pha 10ml/bình 10 lít nước phun ướt đều mặt lá.
- Đối với lúa gieo thẳng: Chỉ cần giữ ẩm cho ruộng và để lộ ruộng khoảng 2 - 3 ngày sau gieo. Tiếp đó tưới nước láng mặt ruộng xen kẽ có ngày để lộ ruộng, có thể sử dụng các loại phân bón siêu ra rễ để lúa non phát triển thuận lợi hơn.
4. Kiểm tra phát hiện sớm và phòng trừ một số đối tượng, sâu bệnh:
- Ốc bươu vàng: Gây hại trên lúa giai đoạn mới cấy đến bén rễ hồi xanh và trên lúa gieo sạ; Ốc cắn ngang thân, làm mất khoảng, tốn công cấy dặm, ảnh hưởng đến năng suất lúa sau này. Áp dụng các biện pháp thủ công bắt ốc, thu gom ổ trứng để tiêu diệt; Trên những ruộng có mật độ ốc cao, chủ động nước có thể sử dụng một trong các loại thuốc trừ ốc như: Pazol 700WP, Boxer 15 GR, StarPumper 800WP... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Chuột hại: Cần áp dụng các biện pháp diệt chuột như bẫy, bả một cách đồng bộ để tiêu diệt ngay từ đầu vụ.
Ngoài ra, cần chú ý theo dõi, điều tra và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại sớm như sâu cuốn lá nhỏ, châu chấu, sâu đục thân…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao