Thu Hoạch Mía Đầu Vụ Nông Dân Phấn Khởi Vì Chữ Đường Tăng Đột Biến
Khi chuẩn bị vào vụ chế biến mía đường 2013-2014, hầu hết nông dân trồng mía tỏ ra không vui khi các nhà máy công bố chính sách thu mua với giá thấp hơn vụ trước gần 10%. Một số người trồng mía dự tính sau khi thu hoạch xong sẽ chuyển sang trồng mì.
Tuy nhiên, sau khoảng nửa tháng thu hoạch mía đưa về nhà máy, cả nhà máy lẫn nông dân đều thấy phấn khởi hẳn lên. Bởi chữ đường thực tế đo được từ đầu vụ năm nay cao hơn rất nhiều so với những năm trước.
Ông Phạm Công Hải- Giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà - Tây Ninh cho biết, những năm trước đây, thời gian đầu vụ thu hoạch, cây mía ở Tây Ninh chỉ cho chữ đường bình quân khoảng hơn 7 CCS mà thôi. Thế nhưng vụ này, ngay từ đầu vụ, chữ đường thực tế mà nhà máy đo được bình quân lên đến hơn 9 CCS- cao hơn chữ đường bình quân cùng kỳ của những năm trước khoảng 2 CCS.
Trong đó có một số đám mía đạt chữ đường trên 10 CCS. Với mức tăng “đột biến” như vậy sẽ có nhiều nông dân bán mía được giá cao hơn năm rồi. Vào thời điểm giữa và cuối vụ, chữ đường cây mía sẽ cao hơn đầu vụ và thu nhập người trồng mía còn tăng cao hơn nữa.
Nhà máy đường 9.800 tấn mía/ngày của Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) vào vụ từ ngày 27.11.2013. Sau nửa tháng thu hoạch mía đưa về nhà máy, kết quả đo chữ đường thực tế cũng đạt rất cao. Theo lãnh đạo Công ty SBT, tính đến ngày 10.12, chữ đường bình quân thực tế lượng mía đưa về nhà máy đạt đến 9,39 CCS- cao hơn cùng kỳ vụ trước khoảng 2 CCS. Cụ thể vụ trước, hơn 10 ngày đầu vụ, lượng mía có chữ đường thực tế thấp dưới 8 CCS chiếm tỷ lệ đến gần 54% (vụ này chỉ có hơn 10%); sản lượng mía có chữ đường cao từ 9 CCS trở lên chỉ chiếm có hơn 16% (vụ này lên đến hơn 62%).
Như vậy, trong gần 2 tuần đầu vụ, vùng nguyên liệu mía do Công ty đầu tư có đến hơn 60% sản lượng mía đạt chữ đường trên 9 CCS. Đây là con số khá lý tưởng mà nhiều năm trước đây Tây Ninh chưa từng đạt được. Với mức tăng chữ đường như hiện nay, bình quân mỗi tấn mía nông dân sẽ thu thêm hơn 100.000 đồng.
Vì sao chữ đường năm nay tăng cao như vậy? Giáo sư Tiến sĩ (GS.TS) Võ Tòng Xuân- Cố vấn kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng mía đường TTC thuộc Công ty SBT nhận định: đó là do tác động từ nhiều phía.
Trước tiên là về thời tiết, trong giai đoạn này, ở Tây Ninh ngày nắng nóng, đêm se lạnh, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn tạo điều kiện cho cây mía tích đường mạnh, từ đó chữ đường tăng. Hơn nữa, năm nay hai nhà máy đường lớn ở Tây Ninh vào vụ muộn hơn năm trước khoảng 20 ngày, trong thời gian này cây mía phát triển đủ độ chín, chữ đường trong cây mía khi thu hoạch đạt tối đa.
Chữ đường tăng cao còn do các khâu canh tác mía được áp dụng khoa học hơn. Cũng theo GS.TS Võ Tòng Xuân, vụ mía này, qua khuyến cáo của nhà máy, bà con trồng mía đã thay đổi dần tập quán, bắt đầu chú ý canh tác theo hướng tập trung nâng cao chữ đường cho cây mía.
Cụ thể như ở giai đoạn trồng và chăm sóc, bà con đã biết kết thúc bón phân lần cuối vào khoảng tháng 6, không bón trễ qua tháng 7, tháng 8 để “rước ngọn” như những năm trước, giúp cây mía có thời gian tích trữ đường ở mức cao nhất có thể.
Bởi giai đoạn sau tháng 6, lượng đạm không những không còn tác dụng nâng cao chữ đường trong cây mía nữa mà còn hạn chế cây mía tích đường do chỉ tập trung phát triển mầm mía mà thôi. Mầm mía chẳng những không có giá trị về sản lượng và chữ đường mà có khi còn làm tăng tỷ lệ tạp chất nếu như trộn lẫn vào mía cây đưa về nhà máy.
Một nguyên nhân khá quan trọng nữa góp phần tăng chữ đường cây mía trong vụ này là do kỹ thuật thu hoạch mía. GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, thói quen từ trước đến nay của nhân công thu hoạch mía ở Tây Ninh là khi chặt mía còn chừa gốc cao hơn mặt đất khoảng 1 tấc. Đây là sự lãng phí không nhỏ, gây mất mát đáng kể cho nông dân. Bởi vì chữ đường phần gốc là cao nhất trong cây mía- có khi lên đến 15 CCS, nên khi bỏ phần này, chữ đường bình quân của cả cây mía sẽ giảm xuống.
Hơn nữa, việc bỏ 1 tấc phần gốc mía cũng sẽ làm sản lượng mía giảm đáng kể. Do đó, vụ thu hoạch này, các nhà máy chủ trương khuyến khích nhân công chặt sát gốc mía, từ đó đã góp phần làm chữ đường và sản lượng cây mía tăng lên. Theo tính toán, khi chặt mía sát gốc, mỗi ha nông dân sẽ thu thêm được 4 tấn mía với chữ đường trên 10 CCS - tương đương với số tiền là 4 triệu đồng; đồng thời còn giúp cho mía năm sau tái sinh mạnh hơn.
Nói tóm lại, theo phân tích của GS.TS Võ Tòng Xuân: việc chữ đường cây mía vụ này tăng cao là do có nhiều tác động - cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, những tác động chủ quan như việc nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng đúng quy trình sản xuất, chặt mía sát gốc... để nâng cao sản lượng và chữ đường mới là căn cơ trong việc phát triển cây mía ở Tây Ninh.
Chỉ qua một vài năm tăng cường phổ biến kỹ thuật canh tác, áp dụng kỹ thuật thu hoạch mía mà mức chữ đường bình quân đầu vụ đã tăng rất đáng kể so với trước đây, qua đó cho thấy rất có hy vọng chữ đường cây mía sẽ tiếp tục tăng trong những vụ sau.
Nếu cứ tiếp tục đầu tư cho cây mía tăng sản lượng như vài năm gần đây và tăng chữ đường như trong vụ này thì không bao lâu nữa, người trồng mía sẽ có thu nhập cao, cây mía sẽ đủ sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác để phát triển bền vững và ngành mía đường Tây Ninh có cơ hội vươn lên, xứng tầm vóc một “thủ đô mía đường” của cả nước.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao