Mô hình kinh tế Thu Hút Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Chế Biến Nông, Lâm Sản Cần Hoàn Thiện Chính Sách Để Hỗ Trợ Doanh Nghiệp

Thu Hút Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Chế Biến Nông, Lâm Sản Cần Hoàn Thiện Chính Sách Để Hỗ Trợ Doanh Nghiệp

Publish date Tuesday. August 12th, 2014

Thu Hút Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Chế Biến Nông, Lâm Sản Cần Hoàn Thiện Chính Sách Để Hỗ Trợ Doanh Nghiệp

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong thời kỳ suy thoái kinh tế” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư) tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, nhận định, dù tỉnh có nhiều lợi thế nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Nhiều lợi thế thu hút đầu tư

Theo Đoàn nghiên cứu gồm các chuyên gia kinh tế là giảng viên của Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) thì tỉnh có nhiều lợi thế khai thác để phát triển sản xuất và chế biến nông, lâm sản. Lĩnh vực này đã và đang được các DNVVN “nhắm” đến đầu tư.

Các lợi thế về địa hình, khí hậu, thủy văn và tài nguyên đất, nước… dồi dào, đa dạng, phong phú thích hợp cho phát triển cây lương thực, công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… thực sự tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia kinh tế đã tiến hành khảo sát 69 nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh với câu hỏi “Hãy cho biết 3 yếu tố quan trọng nhất khiến công ty quyết định đầu tư vào Đắk Nông” cho thấy có 58 nhà đầu tư chọn yếu tố nguồn nông sản, 52 nhà đầu tư chọn yếu tố khí hậu, 49 nhà đầu tư chọn yếu tố đất đai và 37 chọn yếu tố khoáng sản.

Một khảo sát khác đối với 78 doanh nghiệp thì các yếu tố liên quan đến nguồn tài nguyên được các nhà đầu tư đánh giá lợi thế cạnh tranh của tỉnh về tài nguyên đất đai, khí hậu ở mức khá. Đặc biệt, trong số 25 tiêu chí thì tài nguyên về đất đai được các nhà đầu tư đánh giá cao thứ 2.

Nhưng thực thi chính sách còn nhiều hạn chế

Trên cơ sở khảo sát các DNVVN đầu tư vào tỉnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng các lợi thế và chính sách ưu đãi của tỉnh đã có những tác động tích cực đối với hoạt động thu hút đầu tư. Mức độ đánh giá những chính sách ưu đãi dành cho các dự án kêu gọi đầu tư đã ảnh hưởng đến quyết định đầu tư là đạt mức khá.

Tuy nhiên, tính tích cực này chỉ có tác dụng tạm thời và còn thiếu tính bền vững vì thực thi chính sách trong thực tế còn nhiều hạn chế  và điều này đang trở thành “rào cản” khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. Cụ thể, kết quả phỏng vấn chiều sâu đối với 26 chủ doanh nghiệp cho thấy có tới 25 doanh  nghiệp cho rằng họ thiếu lòng tin vào khả năng thực hiện cam kết ưu đãi của tỉnh đối với lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng một số chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh còn mang tính “tượng trưng” chứ tính thực tế chưa cao, khó trở thành lợi thế. Chẳng hạn như chất lượng quy hoạch và quản lý theo quy hoạch chưa được hỗ trợ bởi các giải pháp đồng bộ hiệu quả khác.

Đơn cử như phần lớn các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều cần quỹ đất lớn nhưng quỹ đất hiện nay còn manh mún, không liền canh, tình trạng xâm canh chưa được giải quyết triệt để, chính sách đền bù, thủ tục giải phóng mặt bằng và xác định giá thuê đất còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thiếu thực tế.

Các thủ tục hành chính liên quan chưa giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Bên cạnh đó, tỉnh thiếu sự hỗ trợ trong xúc tiến thương mại tìm đầu ra sản phẩm, tổ chức thông tin thị trường để giảm bớt rủi ro. Hầu hết DNVVN chưa xác định được tầm quan trọng của chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất.

Hạ tầng giao thông kém, chi phí vận chuyển cao, nguồn nguyên liệu tại chỗ không ổn định, tình trạng đầu cơ giá nguyên liệu phổ biến điều này gây ra những rủi ro lớn cho DNVVN. Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản thiếu nguyên liệu trong dài hạn trong khi đó thì quy hoạch phát triển các ngành có chất lượng chưa cao nên khiến doanh nghiệp lo lắng.

Các  DNVVN chưa xác định được tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, ổn định nguồn cung nguyên liệu qua các khâu sản xuất, thực hiện các hợp đồng lớn, xây dựng thương hiệu, chủ động thích ứng với biến động của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh lại thiếu vai trò “nhạc trưởng” trong việc định hướng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản cho các DNVVN nhằm nâng cao nội lực cho doanh nghiệp và giá trị gia tăng cho các sản phẩm.

Và cần hoàn thiện chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp

Cũng theo các chuyên gia kinh tế thì trong tỉnh thời gian qua nguồn vốn hoạt động của các DNVVN chủ yếu dựa vào vốn vay từ các ngân hàng thương mại nhưng việc tiếp cận cũng không dễ dàng.

Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các ngân hàng thương mại đầu tư vào tỉnh cũng như mở rộng quy mô hoạt động, tăng mức dư nợ tín dụng và ưu tiên nguồn vốn cho các DNVVN trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông, lâm sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các nguồn vốn ưu đãi lãi suất, thời hạn vay dài, có chính sách hỗ trợ vay vốn không lãi suất khi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên của tỉnh trong thời hạn nhất định.

Mặt khác, các ngân hàng cần cải cách thủ tục cho vay và nới lỏng các tiêu chí, hình thức bảo lãnh để DNVVN tiếp cận và có thể cho vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, tỉnh cần nâng cao hiệu quả của các quỹ tín dụng nhằm hỗ trợ DNVVN đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm sản.

Một vấn đề khác nữa là mặc dù tỉnh có nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến nông, lâm sản nhưng không bền vững nên doanh nghiệp vẫn phải nhập từ nơi khác về. Vì vậy, tỉnh cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cải cách thủ tục hành chính để giúp DNVVN giảm được chi phí, nhất là những thủ tục liên quan đến thuế, môi trường và đất đai…

Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ DNVVN về kỹ thuật chọn giống cây trồng vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh dịch để đạt năng suất, giá trị cao và chuyển giao rộng rãi trong nhân dân. Hỗ trợ DNVVN về đào tạo nguồn nhân lực để tránh tình trạng công nhân chạy theo mùa vụ khiến họ gặp khó khăn trong sản xuất.

Hoạt động hỗ trợ DNVVN tiếp cận thông tin thị trường và pháp lý và cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường tiềm năng để doanh nghiệp có thể tham khảo khi muốn gia nhập vào các thị trường này cũng cần được tăng cường.


Liên Kết Giữa Doanh Nghiệp - Nông Dân Lo Chữ Tín Liên Kết Giữa Doanh Nghiệp - Nông Dân… Thị Xã Bắc Kạn 30ha Rừng Mỡ Bị Sâu Ong Gây Hại Thị Xã Bắc Kạn 30ha Rừng Mỡ Bị…