Tin thủy sản Thử nghiệm thành công nuôi cá bè quỵt lồng bè tại Kiên Giang

Thử nghiệm thành công nuôi cá bè quỵt lồng bè tại Kiên Giang

Author Huyền Linh, publish date Sunday. January 19th, 2020

Thử nghiệm thành công nuôi cá bè quỵt lồng bè tại Kiên Giang

Huyện Kiên Lương có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Để mở rộng các mô hình đạt hiệu quả, phát triển kinh tế nông hộ, ổn định sinh kế cho người dân, việc đưa vào thử nghiệm nuôi các giống thủy sản mới là vô cùng cần thiết. Việc nuôi thành công cá bè quỵt mới đây tạo thêm động lực cho các đơn vị chức năng và người nuôi.

Cá bè quỵt là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao - Ảnh: ST

Đặc điểm

Cá bè quỵt (cá khế vây vàng, cá bè cụp, cá vẩu…) có tên khoa học là Caranx ignobilis (Forsskal, 1775), là đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bệnh; có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường có biên độ độ mặn dao động lớn. 

Hiện, cá bè quỵt là đối tượng được nuôi ở nhiều vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang… Nguồn cá giống khá phong phú từ đánh bắt từ tự nhiên, sinh sản tự nhiên từ cá bố mẹ bắt ngoài tự nhiên và giống sản xuất nhân tạo.

Nuôi thành công tại Kiên Lương

Tháng 6/2018, Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang phối hợp Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương thực hiện nuôi thử nghiệm cá bè quỵt tại hai hộ ông Nguyễn Ngọc Thành và Trịnh Văn Bình (ấp Hòn Heo, xã đảo Sơn Hải). 

Con giống mua từ Nha Trang về ương vèo, được thuần hóa nhiệt độ và độ mặn bằng phương pháp đổ nước biển tại bè vào thùng chứa cá giống khoảng 10 phút, nếu cá bơi khỏe sẽ tiến hành thả, khi thả cá có kích thước 8 - 10 cm, mật độ thả 850 con/lồng 50 m3. Kết quả, sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 1,6 - 1,8 kg/con, được thương lái thu mua với giá 140.000 đồng/kg, người nuôi lãi hàng chục triệu đồng mỗi lồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, một hộ tham gia mô hình cho biết, cà bè quỵt tương đối dễ nuôi, thức ăn là các loài cá tạp dễ đánh bắt tại vùng biển địa phương như cá cơm, lâm, liệt…; trong quá trình nuôi áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức khỏe và khả năng tiêu hóa của cá. Sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 1,8 kg/con, ông thu về hơn 1,4 tấn cá, giá bán 140.000 đồng/kg, trừ chi phí, còn lãi gần 42 triệu đồng/lồng.

Mô hình thành công góp phần cho việc đa dạng hóa đối tượng nuôi lồng bè trên biển tại Kiên Lương, giúp tăng sản lượng cá nuôi và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Vì vậy, cần nhân rộng mô hình để nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân.


Nuôi tôm công nghiệp RAS trên cạn tại Israel Nuôi tôm công nghiệp RAS trên cạn tại… Một số biện pháp phòng, chống dịch EHP tại các cơ sở sản xuất tôm giống Một số biện pháp phòng, chống dịch EHP…