Tin nông nghiệp Thu nhập cao từ trồng môn và khổ qua

Thu nhập cao từ trồng môn và khổ qua

Author Việt Quang, publish date Thursday. April 19th, 2018

Thu nhập cao từ trồng môn và khổ qua

Trồng môn và khổ qua đã đem lại cho gia đình ông Nguyễn Xô ở thôn Long Hội, xã Bình Phú (Thăng Bình) 150 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình trồng môn của gia đình ông Nguyễn Xô - Ảnh: Việt Quang

Trồng lúa rồi chuyển qua chăn nuôi trâu bò cho đến heo gà... gia đình ông Nguyễn Xô vẫn quẩn quanh với cái nghèo vì đầu ra bấp bênh. Năm 2015, ông Xô quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng trồng môn và khổ qua. “Cây môn bây giờ ít người trồng vì loại cây này kén đất, kén nước, sản lượng và năng suất giảm. Còn cây khổ qua thì đem lại giá trị rất cao vào những lúc thị trường khan hiếm hàng hóa. Hai loại cây này thích hợp với thổ nhưỡng nên tôi chọn lựa trồng trọt trái vụ” - ông Xô nói. Sau khi thử nghiệm trồng 2 loại cây trên với các loại đất khác nhau, ông Xô quyết định trồng trên đất thịt nhẹ. Theo đó, ông Xô thiết kế hệ thống thủy lợi riêng, dẫn nước về 2 khu vực trồng trọt để tăng độ ẩm cho đất. Người dân này đã tận dụng rơm rạ, phân hữu cơ sẵn có để chăm sóc cho cây phát triển mỡ màng. Công tác phòng trừ các loại sâu bệnh cũng được ông đầu tư bài bản.

Tận dụng ưu điểm đất thịt giữ nước tốt mùa nắng và ít sạt lở mùa mưa, ông Xô trồng môn và khổ qua vào những thời điểm người dân nghỉ vụ. “Cây trồng phát triển nhanh, ra củ, ra quả tốt nhờ gia đình tôi chuyên cần, làm đất thật kỹ. Để hạn chế tác hại của thời tiết, tôi lót bạt 2 bên luống trồng để che nắng, che mưa, giữ ấm và tránh phân bón thất thoát ra bên ngoài” - ông Xô nói. Thông thường, sau khi trồng chừng 5 tháng, nhận thấy lá có dấu hiệu chuyển sang màu vàng đậm thì ông Xô thu hoạch môn hương. Theo ông Xô, nếu thương lái hối thúc sản phẩm, phải thu hoạch nhanh đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ khi lá môn vẫn còn xanh thì không cắt ngay lá mà để nguyên cả cây như vậy giao bán. Trong thời gian tiếp theo, củ môn hương sẽ chín thêm và cho độ ngọt bùi mỹ mãn. “Đối với khổ qua, trong quá trình chăm sóc cần tỉa bỏ những quả có dấu hiệu chậm phát triển. Sau khi gieo khoảng 40 ngày thì có thể thu hoạch, cần hái khi quả bắt đầu chín để đạt cả năng suất và chất lượng. Muốn có được lợi nhuận cao thì thận trọng trong từng giai đoạn, nhất là lúc gieo trồng. Ngoài ra, thường xuyên theo dõi, khống chế dịch bệnh, thúc cho cây sinh trưởng tốt” - ông Xô cho biết.

Canh tác 1ha, mỗi năm bình quân gia đình ông Nguyễn Xô bán 9 tấn môn, thu được xấp xỉ 90 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Với 8 sào đất trồng khổ qua, mỗi năm, gia đình thu hoạch 18 tấn, lãi được 60 triệu đồng. Từ trồng môn và khổ qua, gia đình ông Nguyễn Xô đã thoát nghèo và là nông hộ có thu nhập khá của xã Bình Phú. “Ông Nguyễn Xô là nông dân giỏi tại địa phương. Nhờ vào sự chịu khó, chuyên cần, chăm chút trồng trọt mà gia đình có điều kiện kinh tế ngày một khấm khá, qua đó nuôi dưỡng con cái học hành đàng hoàng”, ông Trương Kim Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Phú nói.


Cơ giới hóa trong sản xuất đậu phụng giúp tiết kiệm hơn 16 triệu đồng/ha Cơ giới hóa trong sản xuất đậu phụng… ĐBSCL: Chuyển giao 2 giống lúa mới chịu được độ mặn cao ĐBSCL: Chuyển giao 2 giống lúa mới chịu…