Thu Nhập Khá Từ Nghề Nuôi Ong Lấy Mật
Hiệu quả kinh tế từ nuôi ong lấy mật mang lại đã khiến nhiều hộ gia đình xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) nỗ lực phát triển đàn ong để nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng thương hiệu mật ong miền tây Quảng Bình.
Thuận Hóa là xã miền núi của huyện Tuyên Hóa. Là nơi có điều kiện phát triển nghề nuôi ong rất tốt vì có thể tận dụng được môi trường thiên nhiên với nguồn thức ăn phong phú cho đàn ong. Hiện nay, toàn xã có 32 hộ nuôi ong với 230 đàn, mỗi năm cho sản lượng 1.544 kg mật, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong xã.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của ông Nguyễn Quyết Thắng, thôn Thượng Lào (Thuận Hóa). Ông hiện là Chủ tịch Hội nuôi ong xã Thuận Hóa, giảng viên của Hội nuôi ong huyện Tuyên Hóa, đồng thời là người đã có kinh nghiệm nuôi ong lấy mật gần 18 năm nay.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thắng cho biết: Với lợi thế đất rộng, xung quanh nhà nhiều rừng, nhiều cây ăn quả rất thuận lợi cho việc nuôi ong, lúc mới nuôi, tôi chỉ nuôi một vài đàn để phục vụ cho gia đình, sau đó nhận thấy nhu cầu dùng mật ong trên thị trường rất lớn, nên tôi đã nhân giống thành nhiều đàn để phát triển kinh tế từ nghề này. Hàng năm, gia đình tôi nuôi từ 15 đến 20 đàn ong, mỗi đàn cho 20kg mật/năm.
Ban đầu, do nuôi theo cách thủ công, chưa có kỹ thuật nên trong quá trình nuôi ông Thắng đã gặp rất nhiều khó khăn, cộng thêm thời tiết ở Tuyên Hóa khá khắc nghiệt nên trong quá trình nuôi, ong thường bị chết, bị một số loài ong lớn đến tấn công, vì vậy sản lượng mật rất thấp.
Sau vài năm đúc rút được kinh nghiệm, tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, ông Thắng đã trụ vững với nghề nuôi ong. Ông cho hay, để nuôi được con ong thì không phải nuôi theo bản năng, mà cần có kỹ thuật và có chuyên gia hướng dẫn, phải thực sự chịu khó thì mới bám được với nghề này.
Theo kinh nghiệm của ông Thắng, thời tiết ở Quảng Bình không phù hợp để tạo ong giống, nếu làm không cẩn thận thì không thể tách đàn ra được. Tốt nhất là người nuôi nên lấy giống ở các tỉnh phía Bắc về nuôi, sau đó nhân đàn lên.
Thường thì cứ đến mùa thu, đàn ong phải được sáp nhập lại để chống chọi với mưa rét, đông quân mới mạnh tướng, nếu không sáp nhập, ong thường bị chết rét, không đủ ăn trong mùa đông. Ra tết, khoảng đầu tháng 2 âm lịch, khi thời tiết nắng lên, phải nhân đàn ong ra để chúng tự đi tìm hoa, lấy mật và lúc này người nuôi cũng bắt đầu thu hoạch mật ong.
Khi chúng tôi hỏi thêm về bí quyết của nghề nuôi ong, ông Thắng chỉ cười rồi nói: “Chẳng có bí quyết gì đâu. Ai nuôi ong cũng được cả. Chỉ có điều trước khi xác định nuôi nó, mình phải am hiểu kỹ thuật, hiểu tính ong và chọn cho nó khoảng vườn thích hợp là được. Ong mật có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như: thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ.
Người nuôi ong phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng bảo đảm khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất mật cao, chất lượng. Ong cũng thường hay bị bệnh nếu được chăm sóc không tốt. Một số chứng bệnh thường gặp của ong như bệnh thối trùng, bệnh cúm giò...”.
Ông Nguyễn Xuân Các, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa cho biết: Với lợi thế về nguồn thức ăn từ hoa rừng, nghề nuôi ong lấy mật đã phát triển rất nhanh chóng, trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao, đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình trong xã. Tuy nhiên, người nuôi ong vẫn còn gặp nhiều khó khăn như đầu ra cho sản phẩm, nguồn vốn, kiến thức về kỹ thuật nuôi ong...
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu bản địa và phát triển (CIRD) đang tạo dựng thương hiệu mật ong “Miền tây Quảng Bình”, Thuận Hóa là một trong 4 xã của huyện Tuyên Hóa góp phần giúp thương hiệu ngày càng được nhiều người biết đến.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao