Thu nửa tỷ đồng năm từ tôm càng xanh tại Phú Thọ
Thời gian gần đây, phong trào nuôi thủy sản, đặc biệt là những đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá nheo Mỹ, trắm đen, chép lai và nhất là tôm càng xanh đã được nhiều địa phương xác định là đối tượng xóa đói, giảm nghèo, thậm chí là làm giàu; mô hình của ông Nguyễn Văn Được là một điển hình tại tỉnh Phú Thọ.
Ông Nguyễn Văn Được kiểm tra ao nuôi tôm càng xanh
Mạnh dạn chuyển đổi
Trước những năm 2000, gia đình ông Nguyễn Văn Được ở khu Ô Đà, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê cũng như phần lớn các hộ dân nơi đây chưa biết bắt đầu phát triển kinh tế từ đâu khi mà diện tích cấy lúa ít, vùng đất trũng, năng suất lúa lại thấp nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Được bàn với gia đình quyết định chuyển đổi gần 3 sào trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Ban đầu, ông nuôi các đối tượng cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép. Đây là các đối tượng tương đối dễ nuôi, nhưng giá cả bấp bênh, không ổn định. Giá bán chủ yếu là do thương lái quyết định dẫn đến lợi nhuận không cao.
Đầu năm 2003, ông Được đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích nuôi cá truyền thống sang nuôi tôm càng xanh; tuy nhiên, ngay trong vụ đầu tiên, ông đã thất bại. Nguyên nhân do đây là đối tượng nuôi mới, kiến thức về quy trình nuôi cũng như kinh nghiệm trong phòng trừ dịch bệnh còn hạn chế nên khi tôm thả được gần 20 ngày thì bỗng dưng chết đồng loạt, ông Được thiệt hại kinh tế gần 30 triệu đồng. Sau một vài lần thất bại, ông mới rút ra kinh nghiệm, nếu không áp dụng kỹ thuật thì sẽ khó mà thành công. Năm 2005, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ hỗ trợ về giống, kỹ thuật… trong sản xuất; do vậy từ đó đến nay, vụ nuôi tôm càng xanh nào gia đình ông Được cũng có lãi. Hiện, diện tích nuôi tôm càng xanh của gia đình ông lên đến 1,6 ha. Theo ông Được, để có một vụ tôm thắng lợi phụ thuộc rất nhiều yếu tố như môi trường, thời tiết, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, con giống… Tuy nhiên yếu tố quyết định đó là phải có con giống chất lượng tốt, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình nuôi.
Cầm trên tay khay thức ăn chuẩn bị cho tôm ăn, ông Được cho biết, thức ăn của tôm thì nhiều loại, thức ăn viên có, bột có nhưng để giảm chi phí đầu vào gia đình ông đã tận dụng những thức ăn sẵn có của gia đình như cám gạo, những loại cá có giá trị kinh tế thấp như cá mè xay nhỏ trộn với cám gạo để bổ sung dinh dưỡng, giúp tôm mau lớn và có sức đề kháng tốt với môi trường, dịch bệnh. Do vậy, trên diện tích 1,6 ha nuôi tôm càng xanh của gia đình, mỗi vụ ông thu hoạch được 4 – 5 tấn tôm thương phẩm, với giá bán dao động khoảng 300.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi trên 400 triệu đồng. So với trồng lúa, cũng như nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống khác, nuôi tôm càng xanh hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 2 – 3 lần. Không những thế, tôm càng xanh còn có thể nuôi luân canh, xen canh với cây lúa hoặc nuôi chuyên canh đều cho kết quả tốt.
Để làm giàu từ tôm
Hiện nay, trên toàn huyện Cẩm Khê, tổng diện tích nuôi chuyên tôm càng xanh khoảng 40 ha; trong đó, xã Văn Khúc được coi là cái nôi, cũng là nơi đi đầu trong phát triển NTTS, trong đó có tôm càng xanh. Do nghề NTTS phát triển nên nơi đây đã thành lập Chi hội nuôi thủy sản gần như đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi. Mặc dù, tôm càng xanh không phải là đối tượng nuôi mới nhưng lại là đối tượng có giá trị kinh tế cao, giá tôm thương phẩm luôn ổn định, dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/kg, tùy vào kích cỡ, thậm chí tôm loại 1 có giá lên đến 500.000 đồng/kg. Nếu là tôm càng xanh toàn đực thì tốc độ phát triển nhanh, gia tăng hiệu quả sản xuất. Hơn nữa đầu ra ổn định, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, cung không đủ cầu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với nghề nuôi tôm càng xanh hiện nay là yếu tố con giống và kỹ thuật. Do vậy, người nuôi phải mua con giống ở những địa chỉ uy tín, tôm giống khỏe mạnh để hạn chế rủi ro. Theo đó, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Phú Thọ đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn tới những vùng nuôi tôm trọng điểm của địa phương như huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba… hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật: Cải tạo ao nuôi, lựa chọn con giống, chăm sóc và quản lý áp dụng quy trình nuôi ATTP. Khi các thông số, yếu tố môi trường, vận hành chăm sóc bảo đảm, bà con mới tiến hành thả giống.
Ông Nguyễn Văn Được thông tin thêm, trong thời gian tới Chi hội thủy sản số 5 sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy trình nuôi đảm bảo ATTP và đăng ký chứng nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm tôm càng xanh Văn Khúc để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho bà con.
Do nhiều năm liền là nông dân nuôi thủy sản giỏi, ông Nguyễn Văn Được đã được chính quyền địa phương tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, ngày 7/10/2020, tại Hà Nội, ông Được vinh dự thay mặt Chi hội thủy sản số 5 khu Ô Đà, xã Văn Khúc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao