Mô hình kinh tế Thu Tiền Tỉ Từ Nghề Nuôi Rắn, Kỳ Đà, Rùa

Thu Tiền Tỉ Từ Nghề Nuôi Rắn, Kỳ Đà, Rùa

Publish date Monday. September 24th, 2012

Thu Tiền Tỉ Từ Nghề Nuôi Rắn, Kỳ Đà, Rùa

Với trang trại rộng hơn 4.000 m2, anh Huỳnh Chí Công (xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM) đã thu hàng tỉ đồng từ nghề nuôi rắn, kỳ đà và rùa để xuất khẩu.

 
Từ đầu năm đến nay, trang trại này đã xuất khoảng 2 tấn rùa sang Trung Quốc với giá gần 400.000 đồng/kg. Theo anh Công, chỉ riêng năm nay trang trại này có thể xuất khẩu khoảng 4 tấn kỳ đà và rùa thương phẩm với giá dao động 400.000 - 600.000 đồng/kg. 
Một trang trại có diện tích không lớn nhưng trong đó là hàng trăm chuồng với hàng nghìn con vật nuôi giá trị cao, đem lại lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm. Anh Công cho biết bốn năm trước anh là tài xế xe khách, trong một lần qua Bình Phước được người quen giới thiệu về mô hình nuôi rắn. Tìm hiểu qua sách báo và được bạn giúp đỡ thấy hứng thú với nghề nuôi rắn, anh bỏ hẳn nghề lái xe để về mảnh đất Củ Chi dựng trang trại nuôi thử. 
Sau hơn một năm thấy nghề nuôi rắn có triển vọng, anh đã mở rộng quy mô trang trại. Hiện trang trại anh có 200 chuồng nuôi rắn với hơn 2.000 con thương phẩm và 100 cặp bố mẹ. “Một năm tôi xuất khẩu trên 1 tấn rắn thương phẩm với giá dao động từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/kg tùy loại. 100 cặp rắn bố mẹ mỗi năm sinh một lứa khoảng 3.000 trứng được ấp thủ công với tỉ lệ nở thành công khoảng 99%, con non nuôi trên một năm có thể xuất bán giống với giá 1,2 triệu đồng/con” - anh Công cho biết. 
Không chỉ có rắn mà kỳ đà và rùa tại trang trại anh cũng đã được xuất khẩu. Theo anh Công, hiện nay tại trang trại có trên 500 con kỳ đà và 700 con rùa. “Chúng tôi chủ yếu xuất sang Trung Quốc và một số nước Trung Đông. Với lượng xuất khẩu rắn, kỳ đà và rùa hiện tại mỗi năm tôi thu về hơn 1,5 tỉ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50%” - anh Công cho hay. 
Theo anh Công, hiện cơ sở anh đã liên kết với năm hộ nông dân tại địa phương và một số trang trại ở Bình Phước và Đồng Tháp để gom hàng khi cần, nhưng theo anh nguồn cung hiện nay như “muối bỏ biển” so với nhu cầu. “Nhiều lúc trong hai tháng nhưng công ty thu mua đặt đến 4 tấn rắn, kỳ đà, cố gom hàng chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Các tháng giáp tết và ra tết thị trường Trung Quốc rất cần nên giá bán cao hơn mức bình thường từ 10 - 20%” - anh Công nói. 
Theo lời anh Công, các loài vật nuôi này đang được anh cung cấp theo hợp đồng cho trang trại Thái Dương tại TP.HCM, đơn vị trực tiếp xuất khẩu qua Trung Quốc. Đầu ra mặt hàng này rất ổn định do rắn, kỳ đà, rùa chỉ phát triển với khí hậu nóng, Trung Quốc có mùa lạnh kéo dài, đặc biệt những tháng cuối năm nên nhu cầu rất lớn. “Sắp tới, khi lượng ổn định tôi sẽ xin giấy phép để xuất khẩu trực tiếp” - anh Công dự tính.


Nuôi Gà Sao Thương Phẩm Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Gà Sao Thương Phẩm Đạt Hiệu Quả… Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Trắm Ở Thái Nguyên Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi…