Thức ăn bị oxy hóa ảnh hưởng đến năng suất vật nuôi như thế nào?
Hầu như chúng ta đều biết về quá trình oxy hóa, nhưng chúng ta thường không nhận ra những triệu chứng, cũng như những ảnh hưởng của quá trình này đến năng suất, sức khoẻ của vật nuôi và lợi nhuận kinh tế trong nền chăn nuôi công nghiệp hiện đại.
Chúng ta thường trao đổi với nhau về tầm quan trọng trong việc nhìn nhận những vấn đề do quá trình oxy hóa tạo ra. Điều này hoàn toàn đúng đối với chính nguồn thức ăn, cũng như đối với vật nuôi tiêu thụ nguồn thức ăn đó. Stress oxy hóa là một quá trình sinh lý mà vật nuôi bị ảnh hưởng trong thời gian chịu đựng sự căng thẳng cao độ, do vật nuôi ăn phải thức ăn bị oxy hóa, ít có khả năng chống chịu lại quá trình oxy hóa bên trong cơ thể. Do đó, chúng ta cần phải những biện pháp phù hợp để bảo vệ thức ăn và vật nuôi bằng cách kết hợp sử các chất chống oxy hoá trong thức ăn, thường là những sản phẩm tổng hợp, và các chất chống oxy hoá có nguồn gốc từ động vật, chủ yếu từ nguồn sinh học.
Mặc dù có khá nhiều bài viết nghiên cứu cả in vivo và in vitro về tác động của quá trình oxy hóa đến năng suất chăn nuôi và bản chất thực sự của vấn đề, vẫn có vài ý kiến trái chiều trong việc bổ sung các chất chống oxy hóa vào phối hợp khẩu phần thức ăn. Những ý kiến trái chiều có thể được hiểu theo hai lý do như sau. Thứ nhất, chúng ta không thể đánh giá mức độ stress oxy hoá ở động vật bằng bất kỳ con số chính xác, cụ thể; trừ khi chúng ta áp dụng các thử nghiệm lâm sàng được sử dụng trong nhân y; nói cách khác, chúng ta thiếu một bộ kit thử thương mại để kiểm tra nhanh chóng mức độ stress oxy hóa trong điều kiện thực tế. Thứ hai, chúng ta không biết chính xác những gì sẽ xảy ra khi thức ăn và vật nuôi phải đối mặt với quá trình oxy hóa, và vấn đề gì xảy ra giữa quá trình oxy hóa và sự suy giảm sức khoẻ ở thú, mà quan trọng nhất chính là hiệu suất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét khía cạnh thứ hai này một cách chi tiết hơn.
Thức ăn bị oxy hóa
Người ta quan sát thấy biểu hiện khá phổ biến ở vật nuôi, đặc biệt ở thú non thường bỏ qua những thức ăn đã bị oxy hóa. Trong thực tế, thức ăn bị oxy hóa càng cao, mùi vị càng trở nên kém hấp dẫn. Thức ăn bị oxy hóa thường là những loại thức ăn chứa nhiều chất béo (mỡ và dầu) bị oxy hóa thông qua quá trình tiếp xúc với oxy từ không khí, độ ẩm và các chất xúc tác (các chất hỗ trợ như một số chất khoáng nhất định) – tất cả những yếu tố này đều có trong thức ăn chăn nuôi thương phẩm. Kết quả cuối cùng của quá trình oxy hóa là sự hình thành của các gốc tự do bền vững, sau đó phân huỷ thành các gốc ketone và aldehyde.
Những hợp chất như thế làm cho thức ăn có mùi khó chịu. Đây là lý do tại sao vật nuôi từ chối ăn thức ăn đã bị oxy hóa. Không những thế, vấn đề đáng lo ngại hơn là với lượng nhỏ thức ăn mà thú ăn vào, góp phần tích trữ những hợp chất này vào trong mô cơ thể, làm cho những sản phẩm từ động vật như thịt, trứng và sữa có mùi rất khó chịu. Tôi tin rằng chúng ta đã từng sử dụng một số sản phẩm có hương vị bất thường nhưng không thể xác định được nguyên nhân cụ thể từ đâu.
Stress oxy hóa
Oxy hóa là một quá trình sinh lý bình thường trong cơ thể động vật. Như vậy, để đảm bảo các gốc tự do không gây thiệt hại cho tế bào, cơ thể có những quá trình trung hòa các gốc tự do này. Tuy nhiên, đối với stress oxy hoá – là trạng thái mà cơ chế chống oxy hóa bình thường của cơ thể vật nuôi bị quá tải – xảy ra theo hai tình huống. Thứ nhất, khi vật nuôi tiêu thụ các gốc tự do từ thức ăn đã bị oxy hóa. Thứ hai, là khi cơ thể vật nuôi đang phải chống chịu với những điều kiện thử thách như nhiễm bệnh, mật độ quá đông đúc, stress cai sữa, stress vận chuyển, bị lạnh và stress nhiệt…, làm cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể của thú bị rối loạn.
Không những thế, cơ thể động vật có khả năng xử lý một số quá trình stress oxy hoá bên trong cơ thể, nhưng những cơ chế này không thể đáp ứng đủ đối với những giống vật nuôi cao sản. Người ta đưa ra giả thuyết rằng năng suất cao của giống vật nuôi di truyền hiện đại đã không được đáp ứng kịp thời với sự gia tăng khả năng oxy hóa. Một số chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ thú y đánh giá chính đặc tính năng suất cao là một yếu tố stress oxy hóa ở mức độ cơ bản cần phải được giải quyết.
Những tác động về lâm sàng
Quá trình oxy hóa chủ yếu phá hủy các chất chống oxy hóa tự nhiên, chẳng hạn như sắc tố tạo màu, vitamin A và vitamin E. Nó tiếp tục làm giảm khả năng của các cơ quan và hệ thống phụ thuộc vào các chất chống oxy hóa, ví dụ như thận và hệ miễn dịch. Chúng ta hãy xem xét những ở một số trường hợp chi tiết hơn dưới đây.
Sắc tố tạo màu. Các sắc tố tạo màu tự nhiên (và tổng hợp) là những hợp chất chống oxy hóa rất dễ bị oxy hóa thay cho chất béo. Mặc dù ý tưởng này nghe có vẻ như một đề xuất khá hay – một chất chống oxy hóa tự nhiên chuyển thành các gốc tự do ổn định – nhưng màu sắc của sản phẩm động vật có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ như trường hợp với màu sắc của lòng đỏ trứng và sắc tố da ở gà thịt. Để giải quyết vấn đề này, trong những giai đoạn vật nuôi bị căng thẳng (dưới nhiệt độ và ẩm độ cao trong những ngày hè), chúng ta nên tăng lượng sắc tố tạo màu bổ sung vào thức ăn khi cần thiết.
Vitamin A. Đây là vitamin thiết yếu nhất thường được bổ sung với hàm lượng nhất định, nhưng nó có thể dễ bị oxy hóa và dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên vật nuôi. Đối với vật nuôi đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, thiếu hụt vitamin A gây tổn hại cho phổi và thận, dần dần làm tổn thương đến mô miệng và mắt. Tình trạng thiếu hụt không những làm cho những cơ quan này bị mất chức năng hỗ trợ vật nuôi đạt năng suất tối đa, mà còn làm cho vật nuôi dễ bị nhiễm trùng. Trong trường hợp này, rất khó để chẩn đoán chính xác nguyên nhân là do sự thiếu hụt vitamin, nhưng nó góp phần làm suy giảm sức khoẻ tổng thể của động vật.
Vitamin E. Đây là một chất chống oxy hoá tự nhiên thường được sử dụng, nhưng một khi vitamin E bị oxy hóa hết hoặc bị thiếu hụt sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng. Một trong những triệu chứng đầu tiên là thoái hóa thần kinh, như bệnh viêm nhũn não ở gà thịt, với tỷ lệ tử vong khá cao nếu gà không được điều trị kịp thời. Ngoài ra còn có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn như tích nước ngoài mô – sự rò rỉ chất dịch từ các mạch máu ngoại vi vào các mô bào xung quanh. Ở trường hợp này chúng ta thường thấy sự tích tụ dịch lỏng màu vàng xanh trong mô cơ. Và, cuối cùng, sự thiếu hụt vitamin E còn gây ra căn bệnh khá phổ biến là teo cơ, làm cho mô cơ bị suy thoái và teo nhỏ dần – gây tổn thất kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi công nghiệp.
Nhìn chung, khi vật nuôi ăn phải thức ăn bị oxy hóa hoặc bị tiếp xúc với những điều kiện dẫn đến stress oxy hóa thường dẫn đến tình trạng giảm ăn, hiệu quả sử dụng thức ăn kém hơn, tốc độ tăng trưởng không đều và suy giảm sức khoẻ. Quá trình oxy hóa quá mức thường làm gia tăng tỷ lệ tử vong do vật nuôi bị thiếu hụt vitamin A và E, và trở nên nhạy cảm với những mầm bệnh thứ phát có thể chính là những nguyên nhân chính.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao