Thức Ăn Chăn Nuôi: Bất Ổn Vì Sính Ngoại
Hết USD đến vàng, điện, xăng cứ nối đuôi nhau tăng giá, kéo giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng "phi mã", tăng 15 lần trong năm 2010, tăng 3, 4 lần trong hai tháng đầu năm 2011. Giá TĂCN liên tục tăng bởi có đến trên 80% nguyên liệu để sản xuất ra thức ăn thành phẩm phải nhập khẩu.
Giá TĂCN tăng "phi mã"
Ngành chăn nuôi dự kiến, tháng 3, giá TĂCN sẽ tăng đột biến khi giá xăng, điện tăng. Đúng như cảnh báo của Bộ Công thương, giá TĂCN vừa qua đã tăng từ 20 tới 25% tùy loại. Theo các chủ chăn nuôi gà ở ngoại thành Hà Nội, để sản xuất ra một kilôgam thịt gà công nghiệp, cần 2,1 kg thức ăn, riêng phần tăng giá thức ăn thời gian qua đã làm đội giá thành thêm 2.300 đồng. Nếu cộng cả phần tăng thêm từ con giống, thuốc thú y (phải nhập khẩu), thì 5 tháng qua, giá thành nuôi gà tăng ít nhất 24%, lên mức 28.000 đồng/kg. So với giá bán hiện nay, người chăn nuôi lỗ 7.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm này năm ngoái, giá thành nuôi cá có 15.000 - 16.000 đồng/kg, nay lên 21.000 - 22.000 đồng. Hiện, giá ngô đã tăng từ 240 USD/tấn lên 270 - 280 USD/tấn, khô dầu đậu nành từ 410 - 420 USD/tấn lên 450 USD/tấn… Thức ăn nuôi cá tra vượt mức 10.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy cùng với sự gia tăng các yếu tố đầu vào khác như con giống, hóa chất, nhân công, giá thành nuôi cá tra khoảng 19.500 - 20.000 đồng/kg, người nuôi cá dễ lâm vào tình trạng phá sản khi có biến động giá mua.
Trước tác động của giá cả, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP dự báo, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ giảm khoảng 400 triệu USD, vì thiếu cá nguyên liệu để chế biến. Giá TĂCN cá tăng cao trong khi đầu ra bấp bênh, người nuôi lỗ vốn đành treo ao, không nuôi mới. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN khẳng định, đợt tăng tỷ giá này đã tác động rất mạnh đến ngành sản xuất và kinh doanh TĂCN và chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dây chuyền.
Nhập khẩu 3 tỷ USD nguyên liệu TĂCN
Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu 12,4 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 2,7 tỷ USD, dự kiến năm 2011 con số này sẽ là trên 3 tỷ USD. Điều đáng quan tâm là 80% nguyên liệu để sản xuất ra thức ăn thành phẩm là phải nhập khẩu. Trong đó, những nguyên liệu như đậu tương, khô dầu phải nhập tới 90% - 95%; các chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%... Một loại nông sản dễ trồng là ngô cũng phải nhập khẩu tới hơn 50%... Điều đáng buồn là Việt Nam, một nước nông nghiệp, được đánh giá có nhiều ưu thế để sản xuất và tự cung ứng, thậm chí là dồi dào nguồn nguyên liệu trên lại phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao. Để bình ổn giá TĂCN, các doanh nghiệp sản xuất nên tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu làm TĂCN của ta vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún, chưa được chú trọng quy hoạch theo vùng để đầu tư phát triển. Ông Lê Bá Lịch cho biết, hiện chỉ có 10 DN sản xuất TĂCN nằm trong danh sách những DN có nhiệm vụ bình ổn giá. Khi các DN này muốn tăng giá sản phẩm, họ phải có văn bản giải trình với cơ quan chức năng. Trong khi đó, cả nước hiện có hàng trăm DN sản xuất TĂCN lớn nhỏ, nếu chỉ có 10 DN phải chịu trách nhiệm bình ổn giá chắc chắn vấn đề không được giải quyết triệt để.
Sự cố vừa rồi khi Bộ NN&PTNT buộc phải tái xuất 50.000 tấn TĂCN bị nhiễm mọt độc nhập từ Ấn Độ cũng đã tác động, đẩy giá TĂCN lên cao khiến chúng ta cần nhìn lại cách quản lý nhập khẩu TĂCN. Mặc dù về lô hàng trên, có nhiều ý kiến song không thể không tái xuất. Ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong năm 2010 phát hiện 16 vụ với khối lượng gần 27.000 tấn. Sang đầu năm 2011, tiếp tục phát hiện 239 container bị nhiễm mọt TG với khối lượng gần 6.000 tấn. Và gần đây nhất là một lượng hàng nhập khẩu lớn gồm ngô và đậu tương với khối lượng lên đến gần 50.000 tấn tiếp tục bị nhiễm mọt TG.
Những sự cố này khiến chúng ta phải suy nghĩ, tại sao chúng ta phải nhập khẩu những nông sản trên khi mà nguồn nguyên liệu đó có sẵn trong nước? Phải chăng, Chính phủ và các bộ, ngành thay vì tìm chiến lược bình ổn giá TĂCN cần nghiên cứu hình thành vùng cung ứng biến nguồn nông sản ấy thành nguyên liệu cho ngành sản xuất TĂCN trong nước! Cần có chiến lược và quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu cùng với ban hành cơ chế hợp lý khuyến khích các DN và người dân tham gia trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất TĂCN. Các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu cần tạo nhiều chủng loại giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho sản xuất đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất TĂCN trong nước. Những năm gần đây, khi xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như gạo, cá tra, điều, tôm... đều đạt giá trị cao nhưng người chăn nuôi vẫn không lãi mà nguyên nhân chủ yếu là do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ngày càng cao. Thức ăn chiếm đến 70% - 85% giá thành chăn nuôi. Giải bài toán nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ phát triển bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao