Thúc đẩy tăng trưởng cho cá nuôi nhờ bón phân
Jeremiah Minich và cộng sự tại Đại học California San Diego năm 2018 đã tiến hành nghiên cứu để cải thiện quá trình nuôi cá nước ngọt ở các nước đang phát triển. Ông đã nghiên cứu mối liên hệ của vi sinh vật trong ao và cá nuôi khi sử dụng các loại phân hữu cơ khác nhau.
Vai trò của bổ sung phân chuồng cho ao nuôi cá
Ở nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, phân hữu cơ là một loại phân bón hiệu quả được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của vi tảo cung cấp nguồn thức ăn cho cá – tăng năng suất sơ cấp từ đó làm giảm giá thành sản xuất cá.
Phân chuồng và chất thải hữu cơ khi bón xuống ao, sẽ có một phần được cá, động vật phù du và động vật đáy sử dụng làm thức ăn trực tiếp, số lượng còn lại bị phân hủy cung cấp đạm, lân cho tảo phát triển. Các loại cá ăn trực tiếp phân hữu cơ như cá chép, trôi, rô phi, tôm càng xanh, cá tra, chim trắng…Thông qua sự phát triển của vi tảo phân hữu cơ cũng giúp ổn định và duy trì màu nước; góp phần giảm thiểu, hạn chế tối đa tác động xấu từ các tác nhân môi trường.
Việc bón phân hữu cơ cung cung cấp nguồn vi khuẩn dị dưỡng hoặc vi khuẩn sống có thể thúc đẩy sự ổn định của nước ao hoặc probiotics có lợi cho đường ruột cá. Các vi khuẩn khác nhau bao gồm Bacillus đã được chứng minh là có tiềm năng probiotic trong ruột cá thông qua hoạt động kháng khuẩn, kích thích miễn dịch và cạnh tranh loại trừ với vi khuẩn có hại(Gatesoupe, 1999; Newaj-Fyzul, Al-Harbi, & Austin,2014; Ringø & Gatesoupe, 1998) và Bacillus sp nổi bật là thành phần vi khuẩn trong phân chim có thể là nguồn cung cấp trực tiếp cho ao nuôi cá. Nhóm xạ khuẩn Actinobacteria cũng được kết hợp với sản xuất vi tảo (Das, Ward, & Burke, 2008); do đó, phân chim có thể thúc đẩy sản xuất thực vật phù du trong ao bằng cách đóng góp probiotic vào nước nuôi.
Các loại phân hữu cơ khác nhau trong nuôi cá
Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác dụng của việc bón phân trong ao nuôi trồng thủy sản nước ngọt đến vi sinh vật và ảnh hưởng đến hiệu suất của cá rô phi và cá da trơn nuôi trong mô hình nuôi ghép. Thực hành nuôi cá phổ biến khuyến cáo rằng phân chim không nên bón vượt quá phân gia súc hoặc phân lợn, nhưng Minich muốn biết nhiều hơn về trường hợp này.
Minich và nhóm của ông đã thử nghiệm các nguồn phân khác nhau: phân từ nuôi gà thịt, gà đẻ, chim cút, bò và lợn trong các trại nuôi trồng thủy sản. Mỗi loại phân đã được thử nghiệm trong bốn tuần. Trước và sau giai đoạn thử nghiệm, cá da trơn và cá rô phi được cân trọng lượng và đo kích thước. Mẫu vi sinh từ nước ao trước và sau khi xử lý, cùng với phân cá, được thu thập và để phân tích DNA nhằm xác định quần thể sinh vật.
Các loại phân khác nhau: (a) Phân chim, (b) Phân gia cầm, (c) Phân bò và (d) Phân trùng quế.
Kết quả chứng minh rằng các loại phân ảnh hưởng đến thành phần vi sinh vật của nước ao và ruột cá. Với phân từ nuôi gà thịt và chim cút có ảnh hưởng tích cực đến sản xuất cá, các vi khuẩn trong phân hữu cơ phần lớn không thể phát hiện trong nước ao và phân cá. Điều này cho thấy sự phong phú của hệ vi khuẩn trong ao nuôi cá có sử dụng phân gia súc chủ yếu nhờ vai trò như hiệu ứng prebiotic với hệ thống bằng cách đóng góp các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng từ đó ảnh hưởng đến vi sinh vật ao. Hơn nữa, phát hiện này cho thấy rằng sự lây truyền vi sinh vật từ phân động vật sang cá là khá thấp.
Nhóm nghiên cứu của Minich nhận thấy rằng mỗi loài cá phản ứng khác nhau với việc xử lý phân chuồng; cá da trơn có sự thay đổi lớn giữa các loại phân bón và hoạt động tốt hơn với phân gà và phân chim cút, còn cá rô phi lại cho thấy sự tăng trưởng lớn nhất khi được bổ sung với phân gà thịt. Cụ thể, cá rô phi ghi nhận tăng 82% trọng lượng khi cho bổ sung phân gà thịt trong bốn tuần. Khi được bổ dung với phân chim cút và gà thì cá da trơn có tăng trọng lần lượt là 125% và 95% tương ứng.
Kết quả này cho thấy việc bổ sung phân chim và phân gà vào nuôi cá cũng góp phần cải thiện hệ vi sinh vật của nước ao cũng như thúc đẩy tăng trưởng của cá nuôi.
Lưu ý khi bón phân nuôi cá:
- Nếu bón quá nhiều phân hữu cơ, vào những ngày oi bức, phân hữu cơ phân giải mạnh làm cho nước ao thiếu oxy làm ảnh hưởng cá. Do đó bón đủ liều và cần sục khí trong quá trình bón để hạn chế thiếu oxy cho cá nuôi.
- Nên ủ các loại phân hữu cơ trước khi bón: Nguyên liệu được trộn với 10-15% vôi bột, chất thành đống, phủ kín bằng lớp bùn ao mỏng. Thời gian ủ kéo dài khoảng 1 tháng sẽ cho kết quả tốt.
- Khi bón phân hữu cơ có thể vận chuyển phân di chuyển quanh bờ ao, trên mặt ao, rắc phân đều khắp diện tích ao. Phương pháp đơn giản hơn là chất phân hữu cơ thành đống trước cống cấp nước, sau đó bơm nước vào ao, dòng nước sẽ hoà tan và cuốn phân hữu cơ đều khắp ao.
- Một số lo ngại khi thức ăn gia cầm có chứa kháng sinh được cho ăn gà, sau đó bón cho ao cá có thể kích thích tính kháng thuốc trên các vi khuẩn phát triển trong trầm tích ao. Do đó khi sử dụng phân gia cầm bón cho ao cá phải đảm bảo trong quá trình nuôi gia cầm không sử dụng kháng sinh (không nên cho cá ăn phân gia cầm được tiêm kháng sinh dự phòng).
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao