Thực trạng quản lý các nông, lâm trường thất thoát đất nghiêm trọng
Tham gia đoàn giám sát chúng tôi thấy rất thấm thía về thực trạng hoạt động của các nông, lâm trường. Sau khi rà soát đánh giá thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng, kể cả với cơ quan chuyển đổi.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh đã nói như vậy tại phiên giải trình trước Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014" ngày 27.8.
Đất không giao được cho ai
Tham gia giải trình trước Đoàn giám sát có đại diện Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ Tài chính và một số cơ quan chức năng khác. Mở đầu phiên giải trình, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi: Tại sao có tình trạng 2,1 triệu ha đất lâm nghiệp lại do các UBND các xã quản lý, không giao cho dân, trong khi dân người thiếu đất sản xuất? Trả lời, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: Đây là những diện tích xa dân, đất xấu không có điều kiện sản xuất, bên cạnh đó nhiều diện tích đã quy hoạch là rừng phòng hộ hoặc đặc dụng. "Giao cho dân sản xuất thấy khả năng đem lại hiệu quả rất thấp, vì thế diện tích đất đó không giao được cho tổ chức nhà nước nào, cũng không giao được cho dân" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Là người tham gia đoàn giám sát, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết: Trước đây, một công ty chè ở Mộc Châu (Sơn La) giao khoán đất cho nông trường viên. Nhưng giờ nông trường chuyển đổi mô hình, nông trường viên phải thuê đất từ tư nhân. “Doanh nghiệp này không làm gì nhưng hàng năm thu 2,8 triệu đồng/ha từ người dân. Vậy câu chuyện đặt ra sau khi chuyển đổi nông, lâm trường, Nhà nước được gì, người dân được gì?”.
Trả lời vấn đề ĐB Sinh nêu ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khi các nông, lâm trường chuyển đổi chỉ cổ phần hoá tài sản trên đất còn đất đai vẫn do Nhà nước quản lý. Ai sở hữu tài sản trên đất vẫn phải thuê đất. Người dân nhận khoán thì người mua cổ phần có quyền nhất định tuỳ theo số cổ phần của họ. Bộ trưởng Phát cho biết thêm, các nông, lâm trường sau khi được sắp xếp, chuyển đổi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên, thu nhập, đời sống của người lao động được cải thiện góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cũng thừa nhận sau sắp xếp còn một số công ty nông, lâm nghiệp không khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc tiếp tục thua lỗ. Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của nhiều doanh nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới. Quản trị doanh nghiệp tuy có tiến bộ, nhưng chưa đồng bộ, việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, xúc tiến thương mại phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu còn hạn chế...
Khó khăn khi thu hồi đất bị lấn chiếm
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề, tình trạng sử dụng đất đai trái pháp luật ở các nông, lâm trường khá phổ biến, nhưng tại sao việc thu hồi đất sử dụng trái pháp luật lại thu hồi khó khăn thế?
"Bộ NNPTNT đã tổ chức bao nhiêu cuộc thanh tra về sử dụng đất của nông lâm trường, thu hồi được bao nhiêu diện tích đất đã sử dụng trái pháp luật" - ĐB Cương hỏi.
Bộ trưởng Phát chia sẻ, sau nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước để đổi mới hiện nay việc sử dụng đất đai ở các nông trường đã được cải thiện. Tuy nhiên cũng có nhiều nông trường sử dụng đất còn kém hiệu quả.
“Riêng đối các lâm trường thì đúng là hiệu quả sử dụng đất kém, nhiều lâm trường quản lý rừng kém để xảy ra rừng bị phá, đất đai bị lấn chiếm, cho thuê cho mượn. Nhưng nói quá hỗn loạn thì tôi cảm nhận không phải như vậy”- ông Phát khẳng định và cho biết thêm: Hiệu quả sử dụng đất ở các nông, lâm trường có nâng lên mặc dù một số nông lâm trường hiệu quả sử dụng còn thấp, còn theo mong đợi thì chưa đạt.
“Những vi phạm trong sử dụng đất chúng ta có biết không? Xin báo cáo là chúng ta có biết và có xử lý, chứ không phải trong tình trạng không biết hoặc biết mà không xử lý. Có xử lý, làm có trách nhiệm nhưng giải quyết dứt điểm vẫn chưa được vì nó là quá trình lịch sử còn nhiều vấn đề" - Bộ trưởng Phát giải thích.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao