Mô hình kinh tế Thuốc BVTV, Thức Ăn Chăn NuôiSờ Đâu Cũng Thấy Vi Phạm

Thuốc BVTV, Thức Ăn Chăn NuôiSờ Đâu Cũng Thấy Vi Phạm

Publish date Wednesday. May 21st, 2014

Thuốc BVTV, Thức Ăn Chăn NuôiSờ Đâu Cũng Thấy Vi Phạm

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi (TACN)… là những lĩnh vực mà lực lượng thanh tra “sờ” đâu cũng thấy vi phạm. Tuy vậy, việc xử lý các cơ sở này vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết thanh tra diện rộng năm 2013 và triển khai thanh tra diện rộng năm 2014 các tỉnh phía Nam” do Bộ NNPTNT vừa tổ chức tại TP.HCM.

Phân bón, thuốc BVTV “yếu kém” nhất

Năm 2013, Thanh tra Bộ NNPTNT đã triển khai thanh tra diện rộng về chất lượng trong các lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV, TACN tại 29 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy, phân bón là lĩnh vực “yếu kém” nhất, có tỷ lệ số mẫu không đạt rất cao.

Theo đó, tổng số cơ sở được thanh tra năm 2013 là hơn 3.500 cơ sở với gần 2.100 mẫu kiểm định, chia đều ở cả 3 lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV và TACN. Qua thanh tra, có đến 543 cơ sở vi phạm bị xử lý, chiếm 15% trong tổng số cơ sở được thanh kiểm tra. Số mẫu không đạt chuẩn về chất lượng là hơn 500 mẫu, chiếm tỷ lệ 22%.

Đặc biệt, riêng lĩnh vực phân bón, tỷ lệ mẫu không đạt rất cao, chiếm đến 30%. Những hành vi vi phạm chủ yếu gồm phân bón giả, sản phẩm không đảm bảo chất lượng so với công bố, hết hạn sử dụng, thành phần chất lượng không theo đăng ký... Ngoài ra, các vi phạm về nhãn mác, không nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, công nghệ sản xuất thủ công lạc hậu, nhà xưởng, kho bãi không đảm bảo yêu cầu… cũng thường xuyên xuất hiện ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón.

Tương tự, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV là lĩnh vực có nhiều hành vi vi phạm như phân bón, tập trung vào các lỗi như kinh doanh thuốc BVTV kém chất lượng, bán ngoài danh mục; vi phạm các quy định về quản lý thuốc BVTV, đại lý bán không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết hạn…

Đại diện Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Có trường hợp, phân bón chất lượng cao được nhập từ cảng đưa về địa phương để phân phối nhưng trên đường đi, tài xế lại tráo hàng thật bằng hàng giả. Một số doanh nghiệp (DN) có đăng ký sản phẩm phân bón nhưng không hề sản xuất, họ lại mua phân bón của đơn vị khác về đóng gói, rồi dán thương hiệu mình lên.

“Truy tận gốc của vi phạm!”

Theo báo cáo của Thanh tra các Sở NNPTNT tại hội nghị, là năm đầu tiên ngành nông nghiệp tổ chức thanh tra trên diện rộng về lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV và TACN, tuy nhiên, kết quả xử lý vẫn chưa thực hiện được nhiều. Trong đó, khó khăn đầu tiên trong việc xử lý các hành vi vi phạm là… không tìm ra địa chỉ gốc của DN “dỏm”, các DN sản xuất một nơi, ghi nhãn mác một đằng, địa điểm bán hàng lại ở nơi khác.

“Hầu hết DN vi phạm đều ghi địa chỉ không có thực trên bao bì, địa chỉ “ma”, bán ở tỉnh Long An thì ghi địa chỉ công ty ở Bến Tre, bán ở Bến Tre lại ghi nơi sản xuất ở tận Đăk Lăk. Đến khi thanh tra gửi công văn đến các địa chỉ trên thì bưu điện đều báo địa chỉ không có thực, tìm không ra hoặc DN đã giải thể nên rất khó xử lý. Trong khi chỉ xử phạt được nhà sản xuất chứ không thể phạt được các cửa hàng”-một thanh tra viên bức xúc.

Từ khoảng tháng 6-7.2014, Bộ NNPTNT sẽ bổ sung thanh tra diện rộng về chất lượng thức ăn bổ sung và chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và cả lĩnh vực thuốc thú y.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thừa nhận, lực lượng thanh tra quá mỏng cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành khắp nơi. Theo đó, có tỉnh chỉ có 4-5 thanh tra trong khi số cơ sở sản xuất quá nhiều, dẫn đến việc cấp phép dễ dàng. Các đối tượng vi phạm dễ tái phạm, có thái độ không chấp hành các quyết định xử phạt hoặc trốn tránh dẫn đến nhiều vụ vi phạm bị kéo dài, hết hiệu lực xử lý.

Còn theo ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, dù trong năm 2013, Bộ NNPTNT ban hành 5 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong tất cả lĩnh vực và hàng loạt văn bản hướng dẫn các luật liên quan như Luật Thanh tra, Luật về quản lý chất lượng vật tư hàng hóa…, nhưng việc thanh tra, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều bất cập. Hành vi vi phạm nhiều nhưng việc xử lý vi phạm những đơn vị làm sai, làm giả hàng hóa chưa triệt để, công khai minh bạch. Chẳng hạn như lẽ ra xử phạt tiền và các hình thức khác bổ sung thì phải đăng công khai và những cơ sở sản xuất phải được truy tận gốc để xử lý tận gốc.

Ông Tám cho rằng, trong năm 2014, phải truy tận gốc những DN “dỏm” để xử phạt. Theo đó, những địa phương có cơ sở kinh doanh vi phạm nhưng sản phẩm được sản xuất ở địa bàn khác thì cần thông báo đến địa phương để tiến hành thanh tra, đồng thời báo cáo với Thanh tra Bộ NNPTNT để phối hợp xử lý tận gốc.


Câu Chuyện Của Câu Chuyện Của "Tú Ông" Hoàn Lương Và… Tăng Trưởng Nông Nghiệp Sụt Giảm Mạnh Tăng Trưởng Nông Nghiệp Sụt Giảm Mạnh