Mô hình kinh tế Thủy Sản Cần Bứt Qua Giai Đoạn Hái Lượm

Thủy Sản Cần Bứt Qua Giai Đoạn Hái Lượm

Publish date Thursday. January 22nd, 2015

Thủy Sản Cần Bứt Qua Giai Đoạn Hái Lượm

Để xây dựng thương hiệu bền vững, Việt Nam cần phải chủ động được giống chứ không thể mãi trông chờ vào nguồn NK hoặc "hái lượm" tự nhiên.

Mặc dù theo như bộ NN-PTNT cho biết, nuôi trồng thủy sản nước ta đã đứng thứ 3 thế giới, góp phần chính vào kim ngạch XK thủy sản năm 2014 gần 8 tỷ USD.
Loay hoay
Ông Huỳnh Văn Thế vừa đi vòng quanh ao cá tra vừa nói, mua được giống tốt chỉ nuôi 8 tháng, còn gặp giống xấu phải 12 tháng mới thu hoạch. “Chục năm trước chỉ nuôi 5-6 tháng đã thu hoạch. Giống cá ngày càng xấu, chẳng biết vì sao?”, ông thở hắt ra.
Ông Thế ở xã Ba Trinh (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), trước đây nuôi một vụ hơn nghìn tấn cá tra, nay chỉ còn nửa vì chi phí nuôi tăng cao, khó kiếm đồng lời. Cá giống xấu nuôi còn bị hao hụt lớn.
Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH Hùng Cá ở Đồng Tháp, trước đây cá giống nuôi chỉ hao hụt 5-10%, còn bây giờ đến 40-50%.
Báo cáo tổng kết vụ SX cá tra năm 2014 của Tổng cục Thủy sản, nêu khó khăn và tồn tại hàng đầu vẫn là “chất lượng giống cá tra chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi đạt thấp”. Nguyên nhân chính là cá tra bố mẹ chủ yếu “hái lượm” từ thiên nhiên, đem lai cận huyết nên bị thoái hóa.
Năm trước, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã chuyển giao cho ĐBSCL khoảng 101.000 con cá tra bố mẹ tốt để thay đàn thoái hóa, nay mới bắt đầu sinh sản. Nên cá bột ở thị trường vẫn từ đàn cá bố mẹ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trong lúc, đàn cá hậu bị vừa chuyển giao, khâu quản lý ở địa phương lại không tốt, bị hao hụt 20-30%, có nơi trên 40%.
Bộ NN-PTNT đã phải yêu cầu các địa phương đăng ký để sang năm 2015, tiếp tục chuyển giao cá tra bố mẹ có chất lượng, thay cá thoái hóa. Nên bây giờ còn khó đoán định đến lúc nào, cá tra giống sẽ trở lại chất lượng như xưa!
Tình trạng tôm giống còn nan giải hơn khi 100% tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu; tôm sú bố mẹ mới sản xuất được 10%, còn lại “hái lượm” trong tự nhiên mang nhiều dịch bệnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn phân tích: “Nhập khẩu thì nguồn cung hạn chế, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu; giá tôm giống bố mẹ đắt và chất lượng khó đảm bảo. Trong năm đã phải cắt hợp đồng với hai doanh nghiệp nước ngoài vì họ bắt tôm đồng giao cho mình”.
Như thế, tôm thẻ chân trắng bố mẹ một năm nhập tốn hơn triệu đô la Mỹ nhưng vẫn không thoát được tình trạng “hái lượm”. Kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng năm 2014 nhiều hơn tôm sú khoảng 70%, càng cho thấy sự bấp bênh của mặt hàng thủy sản XK hàng đầu nước ta.
Ông Tuấn cho biết thêm, nếu sản xuất được tôm bố mẹ có thể giảm 30% chi phí giống trong nuôi trồng, nâng cao khả năng kiểm soát dịch bệnh, chủ động xây dựng chất lượng sản phẩm. Có một chương trình phát triển tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước được Bộ NN-PTNT triển khai từ năm 2013, nếu thành công thì năm 2016 có thể đưa ra thị trường.
Từ nay đến đó, nuôi tôm chưa thoát giống “hái lượm” nên còn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Gỡ tư duy
Một loài cá đang được thế giới ưa chuộng, nuôi nhiều và Việt Nam có tiềm năng lẫn triển vọng lớn là rô phi.
Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2014 sản lượng cá rô phi toàn thế giới khoảng 4,5 triệu tấn, xuất khẩu hàng tỷ USD. Trung Quốc xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới và đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, nhiều thị trường muốn bỏ cá rô phi của Trung Quốc để mua của Việt Nam vì ngon hơn.
Chủ trương của Bộ NN-PTNT, khuyến khích nuôi cá rô phi để phát huy tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm thủy sản.
Ở vùng Bạc Liêu và Cà Mau có dự án sản xuất tôm giống quốc doanh nhưng nhiều năm bỏ hoang đất, Tập đoàn Việt – Úc xin vào đầu tư, với sự đỡ đầu của một tổ chức khoa học Úc, đã sớm có kết quả.
Nước ta từ Bắc đến Nam đều nuôi được cá rô phi. Đặc biệt, một số doanh nghiệp nuôi tôm qua nhiều năm chống dịch bệnh đã tìm được quy trình nuôi cá rô phi để lấy nước nuôi tôm, cứ một ao tôm kèm một ao cá bên cạnh, khả năng kháng dịch bệnh của tôm rất cao và cả cá lẫn tôm đều khỏe.
“Chúng tôi nuôi cá rô phi cho công nhân ăn không xuể”, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang, kêu lên. Minh Phú là doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất nước ta, năm 2014 đạt hơn 720 triệu USD.
Nguyên do giống xấu. Cá rô phi để làm phile đông lạnh xuất khẩu, một con phải lớn cỡ 0,8 kg. Với giống trong nước cần nuôi 8 tháng, còn giống của thế giới chỉ nuôi 4 tháng.
Vì cá rô phi bố mẹ ở nước ta lạc hậu, phía Nam còn chủ yếu “hái lượm” từ cá thương phẩm đã thoái hóa nên nuôi chậm lớn và nhiều con không lớn nổi. Nên Cty Minh Phú khi nuôi ghép với tôm, chỉ số ít đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu, còn lại quá nhỏ “cho công nhân ăn không xuể”.
“Chúng tôi muốn sản xuất giống lại không được”, ông Lê Văn Quang than thở tiếp. Năm 2013, Minh Phú cần mấy triệu con cá rô phi giống tốt mà tìm cả nước không đủ nên tính sản xuất giống. Cty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú ở xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) đã nhập 100.000 con cá rô phi bố mẹ thế hệ mới từ Israel.
“Tỉnh Ninh Thuận chỉ cho phép chúng tôi sản xuất tôm giống; nếu sản xuất cá rô phi giống sẽ cưỡng chế. Chúng tôi phải đem đàn cá rô phi bố mẹ ấy về Kiên Giang nuôi thịt, tiếc vô cùng và đến nay vẫn không kiếm đâu ra giống tốt để nuôi”, ông Quang nói.
Thời bao cấp để lại ở các địa phương nhiều trung tâm giống, nay hầu hết khó tự sống, càng khó hy vọng sản xuất giống tốt.
Tổng cục Thủy sản đánh giá, thất bại chính là do cách làm giống theo “đề tài” ngắn hạn; trong lúc, kinh nghiệm những nước có giống thủy sản tốt đều đầu tư lớn, dài hạn, nhất là phải thu hút đầu tư tư nhân. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đã nêu chủ trương cần thay đổi tư duy trong nghiên cứu sản xuất giống để có giống thủy sản tốt, trước hết là tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân.


Hom Mía Giống Hút Hàng Hom Mía Giống Hút Hàng Chuyện 12 Con Dê “Đi Lạc” Chuyện 12 Con Dê “Đi Lạc”