Tin thủy sản Thủy sản hữu cơ - Xu hướng của thế kỷ 21

Thủy sản hữu cơ - Xu hướng của thế kỷ 21

Author Nguyễn An, publish date Saturday. March 14th, 2020

Thủy sản hữu cơ - Xu hướng của thế kỷ 21

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm sạch cũng được nâng cao. Vì vậy, không khỏi ngạc nhiên khi hệ thống nuôi trồng thủy sản hữu cơ ngày càng được chú ý và trở thành xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây.

Diện tích nuôi tôm - rừng ở Việt Nam ngày càng tăng - Ảnh: Minh Triết

Lợi ích kép

Nuôi trồng thủy sản hữu cơ hay còn gọi là nuôi sinh thái là một phương thức tăng giá trị đặc biệt với mục đích bảo vệ môi trường sinh thái, giảm tỷ lệ dịch bệnh, hao hụt thức ăn và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển  thủy sản hữu cơ. Cả nước hiện có 4 tỉnh, thành phố (Bạc Liêu, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng) có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ, với tổng diện tích khoảng 134.800 ha, sản phẩm chủ yếu là tôm, rươi; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hữu cơ đạt khoảng 10 triệu USD và mức giá bán cao hơn khoảng 30% so nuôi truyền thống.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, từ những năm 2000, mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn đã được triển khai tại Cà Mau và được Tổ chức Naturland (Đức) chứng nhận hữu cơ. Nhiều năm nay, các công ty tham gia dự án như Minh Phú, Camimex… đã thu mua tôm tại đây để xuất khẩu. Đối với cá tra, Công ty Binca Seafoods đã phát triển dòng sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế và xuất khẩu ổn định sang thị trường châu Âu, chủ yếu là Thụy Sĩ. Năm 2018, giá cá tra fillet đông lạnh hữu cơ Việt Nam bán lẻ tại châu Âu đạt 19,76 EUR/kg, trong khi cá tra fillet đông lạnh thường chỉ khoảng 4,02 - 5,56 EUR/kg. Tuy sản lượng thủy sản hữu cơ xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn nhưng đây là minh chứng cho thấy, Việt Nam đủ khả năng sản xuất dòng hàng cao cấp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất từ nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm thủy sản hữu cơ không hoàn toàn thuận lợi; bởi doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với các thách thức về đất đai, tín dụng, chính sách hỗ trợ, nguyên liệu đầu vào; bên cạnh đó, đầu tư thủy sản hữu cơ cũng đòi hỏi vốn và diện tích canh tác lớn, thời gian hoàn vốn lâu mà thị trường tiêu thụ lại không ổn định nên người sản xuất rất dễ nản chí. Về phía người tiêu dùng, mặc dù rất muốn sử dụng sản phẩm sạch, tuy nhiên, thông tin, tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm hữu cơ hiện nay chưa phổ biến. Người dân còn thiếu hiểu biết lẫn ngộ nhận về sản phẩm hữu cơ nên dễ nhầm giữa các sản phẩm trà trộn hay tự phong là sản phẩm hữu cơ; điều này càng khiến người sản xuất khó có được thị trường bền vững.

Phát triển hơn nữa

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, thủy sản hữu cơ nói riêng, có bốn vấn đề chính cần quan tâm giải quyết. Thứ nhất là chứng nhận chất lượng, thứ hai là phát triển thị trường, thứ ba là hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, đào tạo nhân lực và thứ tư có cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả. Về phía chính sách, vào tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức cho ban hành Nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, HTX, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030”, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu thuộc top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, với lĩnh vực thủy sản, đến năm 2025 có khoảng 2 - 3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 60.000 ha; đến năm 2030, khoảng 7 - 8% diện tích diện tích, tương đương với 100.000 ha cho sản lượng khoảng 500.000 tấn.

Thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ xây dựng một tiêu chuẩn cho phép nông sản có thể tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu; chú trọng thông tin, tuyên truyền để người sản xuất có hiểu biết đầy đủ, chính xác về nguyên tắc và quy định đối với thực hành thủy sản hữu cơ. Hiểu biết tốt sẽ giúp thực hành tốt hơn.

GS.TS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT tại Australia) nhấn mạnh: “Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ mà chúng ta muốn cổ súy cho Việt Nam hôm nay không phải là nông nghiệp hữu cơ thời hoang sơ, mà là một nền nông nghiệp luôn tuân thủ 4 nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, công bằng và quan tâm”.


Chất lượng nguyên liệu - Chìa khóa quyết định thành công Chất lượng nguyên liệu - Chìa khóa quyết… 4 công nghệ nuôi tôm nổi bật 4 công nghệ nuôi tôm nổi bật