Mô hình kinh tế Tiềm Năng Cây Đậu Nành Ở Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Tiềm Năng Cây Đậu Nành Ở Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Publish date Monday. November 12th, 2012

Tiềm Năng Cây Đậu Nành Ở Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Bunge (Hoa Kỳ) thí điểm trồng cây đậu nành thay thế cây bắp tại xã Đá Bạc (H.Châu Đức). Đến thời điểm này, mô hình này đã mang lại hiệu quả bước đầu cho bà con nông dân trong xã.

Theo mô hình này, Công ty Bunge hỗ trợ 50% về giống, ứng trước tiền phân bón và thu mua toàn bộ sản phẩm đậu nành của nông dân. Công ty Bunge sử dụng loại giống đậu nành DT2008 do Viện di truyền học của Bộ NN-PTNT cung cấp và sử dụng thêm loại giống đậu nành của địa phương để làm đối chứng.

Gia đình ông Nguyễn Chí Tín (xã Đá Bạc) bước vào thu hoạch vụ đậu nành đầu tiên. Ông Tín cho biết, với 1,5 ha đất vào những năm trước đây gia đình ông đều sử dụng để trồng bắp. Thế nhưng, thời tiết thay đổi liên tục, 2 năm trở lại đây vụ nào cũng bị nắng nóng, khô hạn làm cho bắp chết sạch khiến thất thu cho gia đình. Năm nay, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Đá Bạc và Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho đầu tư thí điểm mô hình trồng đậu nành. Chỉ với thời gian trồng hơn 2 tháng, cây đậu nành đã cho thu hoạch với sản lượng 2,5 tấn.

Với giá đậu nành hiện tại khoảng 17.000 đồng/kg, vụ này gia đình ông thu nhập trên 40 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng bắp. Tương tự gia đình ông Tín, nhiều hộ dân khu vực này đã cho trồng thử nghiệm cây đậu nành và nhận thấy hiệu quả mang lại cao hơn các loại cây trồng khác như bắp, đậu xanh. Ông Nguyễn Trà (xã Đá Bạc) cho biết: “Chỉ với 4 sào đất, những năm trước đây trồng bắp và đậu xanh thì lãi cao nhất chỉ khoảng 3 triệu đồng/vụ. Nhưng trồng cây đậu nành ông lãi lên đến gần 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, công chăm sóc cũng nhẹ hơn vì không phải tưới nước hay bón phân nhiều”.

Với đặc tính chịu hạn rất tốt, đậu nành là loại cây phù hợp với các vùng đất khô hạn tại các xã Đá Bạc, Suối Rao, Sơn Bình (H.Châu Đức). Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Đá Bạc nói: “Từ năm 1993 đến nay, người dân trên địa bàn xã trồng cây bắp nên đất đai đã bạc màu. Ngoài ra sâu bệnh, nấm… làm cho năng suất bắp ngày càng thất thu. Khi Công ty Bunge phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức mô hình thí điểm trồng cây đậu này ở Đá Bạc và thành công như hiện nay làm đời sống người dân cũng thay đổi, không còn khó khăn, phụ thuộc vào cây bắp như trước đây nữa”, Theo ông Hùng, Công ty Bunge ký hợp đồng bao tiêu đậu nành cho người dân với giá sàn là 17.000 đồng/kg.

Nếu giá đậu nành ngoài thị trường thấp hơn giá sàn thì công ty cũng mua cho người dân với giá này. Còn giá đậu nành ngoài thị trường cao hơn giá sàn, công ty sẽ mua với giá như thị trường. Ông Hùng cũng cho biết, bình quân 1 ha đậu nành cho năng suất từ 2 - 3 tấn, với giá thành hiện tại thì mỗi ha đậu nành người nông dân thu được trên 30 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cũng lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng bắp.

Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, H.Châu Đức cũng như nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn ha đất rất phù hợp để trồng cây đậu nành. Chương trình này thành công sẽ mang lại nhiều triển vọng phát triển cây đậu nành trên diện rộng, giúp cho bà con đa dạng hóa về cây trồng, tăng sự canh tranh về giá, có tư duy về hợp tác sản xuất nguyên liệu.


Mô Hình Ương Cua Bột Lên Cua Giống Biển Trong Ao Vùng Triều Ở Quảng Ngãi Mô Hình Ương Cua Bột Lên Cua Giống… Giá Tăng, Nông Dân Hết Mía Ở Hậu Giang Giá Tăng, Nông Dân Hết Mía Ở Hậu…