Tiền đề vững chắc cho phát triển thủy sản
Đó chính là ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này lâu nay vẫn luôn được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả lao động trong thủy sản.
Ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển thủy sản
Đột phá
Do xu hướng nuôi thâm canh trong thủy sản ngày càng phát triển dẫn đến việc ô nhiễm môi trường tăng cao, dịch bệnh bùng phát phức tạp và thường xuyên hơn. Từ đó, nhiều nghiên cứu được thực hiện và các quy trình công nghệ nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) ra đời như: Công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ Biofloc, công nghệ Aquaponics, công nghệ nano, công nghệ cá “sông trong ao”, công nghệ cá lồng Na Uy… Các công nghệ này ngày càng phổ biến và ứng dụng rộng rãi nhằm tăng sản lượng, nâng cao tính an toàn sinh học, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh; phát triển nghề nuôi thủy sản ngày một bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo có những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Cùng đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống, NTTS và thu được những thành quả vượt trội. Nổi bật như Tập đoàn Việt - Úc với dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín; Công ty TNHH TM&SX Trúc Anh thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc. Hay mô hình CPF-Combine Program của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và mô hình nuôi TTCT công nghệ cao siêu thâm canh hai giai đoạn trong hồ nổi tròn của Công ty TNHH MTV Long Mạnh. Đây là những mô hình áp dụng công nghệ cao và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học nhằm tạo nên tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch… Không chỉ nuôi trồng, mà công nghệ cho khai thác bảo quản thủy hải sản ngày càng được hiện đại, như: hệ thống đèn LED cho tàu khai thác hải sản xa bờ; công nghệ bảo quản thủy sản bằng công nghệ NANO (nâng cao chất lượng cá ngừ); bảo quản mực ống bằng công nghệ lạnh ngâm kết hợp phụ gia thực phẩm…
Đặc biệt, năm qua ngành thủy sản có những bước đột phá mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ 4.0, tiêu biểu như Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) và chuỗi khối (Blockchain). Đến nay, IoT không còn là một khái niệm, nó đã và đang diễn ra với hàng loạt ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Điển hình như hệ thống e-Aqua của Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị công nghiệp Sài Gòn (Cenintec) đã nghiên cứu, ứng dụng. Đây là hệ thống giám sát, cảnh báo chất lượng nước tự động cho ngành thủy sản, nhằm giúp cho người nuôi nắm bắt được các thông số môi trường nuôi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày thông qua các thiết bị di động thông minh. Tương tự, Công ty Eplusi đã nghiên cứu và sản xuất ra thiết bị giám sát chất lượng nước ao nuôi có tên gọi là E-Sensor Aqua giúp người nuôi giám sát nước ao 24/24 giờ qua điện thoại thông minh. Hay về phần mềm quản lý trang trại, Công ty TNHH Cargill Việt Nam cũng giới thiệu đến người nuôi phần mềm iQShrimp thu thập dữ liệu từ hồ nuôi tôm thông qua các thiết bị di động, máy cảm biến và máy cho tôm ăn tự động, nhằm ghi lại dữ liệu về kích thước tôm, chất lượng nước trong hồ, chất lượng thức ăn cùng các điều kiện về thời tiết và sức khỏe của tôm. Trong khi đó, công nghệ Blockchain có thể chứng minh là một thuốc chữa bách bệnh cho các vấn đề xác minh hải sản, vì nó có thể theo dõi thủy hải sản ngay từ khâu sản xuất đến phân phối.
Phát triển bền vững
KHCN đã từng bước đa dạng hóa loài nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các đối tượng nuôi, khống chế hiệu quả dịch bệnh lây lan trên tôm và cá tra; kiểm soát tốt môi trường; đảm bảo ATTP ngay từ trang trại… Việc ứng dụng KHCN giúp tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản từ những mặt hàng thủy sản sơ chế, đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam đã rất phong phú, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ở nước ta, việc ứng dụng KHCN hiện vẫn còn khá manh mún, lẻ tẻ; nếu không thực hiện đồng bộ, thì không đạt kết quả cao nhất. Vì vậy, thời gian tới, để ngành thủy sản đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, chất lượng sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu phải cần nhiều giải pháp. Trong đó, nhiều chuyên gia cho, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống. Cần ứng dụng công nghệ di truyền để tạo giống sinh trưởng nhanh, sạch bệnh, kháng bệnh phục vụ nuôi hiệu quả. Sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành. Vấn đề này cần được cụ thể hóa bằng cách đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học như công vi sinh, công nghệ enzyme, sản xuất các test kit để xác định nhanh các mầm bệnh nguy hiểm trong nước và trên cơ thể động vật thủy sản. Nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả…
Đối với khai thác thủy sản, có thể nghiên cứu phương pháp, kỹ thuật công nghệ khai thác và phát triển thị trường cho các loài mới trong khai thác, có sự thỏa thuận hợp tác giữa các bên liên quan về nguồn lợi thủy sản và các đề xuất về việc bảo tồn, đóng cửa một số khu vực khai thác. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ bảo quản thủy sản sống bằng phương pháp ngủ đông…
>> Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, công nghiệp 4.0 là sự thay đổi phương thức sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là giải pháp công nghệ, chứ không phải áp dụng công nghệ truyền thống. Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi và Việt Nam là một phần trong đó. Bởi vậy, chúng ta phải sớm bước lên “đoàn tàu 4.0”, để không bị bỏ lại.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao