Tin nông nghiệp Tiến tới liên kết 5 nhà

Tiến tới liên kết 5 nhà

Author PHÚ HỮU, publish date Friday. June 17th, 2016

Tiến tới liên kết 5 nhà

Khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã xác định được 7 ngành hàng chủ lực để thực hiện tái cơ cấu ngành, gồm: Tôm sinh thái, cua biển sinh thái, cá bổi U Minh, lúa chất lượng cao, lúa Organic, chuối và cây keo lai.

Từ những ngành hàng chủ lực này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện và TP. Cà Mau khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành tại địa phương.

Các địa phương khi xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng cần xác định rõ cái nào là lợi thế, mũi nhọn, trọng tâm để tái cơ cấu. Có giải pháp tái cơ cấu ngành hàng đặc trưng tại địa phương mà các nơi khác không có, để tập trung sản xuất với mục tiêu sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Điều cốt lõi và gần như tất yếu là cần có giải pháp liên kết từ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ nông sản, chú trọng liên kết “5 nhà” trong phát triển nông nghiệp. Trong sự liên kết này, phải đặt nhà nông vào vị trí trung tâm và phải là hạt nhân của trung tâm đó; “4 nhà” còn lại (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng) phải tích cực giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà nông.

Với vai trò quản lý, điều hành, định hướng, Nhà nước - cụ thể là các cơ quan quản lý về nông nghiệp, cần chủ động hơn nữa trong việc hoạch định các chính sách, mục tiêu về nông nghiệp nói chung và các sản xuất như tôm, cua, lúa gạo… Người dân cứ yên tâm rằng, khi tham gia vào liên kết này, Nhà nước không thể để nông dân tự “bơi” mà phải giúp họ “bơi” đúng lối, “bơi” khỏe, thậm chí nếu cần thì sẵn sàng thả “phao” để giúp họ.

Lẽ dĩ nhiên, các nhà khác không thể chờ sự chỉ đạo cụ thể của Nhà nước mới xắn tay vào cùng với nhà nông. Các nhà này cần gắn lợi ích của mình với nông dân. Các nhà khoa học nghiên cứu ra các giống mới, các phương pháp canh tác mới, các loại thuốc/phân có ích...

Nhà doanh nghiệp không phải chỉ chăm chăm kiếm lợi từ việc mua bán của nông dân mà phải có nghĩa vụ với nông dân; nếu giá xuất khẩu lên cao, phải đẩy giá mua cho nông dân cùng những ưu đãi khác; nếu giá xuống thấp, phải chấp nhận không lãi hoặc chịu lỗ (nhất là các doanh nghiệp nhà nước) để cho nông dân không bị lỗ.

Với “nhà thứ 5”, các ngân hàng (nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần có chương trình tín dụng riêng cho nông dân như cho vay ưu đãi nhưng huy động lãi suất cao, coi như chỉ phục vụ miễn phí cho nông dân. Ngân hàng cũng cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu để các doanh nghiệp này chủ động nguồn vốn, tăng khả năng hỗ trợ cho nông dân.

Qua ghi nhận cho thấy, thái độ chủ động, tích cực của Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị tín dụng đối với việc tham gia vào chuỗi liên kết trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà tỉnh đang triển khai quyết liệt hiện nay.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ông Trần Quốc Khởi: “Về góc độ quản lý nhà nước về tài chính, phía Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, xem đây là chủ trương cần được triển khai ngay; chỉ đạo các đơn vị tài chính tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất này, đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà tỉnh đang khẩn trương thực hiện. Đã qua, nhiều đơn vị: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội… đã đồng hành tốt cùng người dân trong việc phát triển nông nghiệp.

Tới đây sẽ mở rộng thêm sự hỗ trợ của các ngân hàng ngoài nhà nước; góp phần cùng tỉnh làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo”. Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cà Mau, ông Trần Văn Lực: “Là đơn vị tài chính, lúc nào các ngân hàng cũng quan tâm đến công tác hỗ trợ vốn cho người dân. Đây là vấn đề trọng tâm để các ngân hàng hoạt động có hiệu quả trên thị trường.

Các ngân hàng luôn muốn và phối hợp tốt với các cơ quan quản lý nhà nước triển khai nhiệm vụ này, nhất là trong lúc chúng ta đang tập trung kiện toàn ngành Nông nghiệp. Thiết nghĩ, vấn đề quan trọng nhất là phối hợp tạo đầu ra cho sản phẩm của nông dân; phải giải quyết triệt để bài toán “được mùa - mất giá”, cũng như “đụng hàng dội chợ” mà người dân phải chịu thiệt thòi trong nhiều năm nay”.

Có vậy, sản phẩm nông nghiệp làm ra mới trở thành sản phẩm của chung nhiều nhà. Chung quy lại cũng vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân, đưa ngành Nông nghiệp Cà Mau vào ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.


Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy phân Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy… Trồng dâu nuôi tằm - làm chơi, ăn thật Trồng dâu nuôi tằm - làm chơi, ăn…