Tin nông nghiệp Tiêu chết hàng loạt, giá giảm: Mong có bác sĩ xuống vườn bắt bệnh

Tiêu chết hàng loạt, giá giảm: Mong có bác sĩ xuống vườn bắt bệnh

Author Lê Kiến, publish date Monday. March 6th, 2017

Tiêu chết hàng loạt, giá giảm: Mong có bác sĩ xuống vườn bắt bệnh

Sau khi Báo NTNN đăng tải loạt bài viết phản ánh tình trạng hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên chết hàng loạt khiến nông dân lâm nợ, một số lãnh đạo tỉnh Gia Lai và chuyên gia hồ tiêu đã lên tiếng đề xuất giải pháp để góp phần cứu cây hồ tiêu.

Trong ảnh: Hàng loạt vườn tiêu ở tỉnh Đăk Lăk bị chết do trồng ở vùng trũng, bất lợi.  Ảnh: D.H

Chấm dứt kiểu làm ăn theo thói quen

Trao đổi với NTNN về các giải pháp “cứu nguy” cho nông dân trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Gia Lai) cho rằng, muốn hạn chế rủi ro, điều quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất. Nếu bà con cứ bảo thủ, làm theo thói quen thì thiệt hại chắc chắn vẫn sẽ xảy ra. Thứ hai, cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn IPM, ICM, VietGAP…

“Sắp tới, Sở NNPTNT tỉnh sẽ họp với các huyện để bàn bạc, nhằm tìm giải pháp tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân từ khâu trồng đến tiêu thụ. Đồng thời tiến hành rà soát lại nguồn gốc giống hồ tiêu, bồi dưỡng kiến thức cho người kinh doanh cây giống...”. Ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai

“Hiện tại, tỉnh Gia Lai  rất quan tâm đến việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, có sự tham gia của doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp có quy trình sản xuất theo hướng bền vững và có trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây là những giải pháp căn cơ, bền vững, chứ bà con không nên kỳ vọng có “thuốc đặc trị” nào khác. Thuốc không giải quyết được những vấn đề tồn tại từ gốc rễ…” – ông Uyển nói.

Về tình trạng tiêu chết hàng loạt, xảy ra nhiều nơi khiến nông dân điêu đứng, hoang mang, song không thấy sự thể hiện vai trò của ngành nông nghiệp địa phương. Ông Uyển nói: “Đối với ngành nông nghiệp Gia Lai, hàng năm, từ cấp tỉnh đến cơ sở đều có sự quan tâm sâu sát, thể hiện bằng việc xây dựng phương án và quy trình khung trong việc chăm sóc, phát triển cây hồ tiêu bền vững và triển khai đến tận người dân. Đầu mỗi mùa vụ, ngành đều có hướng dẫn cụ thể cho bà con về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới, đồng thời khuyến cáo bà con áp dụng nguyên tắc 4 đúng”.

Theo ông Uyển, năm 2016 tỉnh đã hỗ trợ kinh phí tập huấn cho người dân 10 huyện trọng điểm trồng hồ tiêu. Chi cục cũng phối hợp Viện Bảo vệ thực vật mở 31 lớp tập huấn ngăn bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, đồng thời xây dựng 21 mô hình tại các huyện trọng điểm và mời người dân đến tham quan, học tập.

Các “nhà” cần chung tay

Trao đổi với phóng viên về giải pháp giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững, ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho rằng, bà con cần thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ NNPTNT; phải làm tốt từ khâu cây giống, áp dụng thâm canh hợp lý; dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải theo quy trình. Thực tế là lâu nay, người trồng tiêu đã lạm dụng quá mức phân bón cũng như thuốc trừ sâu bệnh, khiến cây tiêu yếu ớt, khó chống đỡ điều kiện thời tiết bất lợi. “Sắp tới, Sở NNPTNT tỉnh sẽ ngồi lại với các huyện để bàn bạc, nhằm tìm giải pháp tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân từ khâu trồng đến tiêu thụ. Đồng thời, tiến hành rà soát lại nguồn gốc giống hồ tiêu, bồi dưỡng kiến thức cho người kinh doanh cây giống...” – ông Anh nói.

Tuy nhiên, theo TS Đặng Bá Đàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên), việc tăng cường khuyến cáo bà con trông tiêu là chưa đủ. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn trên sách vở, các cơ quan chuyên môn phải gắn trách nhiệm của mình với dân. Đối với những vùng tiêu nhiễm bệnh, cơ quan chuyên môn cần có đánh giá tổng thể để sớm có quy trình cho người dân từ trồng mới đến chăm sóc, thu hoạch. Nên có các nhóm chuyên gia, hoặc “bác sĩ” hồ tiêu xuống tận địa phương giúp dân cứu cây tiêu. 

Giá tiêu tại Bình Phước giảm 70.000 đồng/kg

Giá hồ tiêu tại “thủ phủ” Bình Phước thu hoạch năm 2017 bị rớt giá mất 70.000 đồng/kg so với mùa vụ năm ngoái. Hiện giá thành thu mua tại vườn chỉ còn 110.000 đồng/kg, khiến bà con trồng hồ tiêu lo sốt vó, đối diện với rủi ro thấy rõ khi thu hoạch không đủ bù chi; trong khi giá nhân công lạ khá đắt đỏ. 

Thời điểm đầu tháng 3 này, tại Bình Phước bắt đầu rộ mùa vụ thu hoạch hồ tiêu. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân cho biết, hiện giá thu mua mua hạt tiêu trung bình từ 110.000 -120.000 đồng/kg, tùy theo sản phẩm hồ tiêu chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch. Trong khi đó, vào thời điểm này ngoái (2016) giá thu mua hồ tiêu đến trên 180.000 đồng/kg. Nhiều nông dân tỏ ra mất vui, vì tiêu đột ngột mất giá; hiện giá thành đang diễn biến "lao dốc".     

TTXVN


Ớt đỏ có tiếp tục mang lại vận đỏ cho người trồng năm nay? Ớt đỏ có tiếp tục mang lại vận… Sản xuất, tiêu thụ khoai tây Hà Lan Sản xuất, tiêu thụ khoai tây Hà Lan