Mô hình kinh tế Tìm Cách Giúp Người Nuôi Cá Tra Thoát Lỗ

Tìm Cách Giúp Người Nuôi Cá Tra Thoát Lỗ

Publish date Tuesday. September 24th, 2013

Tìm Cách Giúp Người Nuôi Cá Tra Thoát Lỗ

Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.

Tại buổi làm việc giữa UBND thành phố Cần Thơ với Hiệp hội cá tra Việt Nam được tổ chức vào hôm 19-9 tại thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, nhấn mạnh rằng, trong tình hình khó khăn như hiện nay, liên kết là lối đi duy nhất cho người nuôi cá tra ĐBSCL có thể thoát khỏi cảnh lỗ.

“Bây giờ, doanh nghiệp chỉ ưu tiên xuất khẩu vùng nguyên liệu của họ hoặc do họ liên kết nuôi với nông dân, cho nên, để giảm thiểu rủi ro, nhất thiết phải có liên kết với doanh nghiệp”, ông Thạnh nhận định.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề buổi làm việc trên, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An, thành phố Cần Thơ và là hộ nông dân trực tiếp nuôi cá tra liên kết cho một doanh nghiệp ở Tiền Giang cho rằng, thời điểm hiện nay, nuôi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nếu không có lãi được thì khó có hình thức nuôi nào nào khả thi hơn.

Theo ông Hải, với hình thức nuôi liên kết hiện nay, doanh nghiệp chịu phần chi phí thức ăn theo định mức (ví dụ bỏ ra 1,6 kí lô gam thức ăn, loại 26 độ đạm sẽ thu về 1 kí lô gam cá nguyên liệu) còn nông dân chịu phần chi phí về con giống, thuốc phòng bệnh, điện, nước, nhân công, ao nuôi thông qua số tiền doanh nghiệp sẽ trả khi người nông dân giao cá cho họ với định mức là 5.000 đồng/kí lô gam cá nguyên liệu.

“Với hợp đồng giữa doanh nghiệp với tôi là 1.000 tấn cá nguyên liệu, doanh nghiệp phải cung cấp 1.600 tấn thức ăn (loại 26 độ đạm), khi thu hoạch, tôi giao cho doanh nghiệp 1.000 tấn cá nguyên liệu và thu về 5 tỉ đồng (số tiền này chưa khấu trừ chi phí đầu tư)”, ông Hải dẫn chứng cụ thể trường hợp của ông.

Ông Hải tinh toán rằng, hộ nông dân nào quản lý ao cá tốt, ít xảy ra dịch bệnh thì chi phí đầu tư thấp và họ sẽ có lãi khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kí lô gam cá nguyên liệu/vụ nuôi.

Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết cái lợi lớn nhất đối với doanh nghiệp qua mô hình liên kết này là có nguồn nguyên liệu ổn định, đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu.

Ông Dũng cho rằng, việc đảm bảo vùng nguyên liệu sẽ giúp doanh nghiệp định hình và xây dựng thương hiệu, tạo uy tín về mặt hàng cá tra phi-lê xuất khẩu của họ đối với đối tác nhập khẩu.

Liên kết cũng sẽ giúp nông dân hạn chế được rủi ro và không phải lo nhiều chuyện giá nguyên liệu xuống thấp hoặc doanh nghiệp không trả tiền mua cá.

Ông Hải từ Hợp tác xã Thới An cho hay, trong quá trình nuôi, nếu ao cá của nông dân gặp dịch bệnh thì họ chỉ cần báo với doanh nghiệp đối tác để họ xác minh, xử lý.

“Nếu ao cá bị thiệt hại 50%, ước còn lại khoảng 500 tấn cá nguyên liệu chẳng hạn, thì nông dân sẽ giảm lượng thức ăn lấy từ doanh nghiệp xuống còn 800 tấn, thay vì 1.600 tấn như ban đầu. Điều này không ảnh hưởng lớn đối với người nuôi”, ông nói.

Theo Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), hiện giá cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng từ 0,8 - 0,9 kí lô gam/con) được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh thu mua với giá 22.500 - 23.000 đồng/kí lô gam, tăng 200 - 500 đồng/kí lô gam so với mức giá hồi cuối tuần rồi.


Tăng Cường Kiểm Tra Thương Lái Trung Quốc Thu Mua Tôm Nguyên Liệu Tăng Cường Kiểm Tra Thương Lái Trung Quốc… Tẩy Rửa Lừ, Sáo, “Tẩy” Luôn Cá Tôm Tẩy Rửa Lừ, Sáo, “Tẩy” Luôn Cá Tôm