Tìm Đất Cho Cây Ngô
Năng suất thấp, trong khi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán vẫn phổ biến..., là những yếu tố khiến Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn ngô mỗi năm.
Hiệu quả thấp
Trong lĩnh vực trồng trọt, cây ngô có vị trí quan trọng thứ hai sau cây lúa. Tuy nhiên, nhiều năm nay đã tồn tại một nghịch lý là Việt Nam xuất khẩu (XK) hơn 7 triệu tấn gạo, còn sản xuất ngô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Hàng năm, cả nước phải nhập khẩu trên dưới 1,5 triệu tấn ngô hạt phục vụ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và ngày càng có xu hướng tăng lên. Năm 2013, cả nước nhập khẩu 2,26 triệu tấn ngô hạt với kim ngạch 690 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và 38% về giá trị so với năm 2012.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNN) cho biết, trong 10 năm qua, năng suất ngô dù tăng liên tục, song vẫn thấp hơn năng suất trung bình của thế giới khoảng 5,5 tạ/ha. Nguyên nhân là sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và việc ứng dụng cơ giới hóa còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy hoạch trồng ngô chưa được các địa phương chú trọng, thực tế ngô vẫn bị xem là cây trồng thay thế cho các cây trồng khác ở những vùng khô hạn.
Ngoài ra, kỹ thuật canh tác tuy đã có tiến bộ, song hiệu quả đầu tư còn thấp, việc sử dụng phân bón vẫn bị lãng phí nên giá thành ngô hạt cao, sức cạnh tranh kém khiến người nông dân không mấy mặn mà với cây ngô. Theo TS Mai Xuân Triệu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô (Bộ NN&PTNT), một bất cập nữa là chưa có đủ các giống ngô chống chịu tốt với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng bất lợi và chưa có biện pháp canh tác phù hợp, nhiều nơi nông dân chưa quen với kỹ thuật sản xuất ngô trên đất lúa. Đặc biệt, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do bị tư thương ép giá nên cây ngô vẫn chưa tìm được đúng vị thế của mình.
Mấu chốt là tăng năng suất
Hiện nay, sản xuất lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh giữa các nước XK ngày càng mạnh mẽ, giá gạo XK liên tục giảm. Đáng chú ý, thị trường XK gạo của Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục co lại trong thời gian tới. Do vậy, thu nhập từ trồng lúa của nông dân sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi nhu cầu sử dụng ngô hạt cho chế biến thức ăn chăn nuôi đang ngày một tăng.
Hơn nữa, phát triển sản xuất ngô, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cho thu nhập cao cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tại hội nghị phát triển cây ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp từ kỹ thuật, giống, cơ giới hóa tới liên kết với doanh nghiệp hình thành các mô hình sản xuất ngô hiệu quả.
Trong đó vấn đề mấu chốt để đẩy mạnh sản xuất ngô là nâng cao năng suất, tạo chỗ đứng vững chắc cho cây ngô, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, tạo động lực cho người nông dân tự nguyện tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Từ năm 2010 đến nay, diện tích ngô trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm do ảnh hưởng của thời tiết và giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Năm 2013, toàn TP có 20.736ha trồng ngô, giảm hơn 4.000ha so với năm 2010. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho rằng, sản xuất ngô phải đạt năng suất ít nhất từ 6 tấn/ha trở lên thì nông dân mới có lãi.
Do vậy, ngoài giải pháp quy hoạch và cơ giới hóa, cần phải tăng cường thâm canh, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào canh tác. Đặc biệt, phải xây dựng chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích các địa phương và nông dân mở rộng diện tích ngô như hỗ trợ giống, phân bón, nghiên cứu chọn tạo giống…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao