Tín hiệu vui ngành tôm vùng Đất Mũi
Có thể nói 2017 là năm tái khởi động phong trào nuôi tôm với các hình như nuôi tôm quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh tại tỉnh Cà Mau. Đặc biệt ở loại hình nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả cao đang được người dân địa phương quan tâm đầu tư phát triển mạnh.
Thu hoạch tôm ở Cà Mau Ảnh: Diệu Lữ
Từ diện tích nuôi tôm trên dưới 200 ha đầu năm 2017, đến nay Cà Mau phát triển gần 1.000 ha tôm nuôi, tăng mạnh tại những huyện có vùng nuôi trọng điểm như Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước... Không những diện tích tăng mà năng suất cũng ổn định qua từng vụ nuôi cùng với giá ở mức cao dẫn đến lợi nhuận cao.
Những con số ấn tượng
2017 được xem là năm khởi sắc của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, đặc biệt là đối với phát triển ngành hàng tôm. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chủ trương xây dựng quy hoạch phát triển Cà Mau thành một trong những vựa tôm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước với công nghệ nuôi tôm sạch, hiện đại, hiệu quả cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế vào cuối năm 2016.
Trước mắt là việc triển khai điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, trong đó có quy hoạch nuôi trồng thủy sản và quy hoạch thủy lợi; rà soát, điều chỉnh kế hoạch ngành hàng tôm thuộc Đề án tái cơ cấu nông nghiệp... Năm 2017, sản xuất và khai thác tôm đạt 173.500 tấn, đạt 93% kế hoạch, tăng 9,2% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm nuôi 159.000 tấn, tôm khai thác đạt 14.500 tấn. Sản lượng tôm chế biến thực hiện đạt 130.000 tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ, giá trị kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD. Đây đang là những tiền đề cho ngành tôm Cà Mau, nhất là lĩnh vực nuôi trồng tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2018.
Đến cuối năm 2017, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh toàn tỉnh đạt 9.664 ha; trong đó nuôi siêu thâm canh, diện tích nuôi tăng từ 175 ha (năm 2016) lên gần 1.000 ha; nuôi thâm canh đạt 8.664 ha; tỷ lệ diện tích nuôi đạt hiệu quả trên 85%. Năng suất thu hoạch bình quân 5 tấn/ha/vụ đối với tôm sú và khoảng 8 tấn/ha/vụ đối với tôm thẻ chân trắng. Năng suất tôm siêu thâm canh trung bình 40 - 50 tấn/ha/vụ, cá biệt có một số hộ thu hoạch 80 - 100 tấn/ha/vụ, đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh.
Kế hoạch phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của Cà Mau dự kiến trong năm 2018 sẽ được triển khai trên tổng diện tích khoảng 11.000 ha. Trong đó, nuôi tôm thâm canh 9.150 ha, tôm siêu thâm canh gần 1.850 ha.
Giải pháp tổng thể
Ngay từ những tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã tiến hành kiểm tra tất cả các huyện có mô hình nuôi tôm trọng điểm về quy hoạch vùng nuôi, thiết kế ao nuôi; ao chứa bùn thải, ao xử lý, ao lắng và ao sẵn sàng cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh; thiết kế hệ thống điện phục vụ cho nuôi tôm phải đảm bảo an toàn...
Theo đó, về quy hoạch nuôi tôm, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết từng loại hình nuôi để có kế hoạch đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; chú trọng quy hoạch phát triển nuôi tôm với nhiều hình thức khác nhau như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng và quảng canh kết hợp với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; gắn hiệu quả sản xuất với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, vật tư nuôi trồng thủy sản; Đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi; thường xuyên rà soát tình hình hoạt động liên kết để kịp thời phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm theo tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt, nuôi đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC, CoC, sinh thái, hữu cơ... để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững. Tăng cường công tác tập huấn, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng đến lớp học và hội thảo tại hiện trường... tập trung nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa đạt hiệu quả, hạn chế lây lan; kiện toàn và củng cố mạng lưới thú y cơ sở; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm bảo vệ, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường vùng nuôi.
>> Để thực hiện được mục tiêu đề ra cũng như trở thành vựa tôm của cả nước, ngành Nông nghiệp Cà Mau sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” sau khi được phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm đạt 280.000 ha, sản lượng đạt 320.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao