Mô hình kinh tế Tỉnh lúa được mùa lớn

Tỉnh lúa được mùa lớn

Publish date Tuesday. October 13th, 2015

Tỉnh lúa được mùa lớn

Năng suất gần 70 tạ/ha

Tranh thủ lúc nắng ráo, chúng tôi lòng vòng trên những cung đường nội đồng khắp các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương… (Thái Bình).

Cuối vụ, thân lúa như da tắc kè, chuyển sắc xanh lặc lè sang màu vàng óng ả. Với tôi, chẳng phải ngẫu nhiên người ta gọi Thái Bình là “quê lúa”.

Trong tổng diện tích 155.000 ha đất tự nhiên của tỉnh, thì có trên 81.000 ha gieo cấy lúa (vụ mùa 2015). Và, cứ nhìn những cánh đồng phẳng lỳ mênh mông bát ngát dệt bằng ti tỉ hạt thóc mẩy vàng, phảng phất hương thơm dịu nhẹ cũng khiến người ta đắm lòng.

Nhờ đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào SX nông nghiệp, đang chính vụ thu hoạch lúa mùa nhưng nhiều nông dân vẫn khá thảnh thơi.

Bởi, dưới đồng đã có máy gặt đập liên hợp như những “con voi sắt” có mặt khắp nơi cắt lúa, nhả thóc. Chủ ruộng chỉ việc đóng bao chở về nhà.

Đến nay, nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hưng Hà đã thu hoạch được trên 6.000 ha lúa mùa. Năng suất ước đạt 61 - 62 tạ/ha.

Về xã Liên Hiệp đâu đâu cũng thấy nụ cười của nông dân. Theo ông Trần Văn Tân, Chủ nhiệm HTX DVNN xã, vụ mùa năm nay xã viên gieo cấy trên 217 ha lúa, trong đó 40% là giống BC15.

Đến thời điểm này bà con đã thu hoạch được trên 140 ha. Năng suất ước đạt 69,5 tạ/ha.

Bác Trần Văn Điển ở thôn Khuốc, xã Liên Việt (“cái nôi” chèo cổ Bắc Bộ) đang vác những bao thóc nặng trịch trên vai, mồ hôi mồ kê mà giọng nói vẫn đầy phấn khích:

“Đất chẳng phụ công người chú ạ. Vụ mùa này tôi gieo sạ 5 sào, chủ yếu giống BC15, năng suất ước đạt khoảng 2,4 tạ/sào. Sai lệch không quá 30 kg đâu”.

Vụ mùa thắng lợi nhất

Không hẹn mà có duyên, chúng tôi tình cờ gặp ông Hoàng Đức Kiếm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, đang dẫn theo hàng chục chủ nhiệm các HTX cánh đồng thôn Duyên Phú, xã Phú Lương. Nói về năng suất, ông Kiếm bảo: “Đây là vụ lúa mùa năng suất cao nhất từ trước đến nay của Đông Hưng”.

Năm nay, nông dân Phú Lương nở rộ phong trào cấy lúa BC15 theo phương pháp gieo cấy hàng rộng, hàng hẹp.

Một trong những người đầu tiên thử nghiệm là ông Nguyễn Bá Trưởng, Phó chủ nhiệm HTXNN Phú Lương.

Còn nhớ vụ mùa năm ngoái, lần đầu tiên giới thiệu công thức cấy lúa hàng rộng: 45 cm; hàng hẹp: 21 cm; khóm cách khóm 24 cm (với mật độ bình quân 12,6 khóm/m2) lãnh đạo xã gạt phắt. Bởi, cấy dày mật độ 38 – 40 khóm/m2 còn chẳng ăn ai nữa là cấy thưa.

Hai ông cán bộ “đầu não” của BQT HTX cùng 4 nông dân vẫn ngấm ngầm thực hiện. Riêng vợ chồng ông Trưởng “đá” nhau về quan điểm, quyết định căng một chiếc dây xẻ đôi thửa ruộng diện tích 2 sào.

Lúa người nào người ấy cấy. Thóc người nào người ấy gặt.

Thời gian đầu, đám ruộng lúa của ông Trưởng xấu như ma chê quỷ hờn, chỉ có loe hoe vài dảnh trong khi khu lúa kế bên đã tốt um, nhìn chéo 45o chẳng nhìn thấy mặt ruộng.

Vợ ông tiếc đất liền thả rau rút vào hàng xông rộng (45 cm).

Chẳng ngờ, đến thời kỳ đẻ nhánh, lúa BC15 lớn nhanh như thổi, trùm kín mọi không gian.

Tuy ít khóm hơn nhiều so với mật độ thông thường, nhưng số bông/khóm tăng lên 18 – 24 bông. Số hạt chắc cũng cao hơn 15 – 18 hạt/bông và rất mẩy. Sau khi gặt, phơi và lựa hạt chắc, lượng lúa ông Trưởng thu được cao hơn vợ 14 kg.

Đầu vụ ai cũng chê, giờ lại khen nức nở, thi nhau làm theo.

Đặc biệt hơn, phương pháp cấy lúa này tạo điều kiện cho bà con trồng vụ đông mà không cần gặt cả ruộng lúa.

Để làm được thế, cứ khoảng 3m, chủ ruộng lại cấy xen 2 hàng lúa hẹp (hàng nọ cách hàng kia 21 cm) và cấy những giống lúa ngắn ngày. Khi lúa ngắn ngày chín, chỉ việc thu hoạch 2 hàng lúa là sẽ có một khoảng trống rộng 1 m để trồng bí xanh.

Khi bí cao chừng 15 cm cũng là lúc toàn bộ đồng ruộng được giải phóng.

Nhà ông Nguyễn Văn Phương, trưởng thôn Duyên Phú, khoe: Nhà tôi cấy 11 sào ruộng theo mô hình này.

Năng suất lúa không cao hơn thì cũng bằng phương pháp cấy lúa thường, nhưng lại sướng ở chỗ ít sâu bệnh hại. Lượng giống giảm từ 3 kg/sào xuống 0,8 kg/sào và công cấy giảm một nửa.

Vụ mùa năm nay, huyện Đông Hưng gieo cấy 11.000 ha lúa, trong đó có trên 7.000 ha giống BC15.

Căn cứ vào số dảnh hữu hiệu, số bông/khóm và tỷ lệ hạt chắc/bông, ông Hoàng Đức Kiếm khẳng định năng suất trung bình toàn huyện sẽ hơn 60 tạ/ha.

"Nói lúa mất mùa, chúng tôi tự ái lắm"

Không chỉ Đông Hưng, theo kết quả đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, năng suất lúa mùa của huyện Kiến Xương cũng đạt 60 tạ/ha; Vũ Thư 62 tạ/ha…

Ông Phạm Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm HTXNN xã Đông Tân (Đông Hưng) bảo rằng:

Vừa rồi có thông tin lúa Thái Bình mất mùa.

Nói như thế là không khách quan.

Chúng tôi tự ái lắm. Bởi báo đài chỉ tìm quay một vài đám ruộng năng suất mấy chục kg/sào.

Trong khi phần lớn diện tích năng suất đạt 2,4 – 2,5 tạ/sào. Hỏi 10 người thì 9 người trực tiếp trồng lúa đều khẳng định năm nay được mùa. Th

ế còn, người ta có 5 – 7 sản phẩm tạo ra từ 7 khu ruộng khác nhau, có diện tích nhỏ bị chuột cắn, mất mùa do bón phân không đúng cách, phòng trừ sâu đục thân không đúng thuốc, không đúng thời điểm thì mất ăn là bình thường.

Nông dân trong tỉnh Thái Bình đã thu hoạch được gần 30.000 ha lúa mùa

Theo thông báo của Sở NN-PTNT Thái Bình, đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được gần 30.000 ha lúa mùa. Năng suất cả 3 trà lúa (trà mùa sớm, trà mùa trung và trà mùa muộn) đều được nông dân đánh giá là cao hơn so với vụ xuân và vụ mùa năm 2014.

Bước vào sản xuất vụ mùa năm nay, do tiến độ làm đất nhanh, đặc biệt mở rộng diện tích gieo thẳng từ 16.000 ha ở vụ mùa 2014 lên trên 22.000 ha ở vụ mùa 2015 đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Các địa phương gieo cấy khá tập trung, đúng lịch.

Đặc biệt, vụ mùa năm nay có sự chuyển đổi tích cực trong cơ cấu giống: mở rộng diện tích lúa năng suất cao, chất lượng (trong đó, chủ lực là giống BC15).

Đây là giống phù hợp với đồng đất địa phương, có năng suất cao và ổn định so với nhiều loại giống khác là một trong những yếu tố tạo nên vụ mùa thắng lợi.

Thời tiết, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của chính quyền các cấp kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bám đồng, lội ruộng”.

Ngành nông nghiệp luôn sát sao đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sản xuất; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, do đó, lúa vụ mùa này tỉnh giành thắng lợi khá toàn diện.

Hải Phòng, Nam Định được mùa

Theo khảo sát thực tế của PV NNVN, năng suất lúa vụ mùa 2015 của nhiều địa phương thuộc Hải Phòng và Nam Định đạt khá cao.

Nụ cười được mùa của nông dân xã Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định

Theo ông Đinh Xuân Thắng, Phó phòng nông nghiệp huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), năng suất lúa bình quân của huyện đạt khoảng 60,1 tạ/ha. Có được thành tích trên một phần là do sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu giống.

Đặc biệt, lúa năng suất, chất lượng BC15 được đưa vào đồng đất của Vĩnh Bảo khá mạnh, chiếm trên 50% tổng diện tích gieo cấy. Có những xã như Cao Minh, Cộng Hòa, năng suất BC15 ước đạt 64 – 65 tạ/ha.

Bên cạnh đó, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời về lịch gieo cấy, điều tiết thủy lợi; theo dõi, giám sát và phòng trừ sâu bệnh của cơ quan chức năng cũng giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại do điều kiện thời tiết bất lợi và dịch bệnh, nhất là sâu đục thân ở thời kỳ lúa trỗ bông.

Ông Tô Xuân Hảo, Chủ nhiệm HTXNN xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo), cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy 390 ha lúa, năng suất ước đạt 1.560 tấn, chủ yếu là lúa BC15.

Còn tại xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), ông Trần Ngọc Viên, Chủ tịch HĐQT HTXNN Mỹ Hà thông tin: Nhờ hoàn thành dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng kỹ thuật gieo sạ 85% tổng diện tích gieo cấy và chỉ đạo SX đúng quy trình canh tác, đặc biệt 70% gieo cấy giống lúa năng suất, chất lượng BC15, vì thế đẩy năng suất lên 61 tạ/ha.


Chuyên gia Nhật cùng ngư dân Bình Định ra biển câu cá ngừ Chuyên gia Nhật cùng ngư dân Bình Định… Hà Tĩnh vượt tiến độ Hà Tĩnh vượt tiến độ