Tôm Bị Bệnh, Người Nuôi Lỗ Nặng
Hiện nay, bệnh trên con tôm bùng phát tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, Phú Yên) khiến nhiều người nuôi lỗ vốn. Nguyên nhân vẫn là “điệp khúc” do thời tiết không thuận lợi, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp…
Bệnh tôm bùng phát ở vụ hai
Tình hình bệnh tôm ở vụ nuôi thứ 2 năm nay tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch đang diễn biến phức tạp; ở nhiều hồ nuôi, bệnh tôm bùng phát khiến người nuôi gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Bút nuôi tôm ở xã Hòa Tâm cho biết: “Tôi thả nuôi 2 hồ với diện tích khoảng 1,6ha. Mặc dù thời tiết ngay từ đầu vụ không thuận lợi, ở vụ 1, tôm cũng xuất hiện bệnh sau 3 tháng nhưng tôi kịp thời xuất bán nên thu lãi hơn 100 triệu đồng. Sang vụ 2, tôi cải tạo hồ nuôi rất kỹ, thả gần 150.000 con giống.
Khi nuôi được khoảng 1 tháng thì tôm bị bệnh. Biểu hiện ban đầu là tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước và chết dần, sau đó tôm chết với số lượng lớn, chiếm đến 50% hồ nuôi. Vì tôm còn nhỏ, không thể xuất bán nên tôi kéo tôm nhập lại nuôi một hồ để dễ quản lý. Tổng chi phí vụ 2 đến nay đã hơn 40 triệu đồng, nhưng với tình hình tôm bị bệnh như hiện tại, chắc vụ này lỗ vốn. Hiện tôi tận dụng hồ trống thả nuôi 5.000 con cua xanh, hy vọng sẽ có lãi chút đỉnh để bù lại chi phí nuôi tôm”.
Còn ông Nguyễn Văn Sang ở xã Hòa Hiệp Nam cho biết: “Với diện tích hồ khoảng 4.000m2, năm nay, tôi đã thả nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng. Cả 2 vụ nuôi, khi tôm được khoảng 2 tháng tuổi thì xuất hiện bệnh và chết hàng loạt, lỗ gần 70 triệu đồng. Cụt vốn, tôi không thả nuôi nữa mà đi nuôi tôm thuê cho người khác ở xã Hòa Hiệp Bắc”.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của xã khoảng 500ha; đến nay, bà con đã thả nuôi 80% số diện tích trên.
Tình hình bệnh tôm diễn biến phức tạp khiến 55ha diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh, tôm chết hàng loạt, người nuôi lỗ vốn nặng… Ông Châu Thiên Việt, cán bộ thú y huyện Đông Hòa, cho biết: “Vụ nuôi tôm thứ 2 ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch không thuận lợi.
Thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp gió nam khiến tôm nuôi bị yếu, không đủ sức đề kháng, nên khi những cơn mưa dông xuất hiện đột ngột, tôm dễ bị bệnh. Từ đầu vụ đến nay, cơ quan thú y đã kết hợp với các ngành chức năng và địa phương lấy 48 mẫu tôm bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, phát hiện tôm chủ yếu bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng.
Các vùng nuôi thuộc 2 xã Hòa Xuân Đông và Hòa Hiệp Nam có tỉ lệ tôm mắc bệnh cao. Trạm Thú y huyện Đông Hòa đã cấp phát thuốc sát trùng, đồng thời kết hợp với địa phương hướng dẫn người nuôi xử lý những diện tích tôm nuôi bị bệnh nhằm hạn chế lây lan”.
Còn theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 1.200ha, đến nay, người dân đã thả nuôi hơn 930ha. Thời gian qua, do thời tiết bất lợi nên có hơn 170ha tôm bị bệnh (vụ 2 khoảng 135ha), xảy ra chủ yếu ở tôm nuôi từ 25 đến 45 ngày tuổi.
Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa đã khuyến cáo người nuôi tôm không nên tiếp tục thả nuôi đối với những diện tích ao hồ bị nhiễm bệnh, nên chuyển số diện tích này sang nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác.
Huyện cũng đề nghị Sở NN-PTNT hỗ trợ phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi; đề nghị các cơ quan chuyên môn tăng cường lấy mẫu kiểm tra bệnh, nếu phát hiện khu vực nuôi có dấu hiệu dịch thì công bố dịch theo quy định. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn về bệnh tôm và các giải pháp phòng trừ bệnh để người nuôi biết cách phòng trừ…
Cần đầu tư cho vùng nuôi
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, nguyên nhân bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp trong thời gian qua vẫn là "điệp khúc" thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không đảm bảo kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh xảy ra mang tính lây lan trên diện rộng.
Bên cạnh đó, chất lượng con giống trong nhiều năm nay không được kiểm soát chặt chẽ, người nuôi chủ yếu lựa chọn những trại tôm giống có uy tín trên thị trường, chứ không thể biết giống tôm mình mua có sạch bệnh hay không.
Ông Nguyễn Văn Mỹ nuôi tôm ở xã Hòa Tâm cho biết: “Năm nay tôi thả nuôi 6 hồ tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi Gò Chày - Xác Cháy, mỗi hồ khoảng 4.000m2. Giá giống tôm bình thường khoảng 80 đồng/con, nhưng tôi chọn mua giống có uy tín với giá 98 đồng/con.
Con giống này đã được các cơ quan chức năng kiểm định; trong quá trình nuôi, tôm xảy ra bệnh thì công ty cung cấp giống sẽ hỗ trợ một phần để thả lại giống mới. 2 vụ nuôi vừa qua, nhờ tôm không bị bệnh nên tôi thu lãi hơn 700 triệu đồng”. Theo ông Mỹ, trong nuôi tôm, người nuôi đã chuẩn bị tốt các khâu nhưng nếu con giống không tốt, thời tiết bất lợi thì hiệu quả mang lại cũng sẽ không cao, có khi còn bị thua lỗ.
Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: Để hạn chế bệnh, dịch xảy ra đối với tôm nuôi trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường quản lý chất lượng con giống, chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản.
Phòng NN-PTNT huyện cũng triển khai các mô hình sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, nuôi đa loài luân canh, xen canh, nuôi kết hợp nhiều loài theo hướng xử lý môi trường bằng sinh học; thành lập các tổ cộng đồng phù hợp ở từng vùng nuôi theo hướng bền vững. Hiện huyện Đông Hòa đang nghiên cứu đầu tư xây dựng những điểm nuôi tôm công nghiệp ở những nơi có điều kiện.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao