Tôm Thẻ Chân Trắng Lại Chết Hàng Loạt Ở Tuy Phong
Không hiểu sao mỗi năm cứ đến thời điểm thu hoạch chính của các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở Tuy Phong, tôm lại có dấu hiệu chết hàng loạt. Người nuôi tôm ở khu vực này rất lo lắng cho những vụ kế tiếp khi giá tôm cũng có chiều hướng giảm mạnh.
Bệnh cũ tái phát
Tuy đang là cao điểm vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nhưng tại các đìa tôm ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Chí Công không khí khá đìu hiu. Nhiều đìa tôm bị bỏ hoang, các máy bơm tạo ô xy nằm ngổn ngang trên đìa. Tìm hiểu được biết, một tháng trước, tôm thẻ chân trắng được nuôi ở các đìa chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Các hộ nuôi tôm phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ.
Loay hoay sửa lại máy bơm, ông Nguyễn Lội – xã Vĩnh Hảo, thở dài: “Nhà tôi có 2 đìa/ha, vừa rồi, tôi thả 60 vạn con giống tôm thẻ chân trắng, nuôi mới được 1 tháng, tự dưng tôm chết hàng loạt nổi lên trắng cả đìa. Do tôm chết, lại còn nhỏ nên đành bán với giá 30.000 đồng/kg. Tính tiền đầu tư, thuê nhân công, con giống, thức ăn... vụ tôm này tôi lỗ gần 100 triệu đồng”.
Cạnh đìa ông Lội, 3 đìa nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông H.K.H. cũng rơi vào cảnh tương tự. Mặc dù thả giống của công ty uy tín với giá thành cao nhưng mới nuôi được 2 tháng, tôm của gia đình ông cũng chết hàng loạt.
Theo kinh nghiệm nuôi tôm lâu năm, ông H. cho biết, tôm ở khu vực này chết đều có dấu hiệu của bệnh đốm trắng, taura và gan.Đây là bệnh cũ, người nuôi tôm đã phòng ngừa, đánh thuốc nhưng năm nào tôm thẻ cũng có đợt chết hàng loạt. Thêm nữa, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước chưa được xử lý triệt để nên bệnh dễ lây lan từ đìa này sang đìa khác.
Trở lại xã Chí Công, nơi nhiều hộ nuôi tôm thẻ cũng đứng ngồi không yên khi gần một tháng qua, tôm nuôi cứ nổi trắng đìa. Nhiều đìa nuôi tôm đã bị bỏ hoang, có người đang cố gắng cải tạo đìa, thả nuôi vụ mới hi vọng gỡ ít vốn.
Anh N.T.Huy (xã Chí Công) buồn rầu cho biết: “Tôi nuôi 2 lứa tôm thẻ chân trắng với 60 vạn con nhưng cả 2 lứa đều bị chết sau gần một tháng thả nuôi. 2 vụ trên tôi lỗ gần 60 triệu đồng. Không hiểu sao tôm rớt đáy rất nhanh, chỉ vài tiếng đồng hồ tôm hầu như bỏ ăn, lờ đờ, dạt vào 2 bên đìa.
Tôi kiểm tra thì phát hiện tôm bị bệnh đốm trắng, bệnh này cứ tái đi tái lại, dù đã xử lý nhưng sau một ngày là tôm đỏ thân và nổi trắng đìa”. Thời gian gần đây, tôm nuôi chết hàng loạt, giá tôm lại có dấu hiệu giảm mạnh, từ 150.000 – 160.000 đồng/kg (100 con), nay chỉ còn 100.000 – 110.000 đồng/kg (100 con), nhiều hộ nuôi ở Tuy Phong lỗ nặng đã bỏ nghề, sang đìa hoặc tạm ngưng một thời gian chờ qua đợt dịch sẽ thả lại.
Người nuôi chưa ý thức
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do thời gian nuôi ngắn nên tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi được người dân lựa chọn nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình vẫn nuôi một cách tự phát, dựa trên kinh nghiệm chứ không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và các nhà khoa học. Bên cạnh môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm thì ý thức giữ gìn môi trường chung của người dân còn thấp.
Quan sát tại các con mương dẫn nước vào ra đìa tôm, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, khi hộ này thải nước ra thì hộ khác lại lấy nước vào. Vì vậy, nếu bệnh xảy ra sẽ rất dễ bùng phát, lây lan nhanh.
Thêm vào đó, chất lượng con giống cũng là điều đáng nói. Hiện nay, các hộ nuôi đã có xu hướng chọn tôm giống của các công ty đã qua kiểm dịch gắt gao tuy giá con giống cao đến hơn 1 triệu đồng/1 vạn con giống, nhưng nuôi yên tâm hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân ham giống rẻ, trôi nổi trên thị trường, không được kiểm dịch nên chất lượng không đảm bảo, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Đây có thể là nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt, làm người nuôi thua lỗ nặng trong thời gian qua.
Ngoài ra, theo khuyến cao của ngành chức năng, diễn biến thời tiết thất thường cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôm bị giảm sức đề kháng. Khi đìa có tôm bị chết, người nuôi không xử lý mà lại xả ra môi trường nên dịch bệnh lây lan, thậm chí có đìa khi tôm nuôi bị chết lại không xử lý mà tiếp tục mua tôm giống về thả tiếp.
Thông tin từ Chi cụcThủy sản tỉnh, mùa nắng nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh, vi khuẩn trên tôm nuôi phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Do đó, việc chuẩn bị ao đìa nuôi phải được thực hiện theo đúng quy trình: tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy.
Để hạn chế những bệnh virus nguy hiểm trên tôm (đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử cơ và cơ quan tạo máu, đục cơ), người nuôi cần thực hiện xét nghiệm giống và kiểm dịch trước khi thả; cần duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m, tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt hoặc mưa lớn nhằm giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi; mật độ nuôi vừa phải, không nên nuôi dày để dễ chăm sóc và quản lý ao nuôi...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao