Tin nông nghiệp Trái cây miền Tây có vé xuất ngoại

Trái cây miền Tây có vé xuất ngoại

Author Thanh Tùng, publish date Wednesday. February 17th, 2016

Trái cây miền Tây có vé xuất ngoại

Năm 2015 vừa qua đánh dấu nhiều bước ngoặc quan trọng trong xúc tiến thương mại và đầu tư của tỉnh Đồng Tháp.

Đặc biệt, khi lần đầu tiên nông sản vùng đất sen hồng có mặt trên kệ hàng tại hệ thống bán lẻ, siêu thị của những thị trường nước ngoài, nhất là ở các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.

Đây là kết quả bước khởi đầu quan trọng của bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Đồng Tháp đang tiên phong thực hiện.

Đón cái tết Bính Thân 2016, nhà vườn Đồng Tháp đã mở lòng để nói về sự quyết tâm để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa.

Ông Hồ Văn Sơn một nông dân chuyên trồng nhãn ở xã An Nhơn huyện Châu Thành - nơi được mệnh danh là “vương quốc” nhãn không giấu được xúc động cho biết, đã 30 năm qua rất khó khăn chưa được nguồn xuất khẩu sang Mỹ thì năm 2015 vừa qua đã làm được điều này, nhà vườn nơi đây rất phấn khởi.

Niềm vui, này không chỉ riêng của gia đình ông Sơn, của Hợp tác xã nhãn Châu Thành mà còn là của người dân Đồng Tháp.

Bởi ngoài giá trị về mặt kinh tế, việc nhãn edor Châu Thành có mặt trên thị trường Mỹ còn là niềm tự hào cho nông sản Đồng Tháp.

Sau bao năm lận đận, trồng rồi chặt, chặt rồi trồng, giờ đây cây nhãn đã mang về trái ngọt cho nhà vườn.

Ông Trương Văn Rồi, Giám đốc Hợp tác xã Nhãn Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Ở đây bà con cố gắng thực hiện VietGap theo mô hình ở Mỹ.

Thời gian qua bà con làm rất tốt”.

Việc 100 tấn nhãn Edor đầu tiên đã được Hợp tác xã cung ứng cho đối tác để xuất sang thị trường Mỹ là một thông tin rất vui không chỉ đối với người dân Đồng Tháp mà còn của cả nhà vườn cả nước.

Bởi đây là thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do áp dụng quy trình canh tác theo hướng an toàn của tiêu chuẩn VietGap mà nhãn Châu Thành đã vượt qua rào cản này để nâng tầm cho một loại nông sản thế mạnh, vốn đã bị dịch chổi rồng tàn phá những năm qua.

Theo Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, một khi sản phẩm được thị trường Mỹ chấp nhận rồi thì nhãn chúng ta sẽ xuất sang được các thị trường khó tính khác.

Có thể nói, ngoài trái nhãn huyện Châu Thành xuất ngoại thì năm 2015 vừa qua cũng là năm thăng hoa của nhà vườn trồng xoài tại huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.

Bởi nơi đây đã xây dựng thương hiệu, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, liên kết sản xuất rải vụ…cho trái xoài cát chu.

Đó là những nỗ lực mà chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người nông dân cùng chung tay để đưa xoài các chu Cao Lãnh bước sang nhiều thị trường khó tính.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… là những thị trường đầy tiềm năng đối với mặt hàng thế mạnh của Đồng Tháp.

Ông Huỳnh Thanh Bá, Phó Giám đốc Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Bà con nông dân mình rán phấn đấu sau sản xuất được 70% trái xoài xuất khẩu, 30% thì bán nội địa thì khi đó bà con mình sẽ rất là ổn định.

Bà con mình có thể làm giàu trên mạnh vườn của mình”.

Với 2 Hợp tác xã chuyên canh hàng trăm ha xoài, thương hiệu xoài Cát Chu Cao Lãnh sẽ còn vươn xa trong tương lai khi ngày càng có nhiều sự quan tâm, khảo sát thị trường và thiết lập mối quan hệ đối tác trong việc cung cấp mặt hàng này qua các nước lớn.

Đây cũng là triển vọng lớn nhằm giải bài toán “trúng mùa mất giá” vốn dĩ tồn tại hàng thập kỉ qua không chỉ ở Đồng Tháp mà ở nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Hợp tác xã xoài thì rất mừng trong quá trình hội nhập thì có nhiều nước đến mua xoài của Việt Nam.

Nhất là xoài chu Cao Lãnh.

Đối với Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây thì phải vận động bà con không sử dụng các loại thuốc mà người ta cấm”.

Đã có được những kết quả bước đầu trong việc tìm đầu ra ổn định cho hai mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, từ đó tạo động lực cho nhà vườn nâng cao giá trị hàng hóa của mình làm ra.

Thế nhưng hơn ai hết, người nông dân vùng đất Đồng Tháp đầy cần cù, chịu thương, chịu khó cũng cần xem đây vừa là động lực vừa là thách thức lớn để mài mò, quyết liệt hơn trong việc tìm ra những giá trị bền vững, lâu dài trong thời gian tới cho sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Từ đó, gắn với tiêu chí mà nền nông nghiệp Đồng Tháp đang hướng đến là phát huy những giá trị xanh từ những tiềm năng xanh./.


Hái lộc đầu năm cùng diêm dân Ninh Thuận Hái lộc đầu năm cùng diêm dân Ninh… Nông dân Ninh Thuận nhộn nhịp ra đồng vào dịp Tết Nông dân Ninh Thuận nhộn nhịp ra đồng…