Trại gà ông Kha đạt chất lượng toàn cầu
Sau hơn một năm triển khai, trang trại gà miền Đông của ông Nguyễn Minh Kha được tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union cấp GlobalG.A.P.
Không chỉ có chứng nhận GlobalG.A.P, tháng 9 năm ngoái, trại gà của ông Nguyễn Minh Kha cũng trở thành trang trại duy nhất ở Việt Nam được Nhật Bản cấp phép xuất khẩu vào thị trường này, do đáp ứng 200 tiêu chuẩn. Ảnh: Bảo Anh
Đây là trại gà đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalG.A.P và tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản…
Phải đạt hơn 400 tiêu chuẩn
Hôm thứ sáu (ngày 22/6), ông Nguyễn Minh Kha lặn lội ra Hà Nội nhận chứng nhận GlobalG.A.P của công ty Tài chính quốc tế (IFC – thành viên của nhóm ngân hàng Thế giới hướng dẫn). Để có được chứng nhận này, khu trại phải chi thêm cả tỷ đồng đầu tư, đáp ứng hơn 400 tiêu chí nuôi gà chuẩn châu Âu. Trong đó, có các tiêu chuẩn về phần cứng như: cơ sở vật chất, hạ tầng chuồng trại… và phần mềm (kỹ thuật, quản lý, kiểm soát, chính sách chất lượng…). Điều quan trọng là khi có chứng nhận GlobalG.A.P, sản phẩm chăn nuôi từ trại gà của ông Kha được thừa nhận trên quy mô toàn cầu; được các nhà nhập khẩu, phân phối lớn chấp nhận. Ngoài ra, sản phẩm thịt gà từ trang trại được nhận biết thông qua hệ thống định vị toạ độ địa lý toàn cầu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc…
Bắt đầu làm GlobalG.A.P từ tháng 4 năm ngoái, ông Kha và số công nhân hơn 30 người của khu trại đã trải qua hơn một năm miệt mài, vất vả thực hiện các hướng dẫn từ IFC. Cũng như tiêu chuẩn quy định của Nhật Bản, trọng tâm của GlobalG.A.P là thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, nhằm tạo ra những sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, tiêu chuẩn GlobalG.A.P còn coi trọng việc bảo vệ môi trường, an toàn lao động, sức khoẻ và phúc lợi của người lao động, đảm bảo lợi ích xã hội cho đối tượng liên quan; truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
“Huỷ một con gà bệnh cũng phải đúng luật, cầm đầu kéo giãn ra cho gà chết tự nhiên, chứ không được cắt cổ như cách làm thông thường. Huỷ gà bằng lò đốt, chứ không làm thức ăn sống cho cá sấu như các trại đang áp dụng”, ông Kha nói. Trong khi đó, chi phí nhập khẩu một lò đốt hơn 400 triệu đồng, chưa kể tiền mua dầu đốt.
Không chỉ có chứng nhận GlobalG.A.P, tháng 9 năm ngoái, trại gà của ông Nguyễn Minh Kha cũng trở thành trang trại duy nhất ở Việt Nam được Nhật Bản cấp phép xuất khẩu vào thị trường này, do đáp ứng 200 tiêu chuẩn. Trước đó, từ năm 2014, ông Kha tham gia chuỗi liên kết với liên công ty Koyu & Unitek, liên doanh đến từ Nhật Bản, để hình thành chuỗi sản xuất thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường nội địa và Nhật Bản. Với thị trường Nhật, trại gà ông Kha sở hữu phải đáp ứng các tiêu chí sản phẩm không tồn dư kháng sinh, kim loại nặng; không chứa chất cấm, và đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh cúm, vi khuẩn E. coli , Salmonella…
“Con giống, thức ăn cho gà phải được lấy từ các công ty có chứng nhận GlobalG.A.P, chứng nhận nguồn gốc rõ ràng!”, ông Kha bảo.
Giấy thông hành xuất khẩu
Đầu tháng 10/2017, Việt Nam lần đầu tiên có tên trong danh sách xuất khẩu thịt gà ra thế giới. liên doanh Koyu & Unitek là đơn vị liên kết chăn nuôi với trại ga ông Nguyễn Minh Kha, sau đó bao tiêu sản phẩm để giết mổ, chế biến xuất khẩu. Việc có chứng nhận GlobalG.A.P, theo ông Kha, tới đây, công ty De Heus – tập đoàn chăn nuôi của Bỉ, và cũng là một mắt xích liên kết đang cung cấp thức ăn cho trang trại – đã có kế hoạch lấy ức gà để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
“Có giấy chứng nhận GlobalG.A.P hay chứng nhận vào thị trường Nhật, đang mở ra cơ hội xuất khẩu khá tốt cho trang trại. Hiện tại, chúng tôi đã được đối tác Koyu & Unitek đề nghị nâng sản lượng lên gấp đôi rồi!”, ông Kha chia sẻ.
Trước đây, khi còn nuôi gà bán nội địa, khu trại của ông Kha chỉ có thể xoay vòng được ba lứa gà mỗi năm, tương đương ba chuồng/tuần. Tuy nhiên, từ khi có chứng nhận đủ tiêu chuẩn vào Nhật Bản, số lứa nuôi tăng lên trên năm lứa/năm, 7 – 8 chuồng/tuần, từ 60.000 con gà/tuần, nâng lên đạt 140.000 – 160.000 con, tương đương 300 – 350 tấn gà lông/tuần. Theo ông Kha, trước yêu cầu nâng công suất lên gấp đôi, tức 320.000 con/tuần từ đối tác, ông đang gấp rút hoàn thành thủ tục giấy phép để mở rộng thêm một khu trại khác. Dự kiến đến tháng 4 sang năm là có thể đưa vào hoạt động.
“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quỹ đất khan hiếm. Chúng tôi tìm khắp nơi mới có một khu đất đạt yêu cầu xây trại. Nếu có quỹ đất, tôi tin là Việt Nam có thể đẩy mạnh chăn nuôi, nâng sản lượng thịt gà xuất khẩu ngang Thái Lan và các nước khác!”, ông Kha khẳng định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao