Mô hình kinh tế Trải thảm đỏ thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Trải thảm đỏ thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Publish date Tuesday. September 29th, 2015

Trải thảm đỏ thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Ưu đãi phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc

Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 45, quy định chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 là điều kiện quan trọng để "hút" các nhà đầu tư vào những lĩnh vực này.

Đó cũng là một giải pháp để giải "bài toán" nhiều dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tuy được cấp phép nhưng chậm triển khai.

Trong khi đó lại tồn tại nhiều cơ sở giết mổ gia cầm hoạt động nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, rồi tình trạng bơm nước, tạp chất vào gia súc, gia cầm để tăng trọng lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến an toàn thực phẩm...

Chính sách này quy định mức hỗ trợ 70% chi phí đầu tư, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án để xây dựng hạ tầng điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị.

Đối với dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước sẽ được hỗ trợ 70% chi phí đầu tư, nhưng không quá 2,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên.

Đồng thời, đi kèm với đó là một số điều kiện cần thiết mà tỉnh đưa ra như quy mô, sử dụng lao động…

Thu hút đầu tư trang trại có quy mô, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn, vừa chuyển giao công nghệ.

Không chỉ hỗ trợ về công tác giết mổ, mà công tác chăn nuôi cũng được tỉnh ưu đãi cho doanh nghiệp.

Trong đó, hỗ trợ 70% chi phí đầu tư, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/dự án để xây dựng hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.

Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì được hỗ trợ 70% chi phí đầu tư, nhưng không quá 2,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên.

Để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện:

Cơ sở có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 500 con trở lên đối với lợn thịt hoặc từ 200 con trở lên đối với trâu, bò, dê hoặc từ 100 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại.

Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương...

Khuyến khích trồng cây dược liệu

Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những ưu tiên quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

Để tăng thu nhập cho nông dân và vực dậy khu vực nông thôn, tỉnh “trải thảm đỏ” cho hai lĩnh vực gắn liền với mảnh đất nông thôn là trồng rau an toàn và cây dược liệu.

Đầu tư trồng cây dược liệu như quế sẽ giúp đồng bào huyện miền núi Trà Bồng và Tây Trà nâng cao thu nhập.

Khi DN đầu tư vào sản xuất rau an toàn (diện tích trồng tập trung từ 5ha trở lên và nằm trong quy hoạch được duyệt); được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương, tỉnh sẽ hỗ trợ 70% chi phí đầu tư, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng đồng ruộng, nhà sơ chế, nhà kho, mua máy móc, thiết bị.

Riêng đối với đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước… nếu chưa có sẽ được hỗ trợ 70% chi phí đầu tư, nhưng không quá 2,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên.

Bên cạnh thu hút đầu tư vào khu vực đồng bằng, tỉnh cũng chú trọng đến việc thu hút đầu tư phát triển vùng núi, sản xuất cây dược liệu như quế, sa nhân...

Đây là tín hiệu vui đối với nông dân các huyện đang trồng nhiều quế như Trà Bồng, Tây Trà.

Chỉ cần đầu tư vùng sản xuất cây dược liệu thì đơn vị triển khai sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng vùng sản xuất và hỗ trợ 70% chi phí đầu tư/cơ sở...

Việc tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một bước đi mới, nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ở các vùng nông thôn, miền núi, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.


Đọng lại từ cánh đồng mẫu lớn Đọng lại từ cánh đồng mẫu lớn Cơ hội cho người trồng cà gai leo Cơ hội cho người trồng cà gai leo