Mô hình kinh tế Trẻ hóa vườn cà phê già cỗi

Trẻ hóa vườn cà phê già cỗi

Publish date Friday. November 6th, 2015

Trẻ hóa vườn cà phê già cỗi

Cây cà phê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của huyện, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều.

Tuy nhiên, do trồng đã nhiều năm nên hiện nay trên địa bàn huyện có gần một nửa diện tích trồng cà phê có tuổi đời từ 12 - 15 năm, đang bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất và chất lượng đều giảm rõ rệt, có vườn chỉ đạt từ 900 - 1.000g quả tươi/ha.

Theo người dân trồng cà phê, việc phục hồi những vườn cà phê già cỗi gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu quy trình kỹ thuật, nguồn giống trồng mới không bảo đảm, chi phí lớn khi phải phá đi phần lớn diện tích để trồng mới lại.

Trước thực tế đó, nhóm tác giả Nguyễn Bảy và Nguyễn Thanh Tùng công tác tại Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã đề xuất và thực hiện thành công đề tài cải tạo cây cà phê chè (Catimor) ở thị trấn Khe Sanh và xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) bằng phương pháp “đốn đau” và “đốn phớt” kết hợp chăm sóc phục hồi, nâng cao năng suất cây trồng.

Tham quan mô hình "trẻ hóa" vườn cây cà phê ở Hướng Hóa

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Bảy, trưởng nhóm thực hiện đề tài giải thích: “Đốn đau” là thuật ngữ chỉ kỹ thuật cưa đốn triệt để nhằm cải tạo làm trẻ hóa cơ bản vườn cây cà phê già cỗi; còn “đốn phớt” thực chất là kỹ thuật sửa cành tạo tán cho cây cà phê hàng năm, một trong các biện pháp kỹ thuật quan trọng giúp cho cây cà phê có nhiều cành hữu hiệu được phân bổ đều trong tán, cho quả nhiều và ổn định qua các năm.

Trong đó với phương pháp đốn đau, cây cà phê già cỗi được cưa toàn bộ thân chỉ để lại đoạn gốc cách mặt đất 20 – 25cm, bề mặt cắt phẳng và vát 1 góc 45 độ, sau khi cưa xong phải thu dọn sạch vườn cây, rải vôi khử trùng, cày hoặc cuốc toàn bộ mặt đất trong vườn cách gốc cây cà phê khoảng 50 cm nhằm cắt đứt rễ già, tạo rễ mới phát triển.

Còn phương pháp đốn phớt là cách sử dụng kềm chuyên dụng hoặc cưa cắt vát xiên góc 45 độ những đoạn thân cành không còn khả năng cho quả trên cây đã già cỗi.

Vừa dẫn chúng tôi “mục sở thị” vườn cà phê của mình, ông Phan Kế Toại ở khu phố1 (thị trấn Khe Sanh), một trong hai hộ thực hiện mô hình “đốn đau” vừa kể: 0,6 ha cà phê của gia đình ông đã được 14 năm tuổi, mặc dù đã đầu tư chăm sóc rất kỹ nhưng năng suất vẫn rất thấp, chỉ đạt từ 1,8 – 2 tấn quả tươi/ha/năm, sâu bệnh nhiều.

Nhiều lần gia đình định phá bỏ để trồng lại, nhưng chưa có điều kiện.

Đầu năm 2013, theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông đã áp dụng thí điểm phương pháp “đốn đau” để trẻ hóa vườn cà phê già cỗi của mình với diện tích 0,1 ha.

Ông Toại cho biết: "Vào tháng 1/2013, tôi cưa gần 2 sào cà phê già cỗi, chỉ để lại cách gốc khoảng 20cm.

Cây cưa đốn xong tôi cuốc rãnh bỏ phân xanh, phân vi sinh và rắc vôi bột để tạo màu, giảm độ chua cho đất, qua đó kích thích cây cà phê sinh trưởng nhanh.

Sau hơn 18 tháng, những cây cà phê trơ gốc ngày nào đã phát triển như cây cà phê trồng mới năm thứ 3 và bắt đầu cho trái, sản lượng đạt hơn 720kg, tương đương năng suất 7,2 tấn/ha, cao hơn từ 1,5 – 2,5 lần so với các vườn cà phê tái canh trồng mới và các vườn cà phê già cỗi trên địa bàn.

Với tốc độ phát triển của cây như hiện nay, niên vụ 2014 – 2015 hứa hẹn sẽ cho năng suất cao hơn nữa.

Ngoài ra vườn còn có khả năng chịu hạn cao và ít bị các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại.

Trong thời gian tới tôi sẽ áp dụng phương pháp cải tạo trẻ hóa này ra toàn bộ diện tích trồng cà phê còn lại của gia đình mình”.

Còn tại mô hình áp dụng phương pháp “đốn phớt” được thực hiện tại xã Hướng Phùng, ông Nguyễn Đình Đạt, hộ thực hiện mô hình cho biết: Vườn cà phê rộng 0,8 ha của gia đình ông đã được 12 năm tuổi, tuy nhiên năng suất thu hoạch năm cao nhất chỉ đạt 2,5 tấn quả tươi/ha, còn lại bình quân chỉ đạt từ 1,9 – 2 tấn quả tươi/ha, đó là chưa kể sâu bệnh ngày càng phát sinh và gây hại.

Sau khi cải tạo vườn cây bằng phương pháp “đốn phớt” cây phát triển tốt, cân đối, hạn chế nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại.

Chỉ sau hơn 1 năm đã cho thu hoạch, đạt năng suất gần 6,7 tấn/ha, cao hơn so với các vườn cà phê khác trên địa bàn từ 1 – 1,2 tấn/ha và cao hơn gần 2,5 lần so với vườn trồng cà phê trước đây của gia đình.

Theo ông Đạt, mục đích của việc “đốn phớt” là cưa đốn cải tạo lại bộ khung, tạo tán cây gọn, giúp vườn cây thông thoáng, cắt bỏ các cành nhiễm sâu bệnh, cành già cỗi nên việc thực hiện tương đối đơn giản, tuy nhiên để đạt năng suất cao cần phải tăng cường bón phân và vôi nhằm cải tạo vườn cây.

Theo kỹ sư Nguyễn Bảy, các mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp “đốn đau” và “đốn phớt” đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương, dễ thực hiện và ít tốn kém.

Với phương pháp “đốn đau” cây cà phê cho năng suất trái ổn định từ năm thứ 2, còn với phương pháp “đốn phớt” cho năng suất ổn định ngay từ năm đầu tiên.

Cây cà phê sau khi cải tạo có thể thu hoạch thêm trong vòng 5 năm mới phải thay thế; năng suất của vườn cà phê sau cải tạo cao hơn các vườn đại trà trên địa bàn từ 1 - 1,2 tấn/ha và gấp 2,5 lần so với chính vườn thực hiện mô hình đó trước đây.

Với hơn 2.000 ha cà phê đã qua chu kỳ khai thác và xuống cấp, năng suất đạt thấp, chỉ khoảng dưới 1 tấn quả tươi/ha, việc nhân rộng mô hình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Hướng Hóa.


Nhà vườn tất bật vào vụ trái cây mùa Tết Nhà vườn tất bật vào vụ trái cây… Nông dân vùng biển có giống lúa chống chịu phèn mặn Nông dân vùng biển có giống lúa chống…