Mô hình kinh tế Triển vọng mới trong phát triển nuôi cá đặc sản

Triển vọng mới trong phát triển nuôi cá đặc sản

Publish date Wednesday. July 22nd, 2015

Triển vọng mới trong phát triển nuôi cá đặc sản

Ðược thiên nhiên ưu đãi với nền khí hậu đặc thù, Lào Cai có nhiều điều kiện để phát triển thủy sản, đặc biệt là các loại cá nước lạnh và một số loại cá đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao. Trên thực tế, Lào Cai có khá nhiều loại cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá nheo, cá bỗng… hiện đang được thị trường rất ưa chuộng. Nhưng nguồn cung ứng thủy sản nói chung, cá đặc sản nói riêng tính bình quân trên đầu người còn khá thấp. Gần đây, việc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông toàn tuyến, lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng đột biến, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm có tính đặc sản của địa phương càng “nóng” hơn bao giờ hết. Đó cũng là lý do khiến nhiều hộ dân đã chủ động khai thác nguồn cá giống trên sông, suối, hồ để đưa vào ao nuôi, nhằm tăng giá trị nuôi thủy sản.

Bởi dựa vào tự nhiên là chủ yếu, nên việc mở rộng quy mô, tạo nguồn cá đặc sản nuôi có khối lượng lớn, đồng đều là rất khó. Theo ông Lê Tiến Dũng, thôn An Quang, xã Quang Kim (Bát Xát) là người có kinh nghiệm nuôi cá nheo sông đã nhiều năm: Để có lượng cá giống, tháng 3 hằng năm, khi cá nheo từ các dòng sông bơi ngược lên những khe suối đẻ trứng, thì ông Dũng lại ngày đêm đi đánh lú (lú là một dụng cụ đánh cá truyền thống của người dân địa phương) bắt cá nheo con về nuôi tại ao nhà. Sau gần 2 năm, cá nheo đạt trọng lượng khoảng 3 kg/con thì ông Dũng xuất bán, với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (giá cá nheo là cao gần 2 lần so với cá nước ngọt thông thường).

Tuy nhiên, để nuôi cá như ông Dũng là hết sức khó khăn, bởi không phải ai cũng có kinh nghiệm và sự kiên trì bắt cá bằng lú như ông. Cũng bởi nguồn giống hiếm hoi, nên những hộ như ông Dũng mỗi năm chỉ cung ứng thị trường khoảng 100 - 150 con cá nheo, trong khi nhu cầu còn lớn hơn thế rất nhiều. Ngoài cá nheo sông, một số loại cá tự nhiên như chạch chấu, cá quất… cũng đang được một số hộ dân ở các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng đánh bắt mang về nuôi, sản phẩm xuất bán lên tới 300.000 - 400.000 đồng/kg. “Bà con cứ nuôi đi, không bao giờ lo ế và lo bị ép giá cá đặc sản cả, không có nhà hàng này mua đã có hàng trăm nhà hàng khác” - anh Trần Quốc Linh, một chủ nhà hàng tại Sa Pa thẳng thắn nói.

Một số loại cá đặc sản khác như trắm đen, cá lăng, cá chiên đang được nuôi trong lồng trên hồ thủy điện Bắc Hà, nhưng quy mô còn khá nhỏ. Hiện chưa có nhiều tài liệu về nuôi cá đặc sản, trong khi nuôi cá này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn cá thường, mức độ đầu tư cũng lớn hơn. Do thiếu nguồn giống, nên cá đặc sản chủ yếu được nuôi xen với cá thường, cá đặc sản phải tự khai thác nguồn thức ăn trong tự nhiên, nên thời gian sinh trưởng vẫn còn kéo dài. Phát triển cá đặc sản như thế nào, khai thác tiềm năng sẵn có ra sao đang là câu hỏi lớn với ngành thủy sản tỉnh?

Trong Quyết định Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, thì việc phát triển các đối tượng cá đặc sản là một trong những mục tiêu quan trọng. Trong đó, việc hình thành một số khu bảo tồn nguồn lợi đối với thủy sản đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao là vấn đề được tính tới. Ngành thủy sản cũng đề cập tới việc xây dựng và triển khai Dự án bảo vệ các khu đẻ trứng tự nhiên của cá trên sông Hồng, sông Chảy, trên suối và đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên để đảm bảo phát triển cá đặc sản bền vững.

Từ năm 2012, khi Dự án phát triển thủy sản tỉnh Lào Cai được triển khai, thì các loại cá đặc sản đã được nuôi nhiều hơn trong các hộ dân và tại các lồng nuôi trên hồ chứa nước. Thống kê chuyên ngành cho thấy, hiện Lào Cai có hơn 30 hồ chứa nước có khả năng phát triển nuôi cá lồng. Đặc điểm của hầu hết các hồ chứa này là tích nước quanh năm, nguồn nước trong, sạch, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản, trong đó có các loại cá lăng, cá chiên, cá trắm đen. Đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 200 lồng nuôi, trong đó nuôi cá đặc sản chiếm khoảng 30%. Nhìn chung, việc phát triển cá đặc sản đã bắt đầu có những tín hiệu vui.

Để tháo gỡ những khó khăn về nguồn giống, ngành thủy sản tỉnh đang có những nghiên cứu công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực và các đối tượng nuôi bản địa, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật mới, sản xuất thủy sản theo hướng VietGAP, quy hoạch phát triển thủy sản đặc sản tập trung và vùng trọng điểm. Tham mưu cho cấp trên ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để thiết lập mạng lưới tiêu thụ sản phẩm cho người dân, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng các trạm thu mua sản phẩm, truy suất nguồn gốc nuôi trồng nhằm đảm bảo được giá trị ổn định của sản phẩm. Việc truy suất nguồn gốc, tiến tới là công nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá đặc sản từ khâu sản xuất đến bàn ăn sẽ góp phần nâng cao giá trị du lịch liên quan đến ẩm thực mang thương hiệu cho Lào Cai. Với những tiềm năng sẵn có và nguồn cầu luôn rộng mở, thì việc phát triển nuôi cá đặc sản đang hứa hẹn nhiều triển vọng mới.


Nghịch cảnh nghề nuôi tôm ở Đông Hải (Quảng Ninh) Nghịch cảnh nghề nuôi tôm ở Đông Hải… Gần 80ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn Gần 80ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn…