Mô hình kinh tế Triển Vọng Nghềnuôi Cá Bống Tượng Ở Phước Long

Triển Vọng Nghềnuôi Cá Bống Tượng Ở Phước Long

Publish date Friday. June 20th, 2014

Triển Vọng Nghềnuôi Cá Bống Tượng Ở Phước Long

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong những năm gần đây ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều gia đình khá lên nhờ mô hình nuôi cá bống tượng trong ao đìa.

Ông Trần Thanh Phương, ở ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh là một trong số những người đầu tiên nuôi cá bống tượng ở huyện Phước Long. Với diện tích 1,1 ha đất nông nghiệp, trước đây chỉ độc canh cây lúa, ông nhận thấy nếu chỉ độc canh cây lúa thì kinh tế gia đình khó được cải thiện.

Từ năm 2000, ông bắt đầu nuôi cá bống tượng, ban đầu ông chỉ nuôi thử một ao với diện tích 300 m2, thả 300 con cá bống tượng giống. Cá giống cỡ 100 gr/con, với giá cá giống 70.000 đồng/kg. Sau 1 năm nuôi ông thu được 21 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 12 triệu đồng.

Năm 2006, ông quyết định mở rộng diện tích thêm 4.000 m2, chia làm 05 ao mỗi ao có diện tích từ 500 m2 đến 1.000 m2, mỗi năm ông thu lãi từ 80 – 90 triệu đồng tùy theo giá cá thương phẩm, trung bình giá thành cho 1kg cá thịt khoảng 130 ngàn đồng (có năm giá lên đến 450.000 – 470.000 đồng/kg). Đầu năm 2014, ông thu 1 ao được 270 kg, giá bán 350 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 40 triệu đồng.

Theo cách làm của ông Phương: Trước khi thả giống, ao nuôi phải được xử lý bằng vôi nông nghiệp (CaCO3), bón phân gây màu nước, cấp nước vào ao với độ sâu khoảng 1,5 m. Trong quá trình chăm sóc, định kỳ diệt khuẩn, trộn vitamin C, men tiêu hóa cho cá ăn, mỗi ngày cho ăn 1 lần (vào sáng sớm hoặc chiều mát) nhằm giúp cho cá tăng sức đề kháng, tiêu hóa thức ăn tốt, giúp cho cá mau lớn, ít bị bệnh. Thức ăn cho cá chủ yếu là cá tạp được cắt nhỏ tùy theo trọng lượng của cá nuôi.

Theo ông, chọn thức ăn cá tạp cho cá bống tượng phải chú ý thức ăn phải còn tươi, không bị ươn, thức ăn không được đánh bắt bằng thuốc trừ sâu, cho ăn theo khẩu phần 3-4% tổng trọng lượng cá trong ao, tùy theo điều kiện thời tiết có thể tăng hay giảm cho phù hợp.

Định kỳ 30 ngày/lần thay 20 – 30% lượng nước trong ao (nước ở tầng đáy), sau đó sử dụng vôi sống (CaO) (5-7 kg/1000 m3) để giúp ổn định môi trường ao nuôi, dùng chế phẩm sinh học EMC xử lý đáy ao. Sau khoảng thời gian từ 10 đến 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,5 kg/con trở lên, ông tiến hành thu hoạch.

Ông Phương cho biết, cá bống tượng rất dễ nuôi, nhưng cũng dễ mắc bệnh và cá thường hao hụt nhiều ở giai đoạn đầu. Vì vậy, để nuôi cá bống tượng đạt hiệu quả cao thì người nuôi phải có ít nhất 03 ao trở lên. Một ao dùng để “thuần hóa cá giống” - tức là khi mua cá giống về thả ở ao này khoảng 2 - 3 tháng (khi mà cá không còn hao hụt, đây là giai đoạn có tỷ lệ hao hụt cao nhất khoảng 50%), cho cá thật khỏe rồi mới tát ao phân ra 2 cỡ cá, chuyển ra 2 ao khác nuôi thịt, làm như vậy để kiểm tra được lượng giống thả nuôi, và để xác định được lượng thức ăn cho cá ăn.

Bên cạnh đó, khâu chọn giống cũng rất quan trọng: khi chọn cá bống tượng có nguồn gốc tự nhiên phải biết rõ nguồn gốc, cá không bị đánh bắt bằng xung điện, cá không bị xây sát, hoạt động nhanh nhẹn… Mật độ thả nuôi 1 con/m2 là vừa.

Tuy có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá bống tượng, nhưng điều lo ngại nhất đối với ông là trùng mỏ neo thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và gây bệnh cho cá nuôi.

Ngoài nuôi cá bống tượng ông còn trồng cây công nghiệp và nuôi ếch để tăng thêm thu nhập. Ông tận dụng diện tích xung quanh bờ ao ông để trồng dừa, ổi, hàng năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ông nuôi gần 70 cặp ếch bò Thái Lan sinh sản, thu về lợi nhuận hàng năm gần 30 triệu đồng/năm.

Với những thành tích đạt được, ông Phương được tặng nhiều bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh, huyện. Năm 2013 ông Phương được chọn tham gia báo cáo mô hình sản xuất hiệu quả trong một chương trình hội thảo được tổ chức tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Qua nhiều năm nuôi cá bống tượng, ông Phương đã tích góp được nhiều kinh nghiệm thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao và sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này trong những năm tiếp theo. Không riêng bản thân gia đình ông Phương, mà Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá bống tượng cho những hộ xung quanh khi có nhu cầu.

Với việc nuôi cá bống tượng thành công, có tính toán khoa học, ông Phương không những góp phần đa dạng hóa giống cây trồng vật nuôi, vươn lên khá giả, mà còn giúp mở ra triển vọng phát triển về loài cá này trên địa bàn huyện Phước Long nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung.

Ở Phước Long, ngoài gia đình ông Trần Thanh Phương, nhiều hộ khác như hộ ông Lê Hồng Nguyên, Ông Văn Có … cũng có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá bống tượng.

Ông Lâm Thanh Phong, phó trưởng phòng NN&PTNT, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện tại huyện có gần 700 hộ nuôi cá bống tượng, trên diện tích 28 ha. Điều kiện đất đai, nguồn nước ở huyện Phước Long rất phù hợp để nuôi cá bống tượng, mô hình dễ thực hiện, không cần diện tích lớn, có thể tận dụng ao đìa sẵn có và tận dụng được nguồn thức ăn; con giống ở địa phương tương đối phong phú quanh năm.

Trong thời gian tới phòng Nông nghiệp&PTNT huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho bà con trong các vùng có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.


Lai Tạo Thành Công Giống Bò Thịt Chất Lượng Cao Charolais Lai Tạo Thành Công Giống Bò Thịt Chất… Thừa Thiên Huế Mất Lạc, Được Dưa Thừa Thiên Huế Mất Lạc, Được Dưa