Tin thủy sản Triển vọng thị trường cá tra cuối năm

Triển vọng thị trường cá tra cuối năm

Author Vân Anh, publish date Tuesday. December 4th, 2018

Triển vọng thị trường cá tra cuối năm

Hiện nay, tình hình thị trường thế giới đang diễn biến rất nhanh theo hướng có lợi cho sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Nếu tận dụng được, mức tăng trưởng của ngành này những tháng cuối năm sẽ rất tốt.

9 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra vẫn phát triển tốt 

Giá tốt

Mặc dù gặp một số bất lợi, vậy nhưng 9 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra vẫn phát triển tốt, giá cá giống và cá nguyên liệu duy trì ở mức cao.

Trước tiên phải nói đến là việc giá cá tra nguyên liệu luôn duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá cá loại I (700 - 900 g/con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... trung bình khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg. Bộ NN&PTNT cho biết, giá tăng một phần do nguồn cung cá giống khan hiếm cùng với việc trữ lượng cá nguyên liệu khá thấp; trong khi, nhu cầu cho chế biến xuất khẩu. Cá tra giống cỡ 30 con/kg dao động mức 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Trong cả chuỗi từ sản xuất giống đến nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến đều đã có lãi... Để có được điều đó là nhờ Nghị định 55 và Thông tư 07 về quản lý sản xuất cá tra đã phát huy hiệu quả, hiện sản phẩm cá tra đã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát được đến từng cơ sở. Cùng đó, tại thị trường quốc tế, nhờ sự chủ động trong truyền thông của ngành Công thương, NN&PTNT, con cá tra đã lấy lại được uy tín. Điều này tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu và giá fille tăng cao nhất từ trước đến nay.

Tín hiệu xuất khẩu sáng

Tại thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, trong 3 quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang đây vẫn đạt mức tăng trưởng dương tuy tốc độ có chậm hơn so với năm trước; giá trị đạt 376,8 triệu USD, tăng 30,8% so cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Các doanh nghiệp cho rằng, từ nay cho tới cuối năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn được dự báo tăng trưởng ổn định nhưng không tăng quá 10% so cùng kỳ năm ngoái.

Cùng đó, xuất khẩu cá tra sang EU năm 2018 đã có những tín hiệu vui sau nhiều năm liên tục dưới mức tăng trưởng âm. Đến hết tháng 9, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 176,4 triệu USD, tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan tăng 31,6%; Đức tăng 0,4%; Italy tăng 65,9%. Dự báo, mức tăng trưởng này còn tiếp tục được duy trì đến hết năm.

Với thị trường Mỹ, ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố dự thảo công nhận tương đương đối với Việt Nam để xin ý kiến công chúng trước khi công nhận chính thức. Trước đó, ngày 10/9, USDA đã ban hành kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR 14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam là 0 - 2,39 USD/kg so với POR13 là 0,69 - 7,74 USD. Theo VASEP, việc USDA khẳng định hệ thống quản lý chất lượng cá da trơn của Việt Nam đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Mỹ sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Và dù chỉ là mức thuế sơ bộ POR14, vì kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 3/2019, nhưng về mặt tâm lý có thể tạo ra sự tăng trưởng tiêu thụ ở thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm. Theo nhận định, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ năm nay đạt khoảng 500 triệu USD. 

>> Số liệu của ngành thủy sản cho thấy, tính đến 30/9, tổng diện tích thả nuôi cá tra đạt 4.472 ha, tăng 10% so cùng kỳ năm 2017. Tổng sản lượng thu hoạch 942.400 tấn, tăng 9,3% so. Giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 1,68 tỷ USD, tăng 29,2% so cùng kỳ.


Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng công… Nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP Nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP