Triển Vọng Từ Dự Án Mở Rộng Mô Hình Trồng Quýt Ở Ba Bể (Bắc Kạn)
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện nhiều mô hình, dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa nông sản, trong đó có cây quýt thành sản phẩm hàng hóa.
Ba Bể có tổng diện tích tự nhiên 68.124ha, có vị trí địa lý giáp tỉnh Cao Bằng và tỉnh Tuyên Quang, nằm trên hai tuyến đường quốc lộ 279 và tỉnh lộ 258, trong đó, có khoảng 3/4 số xã có đường quốc lộ và tỉnh lộ chạy qua, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương thuận lợi vận chuyển, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản phẩm nông sản thành hàng hóa.
Do đó, những năm qua huyện đã tích cực phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thực hiện các mô hình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Được triển khai thực hiện tại 6 xã: Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu, Yến Dương, dự án "Mở rộng mô hình trồng quýt" do Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn quản lý, Viện nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể thực hiện.
Dự án đã tổ chức tuyển chọn cây ưu tú, từ đó tiến hành chăm sóc để khai thác mắt ghép phục vụ cho nhân giống; xây dựng vườn ươm để sản xuất cây giống và mô hình trồng mới; tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật thiết kế vườn trồng cam, quýt trên đất đồi; thời vụ cắt tỉa; quản lý dịch hại; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch...
Dự án đã bình tuyển được hàng trăm cây quýt ưu tú; xây dựng được vườn ươm giống cây cam, quýt tại trên địa bàn huyện, cung cấp cây giống cam, quýt ghép đảm bảo chất lượng giống cho nông dân. Đến nay, qua theo dõi cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, nhiều diện tích đã bói quả...
Ông Hoàng Văn Học, thôn Nà Đúc (xã Địa Linh), một trong những hộ dân được chọn tham gia dự án cho biết: Nhiều năm trước đây, gia đình cũng đã trồng cam, quýt, nhưng do cây giống chủ yếu chỉ được ươm bằng hạt, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên cây sinh trưởng, phát triển chậm. Từ khi thực hiện dự án theo phương pháp sử dụng giống ghép, sau 3 năm vườn quýt của ông đã bói quả, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh...
Việc triển khai dự án mở rộng mô hình trồng quýt tại huyện Ba Bể nhằm góp phần phát triển cây quýt hàng hoá của tỉnh. Năm thứ nhất, chuyển giao kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Năm thứ hai, chuyển giao kỹ thuật quản lý vườn quýt thời kỳ kinh doanh (bón phân, đốn tỉa, bảo vệ thực vật, thu hái, bảo quản quả); giới thiệu công nghệ đốn tỉa cho quýt của một số nước Trung Quốc, Đài Loan đang áp dụng tại Viện nghiên cứu rau quả.
Tham gia thực hiện dự án này là các hộ có diện tích đất ổn định, có lao động và đối ứng vật tư trên cơ sở tham gia tự nguyện, được nhà nước hỗ trợ (100% cây giống từ nguồn vốn Sở Khoa học công nghệ), phân bón hỗ trợ từ nguồn ngân sách của huyện và hộ dân tham gia đối ứng công lao động, phân hữu cơ, phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình thực hiện ở 4 dạng: Trồng thuần, xen ổi, xen ngô và xen dong riềng.
Từ việc triển khai dự án, Viện Nghiên cứu Rau quả đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể, Bạch Thông, cán bộ khuyến nông các xã, các hộ nông dân trong vùng thu thập cây ưu tú công nhận cây dầu dòng.
Dự án đã giúp địa phương chuyển đổi các giống cây ăn quả nói chung và cây cam, quýt nói riêng đang bị thoái hoá sang trồng giống cây có năng suất, chất lượng theo hướng sản xuất hàng hoá; giúp cho người dân xoá bỏ dần tư duy, tập quán sản xuất dựa theo kinh nghiệm sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao giá trị cây trồng...
Tiến sỹ Ngô Hồng Bình- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Chủ nhiệm dự án này cho biết: Quýt là đặc sản nổi tiếng của Bắc Kạn, trong đó Ba Bể có nhiều triển vọng làm giàu từ loại cây ăn quả đặc sản này.
Qua trao đổi từ nhiều hộ dân tham gia thực hiện dự án, cái được lớn nhất của dự án là nắm chắc quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc đốn, tỉa quýt, xoá bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển sang phương thức canh tác mới (từ trồng bằng gieo hạt sang trồng cây ghép), với những kiến thức đã được thực nghiệm bà con đã có thể chủ động xây dựng, nhân rộng diện tích vườn nhà, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trên thị trường, góp phần nhanh chóng xóa nghèo bền vững, tiến tới vươn lên làm giàu từ loại cây ăn quả đặc sản này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao