Tin thủy sản Triển vọng từ luân canh tôm - cá ở Sóc Trăng

Triển vọng từ luân canh tôm - cá ở Sóc Trăng

Author Thúy Liễu, publish date Saturday. December 14th, 2019

Triển vọng từ luân canh tôm - cá ở Sóc Trăng

Thời gian gần đây, khi tình hình nuôi tôm có nhiều khó khăn, nhiều địa phương tại các vùng nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL đã chuyển đổi sang hình thức luân canh tôm - cá. Anh Võ Điền Trung Dũng (ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) đã thành công với mô hình nuôi một vụ tôm, một vụ cá hồng Mỹ.

Cá hồng Mỹ là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao - Ảnh: CTV

Thích ứng thời vụ

Nghề nuôi cá nước lợ phát triển khá rầm rộ trong vài năm trở lại đây, nhất là khi tình hình tôm nuôi bị thiệt hại nhiều do yếu tố thời tiết, môi trường. Với các địa phương có thế mạnh nuôi tôm nước lợ như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Mỹ Xuyên người nuôi tôm thường kết hợp nuôi cá nước lợ theo hình thức luân canh hay nuôi ghép mục đích cải tạo môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh và các loại cá được tập trung nuôi là cá dứa, cá đối, cá  mục, cá kèo, cá chẽm đặc biệt gần đây là cá hồng Mỹ. Mô hình này được anh Võ Điền Trung Dũng áp dụng bước đầu đã đem về nguồn thu nhập tốt cho gia đình.

Anh Dũng bộc bạch: “Thấy tiềm năng từ con cá nước lợ, đặc biệt là hồng Mỹ, tôi đã chuyển đổi hình thức nuôi tôm luân canh thành nuôi 1 vụ tôm và 1 vụ cá với diện tích 40 ha nuôi cá trong đó có 20 ao nuôi cá chẽm và 5 ao nuôi cá hồng Mỹ, tổng sản lượng 2 loại cá khoảng 1.500 tấn và với 5 ao cá hồng Mỹ; trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận tầm 5 tỷ đồng. Riêng cá hồng Mỹ chủ yếu bán cho thị trường nội địa nhưng rất có tiềm năng do chất lượng thịt ngon người tiêu dùng ưa chuộng, thường cá xuất bán trọng lượng dao động 700 - 800 g/con, nếu xuất bán thị trường châu Âu trọng lượng phải đạt 2 kg/con và để nguồn cá được đảm bảo đầu ra ổn định, ngoài việc bán cho các tỉnh bạn, tôi cũng ký kết cung ứng cá hồng Mỹ, cá chẽm tại chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, theo anh Dũng, khó khăn của người nuôi cá hồng Mỹ hiện nay chính là nguồn con giống tại địa phương chưa chủ động được, nên chi phí nuôi trồng vẫn còn khá cao. Đồng thời, để tạo được sản lượng lớn cần phải liên kết hộ nuôi có như vậy hộ nuôi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng như nhà chuyên môn có thông tin đến người nuôi về mặt thị trường, kích thức size cỡ, cách phân phối bán hàng mới đảm bảo cho người dân có được giá cả ổn định, tránh những rủi ro trong vấn đề sản xuất liên kết nuôi.

Giải pháp hạn chế dịch bệnh

Anh Võ Điền Trung Dũng chia sẻ thêm, để hạn chế rủi ro về dịch bệnh trong quá trình nuôi, cần thực hiện nuôi xoay vòng một vụ tôm một vụ cá thay vì hình thức nuôi liên vụ. Do cá nước lợ thiên về sống ở biển hoặc cửa sông nên nhu cầu ôxy rất cao, vì vậy cần đặc biệt chú ý cung cấp đầy đủ ôxy trong ao nuôi, có hệ thống xi phông và thay nước thường xuyên để đảm bảo cá sinh trưởng tốt. Định hướng của anh Dũng là sẽ đào tạo đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành tiến đến xây dựng trại giống cá biển để nhập các giống cá nước ngoài có giá trị kinh tế cao về nuôi và liên kết hộ nuôi và cung cấp luôn con giống, hình thành vùng nuôi cá biển có sản lượng lớn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu với mong muốn là Sóc Trăng sẽ dẫn đầu về cung cấp cá giống biển tại Việt Nam.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, hình thức nuôi cá nước lợ chủ yếu được bà con lựa chọn là nuôi luân canh và xen canh. Thả ghép cá với tôm hoặc nuôi cá trong ao tôm để hạn chế dịch bệnh; đây đang là giải pháp nhằm chuyển hướng từ độc canh con tôm sang đa canh tại một số địa phương có nhiều diện tích nuôi tôm nước lợ như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Mỹ Xuyên. Trong ao nuôi, cá sử dụng nguồn rong tảo và bã hữu cơ giúp môi trường ao nuôi sạch hơn và giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Về mặt kỹ thuật, nhìn chung cá nước lợ vẫn không khác nhiều so với các loại thủy sản khác”.  Nguồn tôm cá trên biển không phải là vô tận nên đa dạng nguồn cung ứng thủy hải sản cho thị trường bằng sản phẩm cá nuôi là rất cần thiết. Thế nhưng, vấn đề này, được thực hiện đối với nhiều loại cá khác nhau chứ không riêng gì con cá chẽm, cá dứa, cá đù… và với cá hồng Mỹ tại hộ anh Dũng được xem là đối tượng cá nước lợ mới, có giá trị kinh tế cao người nuôi nên tham khảo và lựa chọn loài cá nước lợ phù hợp qua các loài cá nước lợ nuôi nói trên, bà Bình nhận định.

Với những hiệu quả ban đầu mà nghề nuôi cá nước lợ đặc biệt là con cá hồng Mỹ mang lại tại hộ anh Dũng nếu người nuôi áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật cũng như xây dựng được chuỗi liên kết phát triển bền vững thì một thời gian không xa khi nhắc đến nền kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng không phải chỉ biết đến con tôm nước lợ mà còn là con cá nước lợ…

Theo tính tính toán của anh Võ Điền Trung Dũng, nếu cá hồng Mỹ có giá 85.000 đồng/kg người nuôi thu về lợi nhuận là 25.000 - 30.000 đồng/kg, đây là mức lợi nhuận hấp dẫn đối với người nuôi. 


Tái tạo nguồn lợi từ hoạt động phóng sinh Tái tạo nguồn lợi từ hoạt động phóng… Nâng cao chất lượng cá nuôi trong hồ chứa tại Bình Định Nâng cao chất lượng cá nuôi trong hồ…